Gia đình ông Nhốp năm thứ 30
Từ ghét đến… yêu
Họa sĩ Nhốp xuất thân từ gia đình nghèo ở Kiên Giang, bốn tuổi theo gia đình lên Sài Gòn. Gia đình nghèo, đông anh em, ông được người chú là họa sĩ thương tình nhận về nuôi, đến 14 tuổi mới trở về sống với cha mẹ. Ông học lỏm được nghề vẽ pano, áp-phích từ người chú và phát hiện ra mình có khiếu vẽ. Sau đó, ông thi vào trường vẽ Gia Định (nay là ĐH Mỹ thuật TP.HCM), giành được học bổng trọn gói bốn năm. Ra trường, chưa ổn định được công việc thì xảy ra nhiều biến động lớn của thời cuộc, gia đình ông phải chuyển về Kiên Giang vì quá khó khăn. Nhốp lo ngại các em về quê sẽ thất học nên quyết định giữ lại ba đứa em, lo ăn học. Năm 1976, ông làm họa viên cho Công ty Phân bón miền Nam, sau đó trở thành phóng viên của Báo Tuổi Trẻ. Khó kể hết được nỗi cơ cực của một chàng trai tự bươn chải để nuôi ba người em. Chính vì trải qua cảnh cơ cực, Nhốp trở nên đa năng, cái gì cũng tự mày mò làm và trở nên tháo vát. Nhốp cũng hình thành thói quen gặp thứ gì đều tìm hiểu chuyên sâu. Vì vậy, khi ngồi trò chuyện với ông, người đối diện chỉ biết ngồi nghe, bởi khơi ra chủ đề gì ông cũng am hiểu, rồi thao thao bất tuyệt.
Nhốp là một trong những họa sĩ biếm hàng đầu ở TP.HCM. Ông từng tham gia nhiều cuộc triển lãm và hội thảo quốc tế về biếm họa, nhưng “người nói nhiều” này không thích nhắc đến thành tích. Ông cũng bảo rằng, chuyện hôn nhân, gia đình, ông sẽ giữ riêng, không muốn nhiều người biết. Nhưng trong lúc cao hứng, võ sư aikido tứ đẳng này cũng đồng ý chia sẻ về chuyện của ông và nhà báo Cát Vũ - câu chuyện về cuộc hôn nhân không dễ để êm thắm - như cách nói của ông.
Ông đến với Cát Vũ khi đã tuổi “băm” và vừa “gãy gánh” một lần. Thời ấy, ông đã có tiếng trong làng biếm họa, đàn giỏi, hát hay, luôn là hạt nhân trong phong trào văn nghệ, thể thao. Một lần, trong giờ giải lao lớp đào tạo báo chí của Báo Tuổi Trẻ, bà Cát Vũ ngang qua ông, thả một câu ngon ơ: “Ê bạn, bữa nào hát cho tui nghe coi!”. Ông nghĩ, con gái nhà ai mà lạ, ăn nói “du côn” thế, đàn ông nào thèm để ý. Vậy mà sau đó, vô tình cùng đi công tác, ông và “người kỳ kỳ” ấy ghé quán nước mía, bà trải lòng về hoàn cảnh của mình. Từ chỗ ghét, ông chuyển qua “để ý” Cát Vũ. Ông đồng cảm với bà - người cũng xuất thân từ khó nghèo, cũng bươn chải từ năm 18 tuổi vì gánh nặng gia đình. Rồi ông cảm nhận, sở dĩ đôi khi bà có cách nói chuyện “ba trợn” như vậy là do môi trường sống khắc nghiệt, bà phải tạo vẻ ngoài xù xì để che giấu cái yếu mềm bên trong. Ông yêu bà vì có một điểm chung lớn nhất: biết hy sinh cho người khác. Nhưng ngoài điểm chung lớn ấy, khi dưới một mái nhà, ông nhận ra hai người có nhiều điểm khác biệt. Vậy nên, chạm nhau chan chát là bình thường.
"Cặp đôi" Nhốp và Cát Vũ năm 1982 (phóng viên Quốc Đức chụp... lén từ Nhà Văn hóa Thanh Niên ngó xuống)
Không vượt quá "giới hạn an toàn"
Cát Vũ trong mắt bạn đọc là một nhà báo giỏi, sâu sắc, tinh tế (một thời gian dài là phóng viên Báo Tuổi Trẻ, trước khi về hưu là phóng viên Báo Người Lao Động). Ngoài đời, bà còn có ưu điểm khác là “thẳng như ruột ngựa”, gặp cái gì chướng mắt hay không vừa ý cũng “nói tuột gióng tre”. Trong khi đó, ông Nhốp là người hòa nhã. Vậy là, có những lúc bà Cát Vũ hồn nhiên “nói thẳng”, ông Nhốp phải lặng lẽ đi “khắc phục hậu quả”. Hơn ba mươi năm bên nhau, hai cá tính này vẫn thỉnh thoảng va chạm nảy lửa, dù ông đã phần nào “gọt” mình và tăng được “nội công chịu đựng” đáng kể.
Ngược lại, trong mắt vợ con, ông Nhốp cũng “khó tính như quỷ”. Ông là người chu đáo, đặt ra nhiều nguyên tắc sống và quyết liệt tuân theo nguyên tắc ấy, nhiều khi tuân thủ một cách cực đoan. Những chuyện vụn vặt, như ông đã làm móc treo chìa khóa thì vợ và hai con phải treo chìa khóa vào đó, vứt lung tung là ông “càm ràm”. Rau luộc thì phải xanh, chín vừa tới, không luộc nhừ quá hoặc để rau bị đen. Ông cũng luôn đúng giờ trong các cuộc hẹn, nếu vợ con không đúng hẹn, ông tỏ thái độ khó chịu ngay.
Ông Nhốp lý giải: “Vợ chồng chúng tôi cùng tôn trọng nhau nhưng với tôi, gia đình nào cũng cần có những nguyên tắc để cuộc sống được nền nếp và hài hòa. Có thể những nguyên tắc của tôi khiến vợ con “khó thở”, nhưng tôi thấy cần thiết tuân thủ để duy trì bền vững mối quan hệ. Bởi ai cũng có cá tính mạnh, không thống nhất được một số điểm chung, sẽ dễ đổ bể lắm”.
Ngay như chuyện nuôi dạy con cái, ông bà cũng có lúc bất đồng. Con trai xin ba chiếc điện thoại xịn, ông ân cần giải thích: “Ở tuổi của con, điện thoại chỉ phục vụ cho việc nghe - gọi - nhắn tin. Ba làm ra tiền, nhưng vẫn dùng điện thoại “cùi bắp”. Đẳng cấp của một người không nằm ở chiếc điện thoại, nên con cứ dùng một điện thoại loại xoàng như ba là được”. Vậy mà đến sinh nhật lần thứ 17 của con trai, bà đã mua tặng chiếc điện thoại như con mong muốn. “Trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, đó cũng là cách để một người vốn sống rất nguyên tắc như ông “làm mềm” bản thân khi không hài lòng về điều gì đó đối với bạn đời.
Dù hai người đều “không vừa”, nhưng rất may là mỗi người đều biết “giới hạn an toàn” trong ứng xử mỗi khi phát sinh mâu thuẫn. Ông Nhốp bảo: “Tuy là người nóng tính, nhưng được cái là bà xã tôi biết dừng lại mỗi khi căng thẳng. Vợ chồng tranh cãi với nhau là bình thường, cái chính là bà ấy biết điều trong mọi chuyện, nên mâu thuẫn không vượt quá tầm kiểm soát”.
Con gái đầu hiện là biên tập viên ở HTV, con trai vừa tốt nghiệp đại học; ông Nhốp tự hào rằng, bản thân mình dù là “chân đi”, thích ngao du, đôi khi hơi la cà nhưng chăm sóc con cái rất kỹ. Khi con còn nhỏ, ông gần như lo “tất tần tật” cho con. Ông kể lại câu chuyện xúc động: “Mỗi cuối năm, tôi thường mua cho con trai hai bộ quần áo để mặc Tết, nhưng khi con được 17 tuổi, không chịu mặc đồ ba mua nữa, vì bảo là “già quá”. Dù bất ngờ nhưng tôi không nổi giận, mà giật mình, xem lại bản thân có áp đặt cho con điều gì tương tự như việc ăn mặc hay không. Tôi đã chở con trai đến tiệm thời trang sành điệu dành cho giới trẻ, dặn dò một số ý cơ bản về việc phối màu, chọn kiểu dáng rồi cho con tự chọn theo ý mình. Bữa đó, hai cha con chở nhau về ai cũng vui”.
Cho đến giờ, nhiều người trong làng báo vẫn ngạc nhiên khi Nhốp - Cát Vũ còn bền chặt với nhau sau hơn 30 năm. Họ ngạc nhiên cũng đúng, bởi một ông sẵn chất “láu lỉnh”, châm chích của họa sĩ biếm, cộng thêm sự khó tính, lại gặp phải bà nhà báo mảng văn hóa văn nghệ cá tính mạnh, cái tôi lớn và hay nóng nảy. Họ gắn bó được với nhau, vậy mới tài.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065