BPO - UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 2822/QĐ-UBND, quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và một số lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ngay sau khi quyết định này được công bố trên cổng thông tin của thành phố, sau đó đã được nhiều tờ báo điện tử dẫn nguồn. Theo đó, những quy định trong quyết định này đã nhận được sự đồng thuận cao của không những người dân thành phố cảng, mà trong cả nước. Dưới đây xin giới thiệu những nội dung chính về việc cưới trong quy định này để bạn đọc cùng tham khảo.
Trước khi tổ chức lễ cưới:
Việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan. Đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài, thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và các quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn việc đăng ký kết hôn, tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi nam nữ đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Đảng viên phải báo cáo bí thư chi bộ về quy mô, hình thức tổ chức lễ cưới, số lượng khách mời dự, đồng thời phải thực hiện đúng hương ước, quy ước trên địa bàn dân cư, chịu sự giám sát của chính quyền, ban công tác mặt trận; đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú và chịu sự giám sát của cấp ủy địa phương. Bí thư đảng ủy cấp xã, trưởng ban đảng, đoàn thể cấp huyện phải báo cáo cấp ủy cấp huyện; Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, trưởng các phòng, ban, đơn vị cấp huyện báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện; trưởng các cơ quan đảng, đoàn thể cấp thành phố, bí thư các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc báo cáo thường trực thành ủy; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp thành phố, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đóng trên địa bàn báo cáo lãnh đạo ủy ban nhân dân thành phố.
Về tổ chức lễ cưới:
Các nghi lễ như: Chạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu tổ chức đơn giản tiết kiệm, gọn nhẹ không tổ chức ăn uống linh đình. Lễ cưới chỉ được tổ chức khi đã có đăng ký kết hôn. Việc đi ăn hỏi, đưa, đón dâu phải tuân thủ quy định về trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội. Trang trí trong lễ cưới và trang phục của cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tổ chức tiệc trà hoặc tiệc mặn thực hiện trong một ngày, trên tinh thần tiết kiệm. Khách mời dự tiệc cưới trong phạm vi họ hàng, láng giềng gần gũi, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết. Nghiêm cấm đốt pháo nổ, dựng rạp phù hợp không lấn chiếm lòng đường trong quá trình tổ chức lễ cưới. Không sử dụng các loại pháo giấy gây ảnh hưởng đến an toàn lưới điện và gây mất vệ sinh môi trường.
Âm nhạc trong lễ cưới phải lành mạnh, vui tươi. Không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản Tiêu chuẩn VN26:2010/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khuyến khích các hoạt động trong tổ chức việc cưới:
Báo hỉ thay cho mời dự tiệc cưới và chỉ thực hiện sau khi đã tổ chức lễ cưới. Tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn. Không dùng thuốc lá trong tiệc cưới, hạn chế sử dụng rượu, bia trong tiệc cưới. Cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp... đứng ra tổ chức lễ cưới và tổ chức lễ cưới tập thể. Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, di tích lịch sử văn hóa, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới, tự nguyện đóng góp các loại quỹ từ thiện xã hội của địa phương.
Đồng thời, trong quyết định trên cũng nêu rõ các nội dung giám sát thực hiện, như sau: Mọi gia đình, công dân sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn thành phố Hải Phòng có trách nhiệm thực hiện quy định này. Trong thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và các lễ nghi sinh hoạt cộng đồng khác, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong các lực lượng, vũ trang chịu sự giám sát của bí thư chi bộ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Công dân chịu sự giám sát của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư…
Với những quy định cụ thể trong quyết định trên, nếu được thực thi nghiêm túc và có hiệu quả thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Bởi ngày nay, có không ít người coi việc tổ chức các tiệc cưới, mừng tân gia, sinh nhật, đám ma, giỗ,… là dịp nhận lại những gì mà họ đã bỏ ra vào những việc này trước đó với bạn bè, đồng nghiệp, người thân… Vẫn biết rằng, nghiên cứu, soạn thảo và ban hành một văn bản là việc dễ làm, nhưng vận động được đông đảo nhân dân thực hiện theo mới là việc vô cùng khó. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ lời dạy của Bác, chúng ta hiểu rằng bất cứ việc dì khó khăn đến mấy, nhưng có sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của nhân dân thì chắc chắn sẽ thành công. Song, để có được điều này thì trước hết rất cần sự gương mẫu từ các đảng viên, lãnh đạo các cấp. Vì, cán bộ, đảng viên đi trước thì ắt làng nước sẽ theo sau.
N.Nam
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065