-
Em ơi, ủi giùm anh cái áo sơ mi – người chồng nài nỉ. – Anh sẽ làm cháy nó mất, mà ngày mai anh có cuộc hẹn công việc quan trọng.
- Sao anh lại nghĩ là em không làm cháy nó? – người vợ thản nhiên trả lời – cả đời em chưa bao giờ ủi áo sơ mi!
- Thôi mà, ủi cho anh đi, em biết ủi mà! – Người chồng không đầu hàng
- Hay há! Anh lại tiếp tục điệp khúc: Em là phụ nữ phải không!
Cuộc đối thoại này diễn ra 10 năm trước đây, vào khoảng thời gian mà người ta đã phát minh ra không chỉ bàn ủi mà cả lò vi sóng và nhiều thứ khác nữa. Nhưng thực tế là khả năng về những cuộc tranh chấp cãi cọ như vậy tồn tại cho đến ngày nay trong bất kỳ gia đình nào, và chính tôi mới gần đây lại một lần nữa khẳng định được điều đó trong cuộc trò chuyện nhỏ với một đồng nghiệp.
- Ôi trời ơi, mì gói và trứng ... – N. thở dài - khi tôi sống với cha mẹ tôi, tôi luôn luôn ăn sáng với đủ món ngon ơi là ngon. Tệ nhất là món mì gói thì luôn có thêm trứng và rau…
- Nghĩa là sao? – Cả phòng làm việc chúng tôi đồng thanh hỏi đầy tò mò – thế còn bây giờ thì sao?
- Bây giờ chúng tôi không có bánh mì, súp mà cũng không cả mì gói với trứng. Tủ lạnh nhà chúng tôi luôn luôn trống rỗng, chả có gì ngoài nước lạnh.
- Ủa, vậy vợ chồng anh ăn gì?
- Thì mua gì về từ quán ăn ăn nấy. Nhưng khi còn sống với cha mẹ…
Tiếng kêu của khát khao trong tâm hồn người đàn ông về những bữa sáng ngon lành hay một khung cảnh ấm cúng trong nhà… thật tội nghiệp. Và nói chung là chúng ta có thể thông cảm với sự thèm muốn trần tục đó, thế nhưng giải quyết nó theo hướng nào và bênh vực ai thì thật là khó.
Hãy thử làm một chuyến tham quan nhanh vào quá khứ không xa. Bà và mẹ của chúng ta, những người từng phải chăm sóc gia đình mà không có những tiến bộ công nghệ, họ mang cây thập tự giá nghĩa vụ chăm sóc gia đình một cách chịu đựng, chỉ thỉnh thoảng lắm họ mới cho phép mình thể hiện sự bực bội trong một chừng mực để chỉnh sửa các ông bố nhẹ dạ của chúng ta với trò nhậu nhẹt hay các thú vui giải trí khác.
Giờ đây, chúng ta đã bắt đầu quen với việc coi những món quà có liên quan đến công việc bếp núc là một điều ám chỉ… khó chịu. Những người đàn ông đã quen dần với việc ăn cơm tiệm, hay mang đồ đi giặt ủi ở tiệm. Họ cũng không còn kêu ca về các món ăn nêm nếm quá mặn hay chiên rán quá khét nữa. Họ dành nhiều sự quan tâm hơn cho sự nghiệp và yêu chúng ta với những phẩm chất như chúng ta có. Họ đã được huấn luyện từ từ và quen dần. Quen dần, nhưng có chấp nhận? Hình như cũng không hoàn toàn là như thế.
Thiên đường trong một túp lều?
Không cần phải thông minh lắm cũng có thể nhận ra rằng vấn đề không phải ở sự văn minh tiến bộ, không phải ở những tiện ích hay không tiện ích trong những công việc nội trợ, cũng không phải ở chỗ ai đó thì thích rửa chén bát, còn ai đó thì thấy đó là cơn ác mộng.
- Ôi trời, tụi mình cứ ba hoa hoài cái gì thế này. Chồng của cậu sắp về rồi - cô bạn gái đột nhiên sực tỉnh – có lẽ bạn sẽ phải chuẩn bị bữa tối?
- Nấu gì mà nấu? Trong tủ vẫn còn đồ hộp, anh ấy cũng có thề chạy ra đầu hẻm ăn tô mì – tôi đã từng thực sự tỏ ra ngạc nhiên khi bạn gái lo lắng.
- Sao lại thế được? Bạn không sợ rằng sớm hay muộn anh ấy sẽ cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống như thế à?
- Khùng à, có gì mà phải sợ kia chứ! Bạn làm như các đức ông chồng sẽ không bao giờ lừa gạt hay bỏ rơi những bà vợ giỏi nội trợ ấy.
Phải nói rằng N, ông xã tôi không phải là người có tính gia trưởng. Mỗi lần bạn bè khoái trá khoe một bộ rèm cửa mới hoặc công thức nấu một món ăn ngon, tôi thường cười nhạo họ. Ai cần những thứ đó kia chứ - chuyện vớ vẩn làm sao? Sự ấm cúng thoải mái thì để làm gì? N. chẳng đòi hỏi mấy cho cuộc sống, và với một đôi quần jean cũ đã mặc nhiều năm, anh ta thấy cũng hết sức tiện lợi. Tôi tin là như thế.
Chỉ sau này, khi anh ta thực sự bỏ ra đi với người phụ nữ có ngôi nhà luôn luôn thơm phức mùi đồ ăn, người không tiếc tiền với những món đồ ăn vặt ngon miệng cho bữa trà tối, không tiếc tiền với những bộ đồ ăn lộng lẫy trên bàn và những chiếc chảo chống dính công nghệ cao, tôi mới thực sự suy nghĩ lại - có thể bạn của tôi đã nói đúng? Và câu hỏi ai cần những nhu cầu vật chất công phu lỉnh kỉnh ấy làm gì, cứ đơn giản đi cho khỏe bỗng tự dung có câu trả lời đáng buồn. Nếu như tự tôi muốn một bộ rèm cửa mới, tôi có lẽ sẽ tìm ra cách để có được chúng. Vì vậy, phản ứng của N. với tôi là hoàn toàn dễ hiểu. Không có rèm cửa mới - không có vấn đề gì. Và cố gắng để làm hài lòng một ai đó chứ không phải là chính mình, theo tôi, đó là một số phận không đáng để ganh tỵ chút nào.
Tình yêu đi qua cái… dạ dày
Những người phụ nữ nội trợ hăng hái lo cho những bữa cơm gia đình ngon lành, cho những ngôi nhà luôn cắm hoa rực rỡ và nền nhà lúc nào cũng bóng như soi gương bây giờ không còn nhiều nữa. Có một số phụ nữ coi việc chăm sóc gia đình là một hạnh phúc, nhưng điều này có thể được coi như một tài năng bẩm sinh. Còn lại những người khác – các bà nội trợ bất hạnh – thì đều ngưỡng mộ, ghen tị và cố gắng thích một cái gì đó mà tâm hồn họ hoàn toàn chẳng phù hợp với điều đó. Nói tóm lại là ai cũng thích thụ hưởng, nhưng chẳng mấy ai lại muốn phải làm điều gì đó để có thể thụ hưởng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Và vì thế mà mới có “một bà lão đánh cá và con cá vàng” ước mong một cái máng đẹp, một ngôi nhà đẹp… từ những điều kỳ diệu chứ không phải từ công sức của mình. Nếu bạn cho rằng bạn có thể giữ chân một người bên cạnh mình mãi mãi khi mà cái máng ăn của nhà bạn bị hư hỏng, cũ nát thì đó là điều hết sức… ngây thơ. Có một con số lớn những gia đình đổ vỡ bởi lý do là những điều hết sức nhỏ nhặt, tầm thường của đời sống. Và còn có bao nhiêu cặp không thành đôi vì lý do đó, bạn không thể nào biết được hết. Chuyện kiểm tra "năng khiếu" bếp núc của một nửa tương lai của mình trước ngày cưới giờ đây có vẻ là đã hiếm hoi hơn, và đó thật là một điều… đáng mừng cho các cô gái. Tuy nhiên, một số nhận biết bất ngờ về điều này vẫn cứ xảy ra.
- Làm sao bây giờ nhỉ? Cưới hay không cưới cô ấy đây? – Một lần, trong khi quá băn khoăn suy nghĩ, cậu bạn tên T. của tôi từng gõ cái muỗng vào cái chén ngay trong quán ăn, khiến mọi người ở những bàn ăn bên cạnh lo lắng nhìn về phía chúng tôi. Có thể thấy rõ ràng rằng anh ta đang bị hành hạ bởi sự nghi ngờ quyết định của chính mình.
- Cái gì vậy? Yêu thì cưới, không yêu thì thôi! Có gì mà phải phân vân thế?
- Chuyện “yêu" thì có can hệ gì ở đây? Vấn đề không phải ở chỗ đó. Cô ấy thì… thật ra rất bình thường. Nhưng, chị hiểu không, chuyện nấu ăn, trời ạ, ăn xong lúc nào cũng chỉ có “liếm mép mãi không thôi”. Thời nay, những cô gái như vậy mới hiếm hoi làm sao. Không muốn bỏ lỡ!
"Không hiểu" - tôi nghĩ thế, nhưng không nói gì. Làm thế nào để tôi có thể hiểu được rằng với các anh - những người đàn ông - điều gì xảy ra, khi anh nhìn thấy viễn tưởng được nuôi bằng những bữa ăn năm sao? Có lẽ, trong các anh điều đó có nghĩa phần nào là tình yêu?
Nhắc nhở các bà nội trợ
Có một lần, khi ngồi ở phòng tiếp khách của một chuyên gia tư vấn tâm lý tôi nghe được một câu: "Không có gì có thể làm cho một ngôi nhà trở nên ấm cúng bằng sự hiện diện của một người đàn ông ở trong đó". Câu tư vấn đó có thể là sai hay quá đơn giản đối với một số trường hợp. Nhưng rõ ràng rằng, dù mọi phiền toái với chuyện bếp núc có nhiều đến đâu thì vẫn thật tuyệt vời khi có một người nào đó sẽ ăn tất cả những kết quả của sự bận rộn đó và sẽ khen ngợi tất cả những gì mà bạn chuẩn bị.
Một khẳng định ngược lại với điều trên nữa là những hộp cơm hộp nhất là những khúc bánh mì sẽ làm người ta mau chán ghê gớm. Có một nhân vật nữ trong một bộ phim truyền hình từng kêu lên khi nói về số phận phụ nữ rằng: "Tại sao những người bạn có gia đình rồi cứ dọa dẫm tôi bằng những đôi vớ bẩn nhỉ? Thực ra là tôi đang mơ ước làm điều đó!".
Tuy nhiên, để không phải chạy từ thái cực này sang thái cực khác, để có thể sống với nhau hạnh phúc mãi mãi về sau mà không bị cãi cọ bởi các cuộc tranh luận về chuyện ai mang rác đi đổ và không cảm thấy mình là kẻ bị lợi dụng sức lao động trong những ngày cuối tuần và ngày lễ, bạn nên chuẩn bị trước một vài "chân lý" đơn giản.
Không ai có thể buộc bạn phải làm những gì bạn không thích và không muốn. Hãy biết trước các yêu cầu mà “đối tác” hôn nhân của bạn có trong dự định. Đừng quá ảo tưởng nếu thời gian yêu nhau, anh ta nói với bạn rằng anh ta không quan tâm: sớm hay muộn anh ta sẽ thấy bực bội khi sàn nhà không bóng lên nếu anh ta đã quen với điều đó từ ngôi nhà của mẹ mình.
Đừng cố gắng làm anh ta hài lòng. Nếu như điều đó là không đúng với thực tế, là gian lận. Ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ, hãy cố gắng loại trừ mọi lo toan mà bạn có thể loại trừ và đừng có nhận thêm về mình những điều thừa thãi. Hãy phân công trách nhiệm và điều đó đơn giản nhất khi nó ở giai đoạn ban đầu của cuộc sống chung.
Nếu người đàn ông ăn món thịt kho và canh chua của bạn với sự thích thú, nhưng lại không bao giờ tò mò vế cách bạn chuẩn bị những món ăn đó thì bạn hãy suy nghĩ kỹ. Có lẽ đây chưa phải là người để bạn thảo luận về vai trò của mỗi người trong gia đình?
Hãy chắc chắn rằng các vấn đề của bạn không liên quan đến khái niệm “một bà nội trợ tồi”. Sự hoàn hảo, như chúng ta biết, không có giới hạn, và người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lỗi trong bất cứ điều gì. Nếu bạn từ thời thơ ấu đã không được chủng ngừa với con virus sạch sẽ và thoải mái, bạn có thể rất lâu không thể đạt được hình ảnh lý tưởng đó, trong khi bạn thấy chán ghét với quá trình thay đổi này. Còn người đàn ông chỉ đơn giản là sẽ cảm giác có lỗi trước mọi cố gắng của bạn.
Hãy yêu những gì thuộc về đời thường. Chuyện đó nghe có vẻ… cổ tích quá phải không nhỉ? Khi bạn làm một điều gì đó không chỉ từ ý thức trách nhiệm, mà là làm cho chính mình, cho người mình yêu thương và tận hưởng những thành quả lao động của mình cùng với anh ấy, bạn sẽ không mong đợi sự biết ơn và hỗ trợ.
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065