Làng chài sinh sống quanh đầm Cù Mông - Ảnh: internet
Từ xa xưa, người dân nơi đây đã có câu ca: “Cá ngon là cá Cù Mông/ Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương”. Cá ở đầm Cù Mông rất ngon, hợp khẩu vị nhiều người và du khách. Còn gạo ngon có từ lúa ở đồng ruộng Phú Dương dưới chân dãy núi Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh, cách thị trấn Sông Cầu 12km về phía bắc. Xuân Thịnh là xã đồng bằng nhưng có nhiều thôn bán đảo. Người dân ở hai thôn Vịnh Hòa và Từ Nham sống bằng nghề biển và nuôi tôm hùm; còn thôn Hòa Hiệp và Phú Dương sống bằng nghề nông nghiệp. Ngày xưa đất đai ở đây rất màu mỡ, hạt lúa no tròn rất nổi tiếng đã nuôi sống những người dân buổi đầu đi mở đất.
Cù Mông là vịnh biển nhỏ, có diện tích khoảng hơn 26km2. Đầm Cù Mông dài và hẹp do được bao bọc bởi dãy núi Cù Mông vươn ra biển. Bên cạnh những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đầm Cù Mông còn là vùng nuôi tôm hùm thương phẩm lớn nhất tỉnh Phú Yên và những loài hải sản quý hiếm như cá ngựa, sò đá... mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trong vùng. Ở đầm Cù Mông có đảo Hòn Nần, nơi đây có miếu Công thần dựng lên từ thời Gia Long - di tích ghi dấu những nghĩa sĩ quân Nguyễn Ánh trong trận giao chiến với quân Tây Sơn. Miếu là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven đầm. Bên cạnh đó, còn có những di chỉ khảo cổ lưu dấu nền văn hóa của người Việt cổ sinh sống tại ven biển miền Trung. Đảo Hòn Nần nhỏ, đá lô nhô, không có cây cối rậm rạp như những đảo khác mà chúng ta thường thấy. Gọi là đảo, nhưng kỳ thực đó là một tảng đá lớn nằm theo hướng Bắc - Nam, chỗ rộng nhất chỉ khoảng 15m.
Nước trong đầm Cù Mông xanh trong, sóng gợn lăn tăn. Cửa biển thông vào đầm được che chắn bởi hai mõm núi đá. Dãy núi như hai cánh tay lớn tạo thành vòng cung ôm lấy đầm. Dọc đầm Cù Mông là những làng chài ven biển nằm dưới hàng dừa xanh yên bình soi bóng. Dọc đầm có những cây cầu bằng gỗ vắt ngang eo đầm và cầu Bình Phú hiện đại nối quốc lộ 1A với quốc lộ 1D giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đầm Cù Mông còn có những cánh đồng muối trắng nổi tiếng ở Xuân Bình, Xuân Lộc ngang qua những rặng dừa xanh, làm nên hình ảnh làng quê ven biển với xứ dừa nổi tiếng của huyện Sông Cầu. Những dãy hàng quán nhà nổi trên mặt đầm với các loại hải sản mang hương vị độc đáo riêng nơi đây, nhất là ghẹ Cù Mông thịt chắc nịch, thơm ngon hằng năm thu hút đông đảo khách thập phương về thưởng thức.
Đầm Cù Mông dài và hẹp, chạy dài hơn 15km ra biển tạo nên một bán đảo rất đẹp. Trong những năm qua, khi đến mùa mưa lũ, khu vực này có nguy cơ bị xói lở nghiêm trọng. Vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề cương chi tiết Dự án chống xói lở đầm Cù Mông. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho dự án hơn 21 triệu USD từ nguồn vốn Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu quốc gia. Với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp và địa thế quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến cư dân quanh vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cùng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đầm Cù Mông đang được ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh lập hồ sơ đề nghị công nhận danh thắng cấp quốc gia.(*)
Đức Hồng
(*) Theo phuyen.gov.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065