Trở về thiên nhiên hoang sơ
Vườn quốc gia Bù Gia Mập (cách TP. Hồ Chí Minh 200km) những ngày cuối năm, du khách bị hớp hồn bởi cảnh đẹp hoang sơ của khu rừng. Bây giờ tiết trời chuyển lạnh, gió thổi rì rào, cây cối tươi tốt đâm chồi nảy lộc sau mùa mưa tràn đầy nước, rồi cảnh ong bướm, chim muông ríu rít gọi nhau như báo hiệu mùa xuân đã về. Vườn được thiên nhiên ban tặng cho hệ động, thực vật, sông hồ, thác nước, phong cảnh hoang sơ không phải nơi đâu cũng có được.
Vườn không chỉ được xem là lá phổi xanh của vùng Đông Nam bộ mà còn là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật và cây làm thuốc, đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Sork Phu Miêng, Cần Đơn, Phước Hòa… phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Du khách khám phá Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Đến với Vườn, du khách sẽ có cơ hội tham gia chuyến hành quân xuyên rừng, dã ngoại và trải nghiệm nhiều điều kỳ thú với thiên nhiên hoang dã, tìm hiểu về hệ sinh thái đầy phong phú và đa dạng nơi đây, khiến cho những mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống thường ngày đều tan biến.
Nhắc đến du lịch Vườn là nhắc đến loại hình du lịch khám phá với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới cộng với hệ thống ghềnh thác, hồ, suối… đan xen, hòa quyện chập chờn giữa rừng, tạo cho du khách cảm giác thân thiện, đắm đuối như được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ.
Sinh cảnh nửa rừng lá thấp ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Đến nay Vườn đã hình thành và đưa vào khai thác 10 tuyến du lịch khám phá, trong đó phải kể đến các tuyến lôi cuốn du khách như: Giếng Trời - thác Đắk Bô, đường 14C - thác Đắk Bô, suối Đắk Ka, thác Lưu Ly, suối Đắk Manh, đồi 702 - Đắk Ca, thác Đắk Mai, thác Đắk Dốt, thác Đắk Sam, suối Đắk Mai - Ngầm 79…
Ban ngày băng rừng vượt suối vào trong rừng, du khách sẽ được khám phá cảnh vật thiên nhiên hoang sơ đầy huyền bí. Khí hậu trong Vườn vừa mát mẻ, vừa se lạnh rất nên thơ của khí hậu vùng ôn đới hệt như cao nguyên Đà Lạt. Ngoài việc ngắm cảnh rừng nguyên sinh, du khách còn được nghe tiếng “vượn hót chim kêu suốt cả ngày”. Những đàn khỉ, voọc, vượn hàng trăm con, rồi muôn vàn loài chim muông vừa kiếm mồi vừa vẫy gọi, đùa giỡn trên những tán rừng trập trùng tạo cho du khách cảm giác gần gũi, thích thú như được đứng giữa muông thú, cảnh quan.
Thác Lưu Ly ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Thác Đắk Bô Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Thú vị nhất khi đến với Vườn có lẽ là được đắm mình vào những ghềnh thác, con suối. Ở đây du khách được thả mình vào dòng nước mát lạnh giữa rừng, được thả sức bơi lội hay lênh đênh trên dòng thác chảy xiết bằng chiếc bè tự chế bằng những cây lồ ô sẵn có trong rừng, gập ghềnh không kém phần mạo hiểm.
Về đêm, khí hậu trong Vườn thêm lạnh lẽo, nên nếu không ngủ ở khu nhà nghỉ hay khu nhà dài của Vườn với sức chứa hơn 80 người, du khách có thể chọn ngủ lại qua đêm giữa rừng bằng võng hoặc lều bạt. Đêm ở rừng, du khách sẽ phải đương đầu với những cơn gió thổi vi vu suốt đêm, những hạt sương rơi lấm tấm và được nghe những bản tình ca gọi bạn tình của các loài côn trùng, ếch nhái... Ngủ giữa khu rừng già hoang sơ nhưng du khách sẽ được bảo vệ, chở che an toàn bởi cán bộ, hướng dẫn viên của Vườn, những cộng tác viên là người S’tiêng, M’nông thuộc vùng đệm của Vườn.
Voọc ngũ sắc ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Gia đình Voọc đi kiếm ăn ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Đến với Vườn, du khách cũng được tìm hiểu những nét đặc trưng văn hóa bản địa như cồng chiêng, hát, múa, dệt thổ cẩm, đan lát, đặc biệt được thưởng thức các món ăn truyền thống của người S’tiêng bản địa như lá nhíp, đọt mây xào, canh thụt, canh bồi, cơm lam ống tre, heo nướng kiểu đồng bào bản địa, chơi các trò chơi dân gian giữa đám lửa trại…
Những trải nghiệm trong hành trình lần này tại Vườn đã thực sự thay đổi nhận thức của tôi rất nhiều. Tôi rất ấn tượng khi nhận được sự đón tiếp ân cần, chu đáo của cán bộ, các hướng dẫn viên, đặc biệt người dân địa phương. Những nét văn hóa Việt thật độc đáo. Chuyến khám phá mang đến cho chúng tôi thông điệp về việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường và bảo vệ hệ sinh thái. Tôi sẽ mãi không quên những kỷ niệm tại nơi đây và mong sớm có ngày quay trở lại. Fumiya Nagashima, sinh viên Nhật Bản vừa đến Vườn trong chương trình giao lưu thanh niên Việt - Nhật lần thứ 4, năm 2019 |
Nguyễn Tuấn Anh, một sinh viên đến từ TP. Hồ Chí Minh, sau một chuyến khám phá nói: “Tôi đã có một chuyến đi thật ý nghĩa. Đến đây, được băng rừng vượt suối, được thả mình vào những dòng thác dữ, đặc biệt được ngủ lại giữa rừng, tôi thực sự như được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ. Qua chuyến đi, tôi cũng cảm nhận được những đặc tính đáng quý của người dân nơi đây với sự năng động và thân thiện, tốt bụng. Sau khi quay về TP. Hồ Chí Minh, tôi sẽ chia sẻ những hình ảnh, thông tin về chuyến khám phá tuyệt vời này cho bạn bè, người thân ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là thông điệp về tình người ấm áp tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập”.
Với vẻ đẹp hớp hồn mọi người, nên thời gian qua, lượng du khách trong và ngoài nước đến với Vườn không ngừng tăng. Theo thống kế, năm 2018, Vườn đón gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước, riêng từ đầu năm đến nay, Vườn đã đón hơn 2.000 lượt khách.
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: “Du khách trong và ngoài nước không ngừng gia tăng do Vườn luôn đổi mới cung cách phục vụ sao cho phù hợp. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến với Vườn thấy hấp dẫn rồi trở lại, có đoàn đến 3 lần. Hoạt động dịch vụ du khách luôn gắn liền với chia sẻ lợi ích với cộng đồng đã tạo thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Với phương châm 3 khác lạ để thu hút khách du lịch, đó là ẩm thực, phong cách phục vụ, cảnh quan, chúng tôi hy vọng du khách sẽ đến tham quan, du lịch sinh thái ở Vườn nhiều hơn”.
Tồn tại cần tháo gỡ
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cũng cho biết, mặc dù Vườn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, nhưng hiện nay còn tồn tại một số khó khăn cần được tháo gỡ. Đó là, xe ô tô lớn (trên 24 chỗ) không đi được, vì đường nhỏ, đường tuần tra biên giới bị hạn chế chiều cao. Trong khi đó đường mới ủi ở phía Đông Bắc men theo suối Đắk Mai là đường đất đỏ, vào mùa mưa lầy lội, trơn trượt, xe động cơ yếu không thể đi được. Xe vận chuyển khách du lịch chưa có nên Vườn rất bị động khi có khách muốn tham quan theo tuyến này. Vì vậy, cần nâng cấp tuyến đường này lên thành tuyến đường trải nhựa với chiều rộng nền đường 5m trên con đường đất đỏ hiện hữu rộng 6,5m đã được xây dựng cách đây 3 năm.
Mẹ con nhà khỉ nghỉ ngơi ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Một góc Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Bên cạnh đó, các bãi cắm trại chủ yếu dựa vào tự nhiên, chưa có sự đầu tư nhiều nên khi có những đoàn trên 50 người thì việc tìm bãi cắm trại cho du khách gặp khó khăn. Hệ thống phòng nghỉ chưa đáp ứng đủ số lượng khách tham quan khi có đoàn khách trên 100 người. Đầu bếp, nhân viên phục vụ ăn uống chưa được đào tạo chuyên nghiệp, nên gặp khó khăn về thiết kế món ăn cũng như phục vụ với số lượng du khách đông. Khu nhà ăn chưa đáp ứng được nhu cầu, cần phải được xây dựng rộng rãi hơn.
Sự hòa nhập nhanh, nhiều của đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh dẫn tới khó khăn trong khai thác văn hóa bản địa vào phát triển du lịch sinh thái. Vì thế phát triển du lịch gắn với chia sẻ lợi ích cộng đồng còn hạn chế. Nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... của đồng bảo S’tiêng ngày càng mai một, còn duy trì nghề chỉ là là những người già nên khó khăn trong khôi phục làng nghề nhằm đa dạng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng phục vụ khách.
Mặt khác, chưa có nhà trưng bày các mẫu vật một cách khoa học nên không đảm bảo để lưu giữ các mẫu vật, tranh tuyên truyền, sa bàn. Các mặt hàng lưu niệm đặc trưng chưa được xây dựng, chưa trở thành các sản phẩm thương mại hóa. Vườn trên địa bàn xã biên giới nên lưu thông cho du khách nước ngoài còn qua nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian. Đối với khách trong nước, khi có nhu cầu tham quan phải trình báo qua rất nhiều đồn biên phòng dọc đường tuần tra biên giới, do đó đôi khi gây phiền hà cho du khách. Du khách tham quan chủ yếu là giới trẻ, thích mạo hiểm (đi phượt) nên việc bảo đảm quyền lợi cho du khách khi gặp rủi ro chưa được thực hiện (không có chế độ bảo hiểm cho khách). Việc tổ chức dẫn khách mang tính mạo hiểm, rủi ro cao, đặc biệt là vào mùa mưa nước lũ ở các suối chính dâng cao bất ngờ khi có mưa lớn.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.601,18 ha. Vườn hiện có 1.117 loài thực vật. Vườn có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao và 278 giống cây dùng làm thuốc. Vườn cũng là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, gà tiền mặt đỏ, voi... Vườn cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, voọc ngũ sắc, vượn đen má vàng... Về động vật, Vườn có hơn 400 loài. Trong đó thú có 105 loài thì có tới 30 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam; chim có 246 loài, có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như hồng hoàng, gà lôi hồng tía, dù dì phương đông, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, gà so cổ hung, chim yến hồng xám...; bò sát trên 70 loài, có 16 loài ghi trong sách đỏ. |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065