BP - Theo số liệu công bố tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển cây điều đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diễn ra ngày 20-3, Bình Phước hiện có 173.849 ha điều, bằng 60% diện tích điều cả nước, trong đó 134.350 ha trên đất nông nghiệp, còn lại trên đất lâm phần. Điều cũng là một trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm, 30,03% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, với 71.612 hộ trồng - tương đương khoảng 1/3 số dân toàn tỉnh. Vì vậy, không khó lý giải khi những năm gần đây Bình Phước luôn hướng tới đích đến năm 2020 toàn tỉnh có 200.000 ha và điều trở thành cây làm giàu cho nông dân.
10 năm trước, thực tế mục tiêu này... đã đạt được. Bởi 200.000 ha chính là diện tích của cây điều toàn tỉnh thời kỳ 2007-2008, trước khi cơn bão giá “vàng trắng” ập tới khiến nông dân cưa vườn điều trồng cao su. Nhiều người cho rằng, cao su tăng giá là nguyên nhân chính khiến diện tích cây điều giảm mạnh và một thời gian dài doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chất lượng cao ở Bình Phước, phải nhập hạt điều chất lượng thấp hơn từ châu Phi và một số nước trong khu vực về để chế biến. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn và sâu xa hơn sẽ thấy đây không phải là nguyên nhân cốt lõi. Bởi lẽ, cơn bão giá khiến mủ cao su trở thành vàng trắng nếu có sức mạnh lớn đến như vậy, thì diện tích điều của Bình Phước không chỉ giảm khoảng 30.000 ha, tương đương khoảng 15%. Đặc biệt, khác với cây cao su phần lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - không phải thích thì trồng, không thích thì chặt, cây điều gần như đều thuộc sở hữu của nông hộ và họ tự quyết giữ hay không, chuyển đổi hay không chuyển đổi cây trồng khác. Điều đó cũng cho thấy phần lớn - 75% so với thời điểm 2007-2008, tương đương 71.612 hộ dân hiện nay vẫn đặt niềm tin cây điều sẽ bảo đảm cuộc sống cho gia đình mình.
Vấn đề là làm thế nào để niềm tin đó thật sự vững chắc, đặc biệt là làm thế nào để người trồng có thể làm giàu được từ cây điều. Với thực tế giá nông sản và hiệu quả sản xuất của cây lâu năm cũng như điều kiện thực tế của Bình Phước, để có thêm 26.000 ha điều từ nay đến năm 2020 không phải là quá khó. Cái khó nhất là mục tiêu nâng năng suất vườn điều 1-1,5 tấn từ trước đến nay lên 2 tấn/ha vào năm 2020. Để giải được bài toán này, có lẽ khoa học - kỹ thuật và tuyên truyền là hai khâu trọng yếu nhất.
Khác với các cây trồng chủ lực khác của tỉnh và hầu hết các loại cây trồng trong cả nước, thời gian qua, nghiên cứu khoa học nhằm tăng năng suất, chất lượng cho cây điều được quan tâm rất ít - dù đây là một trong những ngành hàng tạo nền tảng đem lại nguồn thu cũng như ngoại tệ lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD trong năm 2017. Thực tế, trên địa bàn Bình Phước không hiếm những vườn điều đạt năng suất 3-4 tấn/ha và nhiều nhà nông làm giàu được từ cây điều. Chỉ cần khoảng 1/3 diện tích vườn điều hiện tại đạt được năng suất đó, thì chỉ tiêu 2 tấn/ha sẽ trong tầm tay.
Làm thế nào để đạt được mục tiêu này là nhiệm vụ chuyên môn của ngành nông nghiệp và hệ thống truyền thông. Người trồng điều đang đặt trọn niềm tin vào sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh; đang chờ đợi quyết tâm cao và một lương tâm, trách nhiệm thật sự từ những người có trách nhiệm. Nông dân vốn cần cù, chịu khó và cũng không ngại áp dụng khoa học - kỹ thuật. Vấn đề là họ có được định hướng, giải thích, được dẫn dắt tận tâm hay không mà thôi.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065