Thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đã được xác định từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà sử học vào tối 4-10.
Đại tướng đầu tiên - vị Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Quân y viện 108 (Hà Nội) lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ngày 25-8-2013 vừa qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 102 tuổi và bước qua tuổi 103. Sau dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009), tháng 6-2009, vì tuổi cao, sức yếu nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào tĩnh dưỡng ở Quân y viện 108 cho đến ngày qua đời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người sáng lập, chỉ huy đầu tiên và được coi là người “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông cũng là vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (được phong năm 1948 khi mới 37 tuổi). Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi Đại tướng gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, vốn được coi là những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong nhiều thời kỳ: Ủy viên Bộ Chính trị; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ; Tổng Tư lệnh quân đội; Bí thư Quân ủy Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước...
Cách đây hơn 1 tháng, vào dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 103, khi tham gia giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử Trí Thức Trẻ, khi được hỏi: nếu chỉ nói ngắn gọn 3 điều làm nên tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đó là những điều gì? Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, chỉ có 3 điều mà nói về Đại tướng thì quá khó. Cả một bộ tổng tập về Đại tướng chắc cũng chưa thể nói hết. Sau này chắc còn nhiều tổng tập về Đại tướng nữa. “Tuy nhiên, với lòng chiêm ngưỡng với Đại tướng, tôi xin mạo muội đôi điều về Đại tướng. Trước hết là nói về một vị tướng đích thực của nhân dân, một vị tướng đã đánh bại tất cả các vị tướng đã từng đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Thứ hai, là vị tướng anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của tất cả các tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ ba, vị tướng - người học trò đích thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng: “Với những nhân vật gắn liền với lịch sử như Đại tướng, phải có độ lùi của thời gian mới có thể nhận thức được đầy đủ, trọn vẹn. Dẫu sao, tôi rất trân trọng những công trình đã được công bố vì nó cho thấy phần nào tầm vóc của ông đối với thời đại ông sống. Tôi muốn nói thêm là Đại tướng rất quan tâm đến việc nghiên cứu và tôn vinh những người đồng đội của ông, trong đó, có nhiều vị tướng lừng danh, xứng đáng được lưu danh lâu dài trong lịch sử dân tộc”.
|
(Theo SGGP)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065