Việc hơn 700 hiệu trưởng các trường tiểu học ở Hà Nội đã không phát biểu ý kiến gì trong cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội là một chứng minh rõ nhất của việc Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không đi vào cuộc sống, có thể nói thẳng là thất bại. Tuy nhiên mọi người chỉ thường nhắc đến sự khó khăn khi áp dụng Thông tư này vào thực tế ở việc giáo viên rất khó khăn để viết nhận xét cho từng học sinh vì quá vất vả, nhưng chưa thấy ai phân tích các lý do thực sự khác lý giải cho việc học sinh đã có chất lượng học đi xuống trong 1 học kỳ vừa qua. Tôi xin viết một phân tích ngắn:
1. Trước tiên cần nhắc lại: Thông tư 30 là công văn chỉ đạo trực tiếp khâu kiểm tra đánh giá học sinh cấp Tiểu học. Trong giáo dục, kiểm tra, đánh giá là 1 trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhà trường. Thông tư 30 sẽ đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ khâu đánh giá chất lượng giáo dục trực tiếp trong nhà trường Tiểu học.
2. Mô hình đánh giá học sinh trước Thông tư 30 là: hầu hết các môn học bậc tiểu học đều kiểm tra bằng các nhận xét, đánh giá theo đạt/chưa đạt. Riêng đối với các môn học chính như Toán, Tiếng Việt thì kiểm tra đánh giá theo điểm số (thang 10) và đánh giá theo các mức Giỏi/Khá/TB/Yếu. Lấy lý do việc cho điểm sẽ gây áp lực, cạnh tranh không lành mạnh và điểm số khô khan, đánh giá chung theo các mức Giỏi/Khá/TB/Yếu cũng gây áp lực, nên Thông tư 30 đã hủy bỏ tất cả các qui tắc trên và thay vào đó bằng cách yêu cầu giáo viên đánh giá bằng nhận xét rất chi tiết, cấm chấm điểm, và đánh giá chung cho các môn học và chung cho toàn bộ cấp Tiểu học chỉ theo 2 mức đạt/chưa đạt.
3. Trong giáo dục, đào tạo, bên cạnh quá trình học tập, huấn luyện, giảng dạy, khâu kiểm tra, đánh giá luôn đóng vai trò rất quan trọng. Mục đích chính của khâu này là cơ quan giáo dục, cụ thể ở đây là các giáo viên, thông qua quá trình dạy, kiểm tra phải đánh giá được chính xác từng học sinh, theo từng môn học và đánh giá chung. Phải đánh giá đúng thì quá trình giáo dục mới có ý nghĩa thực sự. Để đánh giá đúng phải có các khâu kiểm tra liên tục, định kỳ, kỹ lưỡng. Việc kiểm tra này sẽ thường thông qua 2 dạng: (1) thông qua trao đổi, theo dõi hàng ngày và (2) thông qua các kỳ kiểm tra chính thức có đánh giá (bằng điểm số hoặc điểm bằng chữ). Với chỉ 1 giá trị điểm số (ví dụ thang điểm 10 vẫn có) thì chúng ta đã biết là vẫn chưa đủ “độ” để đánh giá. Do vậy từ lâu nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi và đưa vào khâu đánh giá nhiều mức đánh giá khác nhau. Tất nhiên khi đưa vào nhiều mức, chỉ tiêu đánh giá nhiều chiều thì giáo viên phải làm việc vất vả hơn, bài kiểm tra phải được xây dựng công phu hơn để đáp ứng được các yêu cầu bổ sung đó. Công việc chuyển đổi tăng dần các mức, chiều đánh giá như vậy cần phải làm dần dần. Hiện nay Bộ Giáo dục – Đào tạo đang có đề án cải cách đổi mới việc nâng cao kiến thức sang rèn luyện năng lực của học sinh, đây chính là việc nâng cấp nhiều chiều của công việc đánh giá mà tôi nói ở trên.
4. Như vậy theo mô hình đánh giá theo nhiều chiều mới thì 1 bài kiểm tra trên lớp giáo viên không những vẫn phải cho điểm, mà thậm chí phải cho nhiều điểm. Thử lấy ví dụ 1 bài kiểm tra làm văn môn Tiếng Việt, giáo viên sẽ phải cho nhiều hệ điểm: điểm về cách viết câu lưu loát, chính xác về chính tả, ngữ nghĩa; điểm về ý tưởng của bài viết; điểm về cách trình bày...
5. Bên cạnh việc đánh giá thường xuyên đa dạng như trên thì đánh giá chung cũng cần có theo các mức khác nhau. Thông qua các đánh giá chung này mà giáo viên các lớp tiếp theo sẽ có những điều chỉnh ngay từ đầu các lớp học. Một ý nghĩa quan trọng nữa của việc đánh giá chính xác nhiều mức là cha mẹ học sinh cần biết rõ học lực của con cái mình.
6. Có một thực tế ở Việt Nam trước đây là điểm số hàng ngày, đánh giá học lực học sinh thường công khai, và điều này là không hợp lý, gây ra áp lực, ganh đua không lành mạnh đúng như xuất phát điểm mà chắc Thông tư 30 đã tính đến. Cách giải quyết đáng lẽ ra là không công khai điểm số, học lực của học sinh, tất cả các đánh giá này giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ giao riêng cho từng cha mẹ học sinh. Nhưng cách làm của Thông tư 30 là xóa bỏ toàn bộ, điều này chính là một sai lầm đáng tiếc.
7. Quay lại Thông tư 30, điểm thay đổi chính là không chấm điểm, chỉ ghi nhận xét của giáo viên và đánh giá chung theo đạt/chưa đạt. Điểm sai cơ bản là:
- Nhận xét của giáo viên không phải là ĐÁNH GIÁ, do vậy tất cả các nhận xét của giáo viên được chỉ đạo trong Thông tư 30 sẽ không có tác dụng đánh giá chính thức, sẽ làm cho không những học sinh mà cả phụ huynh học sinh sẽ không hiểu được đúng tình trạng học tập của con em mình. Việc đánh giá không chính xác này sẽ không tạo ra động lực hay động viên học sinh chăm học hay có ý thức học tốt lên.
- Đánh giá chung “đạt/chưa đạt” là kiểu đánh giá “dở nhất” trong tất cả các kiểu đánh giá. Nó sẽ đánh đồng tất cả học sinh vào 1 loại, không những làm cho phụ huynh học sinh mà ngay cả giáo viên cũng sẽ thấy rất khó theo được kiểu đánh giá này.
Đấy là chưa kể Thông tư 30 sẽ tạo ra áp lực vô cùng lớn lên giáo viên, bắt họ viết đánh giá cho tất cả học sinh, tất cả các môn học và các bài kiểm tra chính thức, áp lực này lớn đến mức gây phản tác dụng lên chính các giáo viên này khi giảng dạy.
8. Qua một số phân tích trên chúng ta đã thấy rõ những sai lầm và bất cập của Thông tư 30 ngay từ cái lõi “quản lý” của mình. Rõ ràng Bộ Giáo dục – Đào tạo cần thay đổi lại, quay trở lại cách đánh giá đúng của nó, ít ra là từ cái mốc cũ. Từ cái cũ cần có những thay đổi phù hợp hơn, ví dụ như sau:
- Thang điểm có thể thay đổi không theo điểm 10, có thể thang 5 cho dễ hơn.
- Yêu cầu giáo viên thường xuyên bổ sung nhận xét bằng lời khi cho điểm.
- Theo quá trình đổi mới, có thể bổ sung dần các kiểu đánh giá khác nhau để nhận xét, đánh giá học sinh chuẩn xác hơn. Ví dụ môn Toán có thể mở rộng thành 2-3 loại điểm, môn Tiếng Việt sẽ mở rộng 2-4 loại điểm. Các điểm khác nhau không nhất thiết theo thang điểm 10.
- Đánh giá chung cho từng môn hoặc tổng hợp nên giữ lại mô hình cũ hoặc sửa đổi: Giỏi/Khá/Đạt/Chưa đạt hoặc ngắn hơn: Khá/Đạt/Chưa đạt. Hoàn toàn không nên để 2 mức như hiện nay.
- Điểm số và đánh giá học lực không công khai, không xếp loại học sinh trong lớp. Điểm số, đánh giá của học sinh được nhà trường gửi tận tay phụ huynh học sinh 3 hoặc 6 tháng 1 lần. Nhà trường có thể tuyên dương học sinh giỏi theo các tiêu chí riêng, độc lập với học bạ chính thức được cấp cho từng học sinh.
Nguồn VOV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065