PGS - TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, không có một học sinh nào của trường này lựa chọn môn Lịch sử trong số 2 môn tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Việc học sinh “né” môn Lịch sử là điều đã được nhiều người dự đoán trước, nhưng chuyện không một học sinh nào “chịu” đăng ký thi môn này thì sự việc đã trở nên bất thường. Đối với một trường THPT nổi tiếng (dù là trường dân lập) ở thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn có học sinh không “mặn mà” với môn Lịch sử thì có thể suy rộng ra trên bình diện cả nước, tình trạng này đang ở mức “báo động đỏ”!
Thời gian qua, chất lượng dạy và học môn Lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Đầu tiên là công tác biên soạn sách giáo khoa còn khá chung chung, có phần sơ sài, chậm được bổ sung, cập nhật thông tin. Giáo viên chuyển tải kiến thức khô khan, không truyền được lòng đam mê, nhiệt huyết cho học sinh, đơn thuần chỉ là thao tác “thầy đọc, trò chép”, ít phân tích, lý giải, bình luận và liên hệ thực tế. Học sinh thụ động, học chỉ để trả bài cho giáo viên, không chịu khó tìm tòi nghiên cứu các thông tin tham khảo từ sách, báo, internet...
Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là, học sinh bậc THPT (đặc biệt là các em lớp 11, 12) thường học lệch. Phần lớn chỉ học các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ để thi đại học, cao đẳng khối A, B, D với sự đa dạng về ngành, nghề và nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Trong khi các môn xã hội (Văn học, Lịch sử, Địa lý) rơi vào cảnh “chợ chiều”, các em chỉ học qua loa, hy vọng đủ điểm lên lớp và “không bị khống chế (đối với các em có học lực khá, giỏi) là... mừng lắm rồi!”? Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi khối C vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm (năm 2013 chỉ còn 6%). Chất lượng càng đáng buồn hơn khi phần lớn các em chỉ đạt dưới 10 điểm/3 môn thi. Những em có niềm đam mê, thi đỗ, học và ra trường với tấm bằng cử nhân các chuyên ngành khoa học xã hội thì cũng trầy trật vì không tìm được việc làm. Từ hy vọng chuyển sang thất vọng, chán nản. Đã có nhiều bạn phải chấp nhận cảnh “sống mòn”, ngậm ngùi cất tấm bằng cử nhân, chỉ khai tốt nghiệp THPT để xin việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông.
Bình Phước hiện chưa có con số thống kê cụ thể năm nay có bao nhiêu học sinh THPT lựa chọn thi môn Lịch sử. Có thể câu chuyện “0%” như trường THPT dân lập Lương Thế Vinh sẽ không lặp lại nhưng chắc chắn con số cũng sẽ không cao. Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta”. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, chúng ta càng phải nắm vững lịch sử, truyền thống của dân tộc để “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Lịch sử là những gì đã qua, thuộc về quá khứ. Nhưng không có quá khứ thì làm sao có hiện tại và tương lai? Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh, giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Để hoàn thành những mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra, chúng ta phải chấn chỉnh và nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là việc dạy và học môn Lịch sử. Bởi vì Lịch sử và các môn xã hội là cơ sở, là cái gốc hình thành nhân cách mỗi con người.
Khuê Ngân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065