Trẻ con đương nhiên là phải khóc. Với chúng, tiếng khóc là tiếng nói, những thanh âm khiến các đôi vợ chồng trẻ như chúng tôi luôn giật mình tự hỏi: “Con nó đòi gì đây?”.
Khi con khóc thì phải ru cho nín, con nín rồi thì phải ru cho ngủ. Trẻ con lớn trong khi ngủ, hình như trong một cẩm nang bà mẹ trẻ em nào đó, chuyên gia đã nói vậy. Vợ tôi cũng nhấn mạnh vậy, nên một người chồng vốn lơ ngơ là tôi phải lắng nghe. Nhưng ai ru con ngủ đây? Vợ tôi, vốn là con áp út, từ nhỏ tới lớn chưa từng ẵm và ru em, nên cái món hát ru này hầu như mù tịt. Giờ ru con, chẳng lẽ lại hát nhạc tiền chiến, hay nhạc đỏ? Nhạc trẻ thì càng không ổn. Thế là cái nhiệm vụ lớn lao và gay go là hát ru con ấy lại nhường phần tôi.
Tôi là đàn ông, nhưng vốn là con đầu trong gia đình có tới năm anh em trai, nên từ nhỏ đã quen việc ẵm bồng, ru các em ngủ. Đó là do hoàn cảnh bắt buộc, chứ tôi không có khiếu hát hò. Ru em hay ru con chắc cũng như nhau. Nghĩ vậy nên tôi cũng đánh liều. Đặt con vào võng, lấy một thanh cây chặn hai bên mép võng cho con khỏi lật ra ngoài, thế là tôi bắt đầu hát ru.
Ầu ơ…
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi, anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
“Ầu ơ”…; hát ru thì nhất định phải có cái món “ầu ơ” này. Nó như một cái công tắc để bật dẫn vào bài hát, như chiếc cầu ván để bắt qua mương, như một cách thử giọng… Với tôi thì lúc “ầu ơ” là “câu giờ” để tìm lại lời bài hát ru tưởng đã mịt mờ trong trí nhớ. Khẽ nhắm mắt lại, nhớ về một trưa hè miền Trung, bờ tre kẽo kẹt, tiếng mo tre khua khan. Khẽ nhắm mắt lại, thấy hiện ra một cánh đồng mênh mang bờ vùng bờ thửa, một đàn cò trắng tung cánh. Khẽ nhắm mắt lại, nghe tiếng bà, tiếng má như đồng vọng ru mình. Và, tôi hát.
Ầu ơ…
Con chim xanh xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát lên nhành đậu chơi
Đậu từ chiều xế hôm qua
Chờ cho trăng lặn chờ cho hoa tàn
Hoa này là hoa bông trang
Bông nở về nàng bông búp về anh
Trong khi hát ru con, tôi nhận ra, những bài hát mà tôi thuộc nhập tâm từ ngày còn bé, dường như không phải là những bài hát nguyên bản, mà nó đã được biến tấu, bài nọ xọ bài kia. Đây có lẽ là cách để người hát kéo dài bài hát ra. Hát tràn lan. Hát không ngừng. Cho nên hát ru, nói theo một cách nào đó là “hát ráp”. Chẳng hạn như hát về chủ đề con mèo:
Ầu ơ…
Con mèo con mẻo con meo
Ai dạy mày trèo mày dạy em tao
Em tao khát sữa bú tay
Ai cho chú mày một miếng cảm ơn
Thì đấy, hai câu “em tao khát sữa bú tay/ ai cho chú mày một miếng cảm ơn” là “hát ráp” rồi đấy.
Hát tới đây thì khẽ dòm qua võng xem cậu con đã ngủ chưa. Kinh nghiệm cho thấy trong khi ru không nên nhìn con, vì khi mình nhìn, nó sẽ nhìn lại, cười toe toét, thế là khỏi ngủ. May quá, cậu bé đang khẽ lim dim mắt. Không biết nó có hiểu gì từ những câu hát cũ rích ấy không, có cảm được gì từ cái giọng đàn ông khê nồng này không, nhưng gương mặt nhẹ nhõm, bình yên. Thế là thằng đàn ông là tôi, ngồi sửa lưng lại, lấy tay vỗ vỗ mấy cái, rồi hắng giọng, tiếp tục “sự nghiệp” hát ru của mình.
Ầu ơ…
Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ
…
Lúc này thì cậu con đã ngủ, hơi thở nhịp nhàng. Đến lúc có thể ngừng ru, nhưng không hiểu sao tay vẫn nhịp võng, tôi hát.
Ầu ơ…
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên nguồn đốt than
Đốt than phải giữ gánh than
Đừng cho lấm lọ, mới ngoan anh hùng
Đốt than mà đừng cho lấm lọ thì khó quá, làm anh hùng há dễ, huống chi là anh hùng lỡ vận. Thôi thì sẵn hát ru con rồi hát ru mình, ru nhân tình thế thái.
Ầu ơ…
Đêm qua ra đứng cầu ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Từ đó, những lời ca dao, những lời hát ru, như những cánh cò nhịp nhàng bay về đậu quanh chiếc võng. Tôi cứ khẽ khép mắt và hát “ầu ơ”. Bỗng tôi thấy có một làn nước ấm bắn vào mặt, giật mình mở mắt ra thì thấy một tia nước hình cầu vồng lượn lên từ chiếc võng. Hóa ra là cậu con đang ngủ mà mắc tè và đường đi của tia nước mới thiệt là… ý tứ làm sao. Ông bố-tôi không biết làm gì hơn là vuốt mặt, tủm tỉm cười, rồi tiếp tục “ầu ơ”…
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065