BP - Do thời tiết biễn biến bất thường, điều ra bông muộn, lại bị mưa lớn, sương muối và các loại sâu bệnh tấn công, đã và đang dự báo một tín hiệu không vui đối với người trồng điều trong năm 2017. Trong khi đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) sống chủ yếu nhờ vào cây điều nên nếu mất mùa sẽ càng làm cho họ thêm khó khăn. Không ít hộ đã cầm cố, sang nhượng đất sản xuất trái phép hoặc vay nặng lãi để có tiền lo cho cuộc sống trước mắt. Và tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra với mức độ cao hơn nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng.
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND, ngày 25-12-2015 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 09-CT/HU, ngày 25-6-2016 của Huyện ủy Bù Gia Mập về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất trong vùng đồng bào DTTS, ngày 24-8-2016, UBND xã Đắk Ơ đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác 220 để đến các thôn có đồng bào DTTS rà soát, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không sang nhượng, cầm cố đất sản xuất.
Nóng tình trạng cầm cố,
sang nhượng đất trái phép
Những năm qua, tình trạng cầm cố, sang nhượng đất sản xuất và vay nặng lãi trong đồng bào DTTS ở Đắk Ơ diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo của UBND xã, qua rà soát, tổ công tác đã phát hiện có 52 hộ cầm cố đất với diện tích 94,85 ha. Trong đó, đất theo Chương trình 134 có 1 hộ với diện tích 0,2 ha; đất cấp theo Chương trình 33 có 10 hộ với diện tích 5,5 ha, còn lại là đất tự khai phá. Có 18 hộ sang nhượng đất trái phép với diện tích 22 ha, trong đó đất cấp theo Chương trình 33 và Chương trình 193 có 5 hộ với diện tích 4,5 ha. Về vay tiền với lãi suất cao có 6 hộ vay 270 triệu đồng với lãi suất từ 30-50%/năm. Nguyên nhân khiến đa số các hộ DTTS sang nhượng, cầm cố đất sản xuất, vay tiền lãi suất cao là do cuộc sống khó khăn, gia đình có người bị ốm đau, bệnh tật... Một số hộ vay tiền chỉ để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, xây dựng, sửa chữa nhà ở hoặc trả nợ ngân hàng.
Phần lớn đồng bào DTTS ở Đắk Ơ phát triển kinh tế dựa vào cây điều (ảnh minh họa)
Ông Đỗ Cao Trí, cán bộ văn phòng UBND xã và là thành viên tổ công tác cho hay: “Những phát hiện được thống kê cũng mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Thực tế còn rất nhiều và được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau nhằm “lách luật””. Ông Hoàng Văn Khiêm, dân tộc Nùng, Phó thôn 10, xã Đắk Ơ chia sẻ: Do nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất hoặc một số trường hợp bị “vướng” về thủ tục, không tiếp cận được nên bà con phải cầm cố, sang nhượng trái phép và vay lãi suất cao phục vụ sản xuất. Do đó, bà con không dám cung cấp thông tin cho chính quyền biết vì sợ người cho vay không cho vay nữa, gây khó khăn cho cuộc sống của gia đình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Điểu Ma Giang, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Đắk Ơ nói: “Tình trạng bán điều non, cầm cố đất trong thôn xảy ra rất nhiều, nhưng đồng bào không thông báo cho chính quyền và khi xã về điều tra thì không chịu hợp tác. Tôi đã cùng cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động, đề nghị được hỗ trợ vay vốn lấy lại đất, nhưng bà con không hợp tác, gây khó khăn cho công tác điều tra. Bên cạnh đó, đối tượng cầm cố, cho vay nặng lãi đều là người hiểu biết, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và dụ dỗ bà con DTTS. Thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ gia đình người DTTS trong thôn lười lao động, chỉ thích nhậu nhẹt, sẵn sàng cầm cố, sang nhượng, vay nặng lãi để tiêu xài và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS tăng. Tôi trước đây cũng sống trong cảnh nghèo khó, được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn nên giờ đã kinh tế ổn định. Tôi chỉ mong đồng bào mình thay đổi tư duy, vươn lên có cuộc sống tốt hơn, nhưng thấy “khó quá””.
Năm 2014, gia đình ông Trần Văn Chuôi ở thôn 3, xã Đắk Ơ vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã, phải ở nhờ để đi làm thuê và tích lũy mua đất sản xuất. Nhờ nỗ lực phấn đấu đến nay gia đình ông không những thoát nghèo, trả hết nợ mà còn xây được ngôi nhà mới trị giá trên 500 triệu đồng. Ông Chuôi cho biết: “Ở Đắk Ơ, những công việc đơn giản như xạc cỏ thuê, làm bồn tiêu, nhặt điều... với ngày công gần 200 ngàn đồng rất dễ kiếm. Thế nhưng nhiều cặp vợ chồng trẻ người S’tiêng không chịu làm mà sẵn sàng bán đất, cầm cố đất và vay nặng lãi để mua xe máy, chơi bời, nhậu nhẹt. Cứ như thế thì làm sao mà thoát nghèo nổi!”.
Làm gì để đổi thay?
Toàn xã hiện có 3.854 hộ với 16.366 người, trong đó đồng bào DTTS có 1.329 hộ với 6.419 người (hơn 39% số dân toàn xã). Đến cuối năm 2016, xã còn 660 hộ nghèo với 2.896 người, chiếm 19,64% tổng số hộ, trong đó DTTS có 461 hộ với 892 người; hộ cận nghèo còn 399 hộ với 1.655 người, trong đó DTTS 223 hộ với 918 người. Những hộ cầm cố, sang nhượng đất và vay nặng lãi hầu hết rơi vào các hộ DTTS. Năm 2016, các hộ cầm cố đất sản xuất được UBND xã can thiệp hòa giải thành 16 vụ chuộc lại đất, 5 vụ UBND xã đã hướng dẫn các hộ dân khởi kiện ra tòa. |
Tìm hiểu thực tế được biết, hầu hết bà con đều có nguyện vọng chuộc lại đất sản xuất, nhưng không ít hộ đã cầm cố với số tiền quá lớn nên không có khả năng chuộc lại. Theo đánh giá của tổ công tác, việc rà soát chưa đạt kết quả do nhiều hộ đã cầm cố, sang nhượng nhưng không hợp tác khai báo vì lo ngại người nhận cầm cố sỉ vả hoặc trả thù. Một số hộ được cấp đất không chịu sản xuất mà cho người khác làm để ăn chia sản phẩm. Từ thực tế đó, UBND xã đã kiến nghị UBND huyện phân bổ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền đủ để giúp các hộ DTTS chuộc lại đất sản xuất. UBND xã cũng đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho người dân vay thời hạn từ 5 năm trở lên để họ có điều kiện chuộc lại đất và có thời gian sản xuất, ổn định cuộc sống, trả nợ ngân hàng; Công an huyện theo dõi, nắm tình hình các đối tượng lợi dụng sự hạn chế về nhận thức, dụ dỗ đồng bào DTTS vay tiền lãi suất cao, dẫn đến phải cầm cố hoặc bán đất. UBND xã Đắk Ơ cũng kiến nghị Tòa án nhân dân huyện hướng dẫn tận tình các hộ DTTS về trình tự, thủ tục khởi kiện.
Ông Nguyễn Thành Láng ở thôn Đắk Lim, cán bộ lão thành của xã Đắk Ơ chia sẻ: Chứng kiến cảnh đồng bào bán đất, cầm cố đất sản xuất rơi vào nghèo khó và phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình, tôi rất buồn. Mong sao bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển ở khu vực đồng bào DTTS, nhất là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ là con em đồng bào có đủ năng lực, trình độ.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065