Khuôn viên trường chật hẹp, lại sâu hơn so với khu vực xung quanh nên rất bất lợi khi trẻ sinh hoạt ngoài giờ, đặc biệt là tập thể dục hằng ngày
Thiếu đủ bề
Cái thiếu đầu tiên của trường là thiếu giáo viên. Nếu trường lớp khang trang, đủ phòng học để đáp ứng số trẻ em trong xã từ 3 tuổi đến lớp thì trường sẽ còn thiếu giáo viên nhiều hơn nữa.
Cái thiếu thứ hai của trường là nhân viên cấp dưỡng. Với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng và không được hưởng thêm bất kỳ quyền lợi nào khác, trong khi phải làm việc từ 7-15 giờ mỗi ngày đã khiến nhiều cấp dưỡng nản lòng, bỏ trường. Cô Nguyễn Thị Thỏa, Phó hiệu trưởng cho biết: “Hiện trường thiếu 3 cấp dưỡng. Trước đây, cấp dưỡng được ký hợp đồng 68 (Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) nên có mức lương 2,6 triệu đồng/tháng và sau 2 năm được tăng lương nên các chị yên tâm làm việc. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây do cấp dưỡng thay đổi thường xuyên, mỗi lần thay đổi phải tập huấn các lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm nên bị gián đoạn. Trong thời gian gửi văn bản chờ trả lời của Phòng Giáo dục - Đào tạo, trường đã tự ký hợp đồng để các cháu có cấp dưỡng chăm sóc. Do trường phải tự thuê cấp dưỡng nên không thể trả lương cao vào 3 tháng hè, cấp dưỡng cũng bị cắt luôn tiền trợ cấp. Chính vì thế, không mấy ai còn mặn mà làm công việc này”.
Hiện trường chỉ có 7 phòng, trong đó 2 phòng do phụ huynh góp tôn dựng tạm nên rất nóng. Dù đã trang bị nhiều quạt và đóng thêm trần nhưng vào mùa nắng như năm nay, cô và trò đều chịu cái nóng như nung người. Những phòng khác tuy được lợp ngói mát mẻ hơn nhưng xập xệ và cũng không thể sửa chữa vì đang chờ xây trường mới!
Mặc dù quy hoạch trường mới đã kéo dài 7 năm nhưng lãnh đạo xã Đắk Nhau vẫn chưa thể khẳng định khi nào mới có thể khởi công bởi phụ thuộc vào giải tỏa. Cô Thỏa chia sẻ: “Do khuôn viên trường chật hẹp, lại sâu hơn so với khu vực xung quanh nên rất bất lợi khi trẻ sinh hoạt ngoài giờ, đặc biệt là tập thể dục hằng ngày. Cũng vì trũng hơn nên trường trở thành miệng túi hứng gió bụi. Về mùa mưa, nước cũng chảy đọng thành vũng nhiều...”. Là xã vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng nên việc làm đồ chơi phục vụ dạy học của giáo viên cũng rất vất vả. Các cô thường phải về thị xã Đồng Xoài vào những ngày cuối tuần, thậm chí có giáo viên phải xuống TP. Hồ Chí Minh để tìm mua những nguyên liệu vừa ý làm dụng cụ học tập cho các cháu.
Toàn xã có 3 thôn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số là Đắk Liên, Đắk La và Đăng Lang. Những nơi này đều có điểm trường nhưng số phụ huynh quan tâm đến việc học của con em không nhiều. Ban giám hiệu và giáo viên phải góp tiền nấu bữa trưa cho trẻ trước, sau đó phụ huynh mới góp tiền trả sau.
Chỉ ưu tiên trẻ 5 tuổi
Cô Bùi Thị Kim Tuyết, Chủ tịch công đoàn trường nhẩm tính, nếu có khoảng 5 phòng học nữa thì sẽ đủ cho trẻ từ 3-5 tuổi trên địa bàn xã. Hiện tại, với 7 phòng, Ban giám hiệu chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi. Sau đó còn phòng thì tiếp tục tuyển thêm lớp 4 tuổi. Thiếu phòng học nên hầu hết trẻ 3-4 tuổi ở Đắk Nhau chưa được đến lớp. Với trẻ 5 tuổi, các cô phải phối hợp với hội, đoàn thể đến từng nhà vận động ra lớp. Trẻ mới vào học chưa quen bạn, quen cô nên hay khóc, khiến giáo viên vừa phải vật lộn bổ sung kiến thức tổng hợp “3 trong 1” (từ lớp 3 tuổi tới lớp 5 tuổi) vừa uốn nắn các em vào khuôn khổ trước khi luyện chữ, làm quen với con số.
Kết quả sau mỗi lần tổng kết năm học là bằng chứng rõ nét nhất về sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường mẫu giáo Hoa Hồng. Đầu năm học 2015-2016, toàn trường có 321 trẻ thì 61 cháu nhẹ cân, 77 cháu bị thấp còi và 3 cháu dư cân; đến cuối tháng 5 (tổng kết năm học), hơn một nửa số nhẹ cân có sự cải thiện về chiều cao, cân nặng. Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thỏa khẳng định: “Kết quả này so với chỉ tiêu là đạt. Đời sống nhiều hộ dân ở đây còn khó khăn nên trẻ ít được quan tâm. Chúng tôi đã phải cân đối hợp lý để điều chỉnh thể trạng các bé. Có bé vào học tháng đầu đã tăng 1kg. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là có trường lớp khang trang để tất cả trẻ em trên địa bàn xã đều được đến trường”.
Hè về, cán bộ, giáo viên ở nhiều trường mầm non được nghỉ ngơi nhưng ở Trường mẫu giáo Hoa Hồng, từ ban giám hiệu đến từng giáo viên lại đang canh cánh nỗi lo năm học mới 2016-2017 còn nhiều cái thiếu, cái khó.
N.Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065