DẤU ẤN CỦA VỊ TƯỚNG TRONG CHUYẾN THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Buổi sáng tháng 5-2012, đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân đã về thăm lại chiến trường xưa - Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh) và Xưởng chế biến mủ tờ, Nhà máy chế biến Lộc Ninh, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Cùng đi có các đồng chí làm công tác nghiên cứu lịch sử Quân khu 7 và đoàn làm phim tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đại tướng Lê Đức Anh.
Đại tướng Lê Đức Anh thăm Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết
Về thăm căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết), đại tướng đã xúc động khi đến thăm nơi ở, nơi làm việc của mình trong chiến tranh và hội trường Bộ chỉ huy Miền, nhà lưu niệm... Chân đã yếu phải ngồi xe lăn nhưng trong ánh mắt đại tướng như sống lại những ngày tháng hào hùng, khi Bộ chỉ huy Miền dời về Tà Thiết (tháng 2-1973), chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong các vị lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền chỉ còn duy nhất đại tướng Lê Đức Anh còn sống và ông chính là nhân chứng lịch sử bước ra từ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tại di tích lịch sử Bộ chỉ huy Miền, đoàn làm phim tư liệu đã ghi nhận nhiều hình ảnh và tư liệu lịch sử những ngày ông đã sống và làm việc ở đây.
Thăm xưởng mủ tờ (Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh), đại tướng Lê Đức Anh và phu nhân phấn khởi khi biết đây là sản phẩm độc đáo duy nhất của công ty được duy trì sản xuất từ dây chuyền sản xuất mủ tờ đồn điền cao su Lộc Ninh những năm 1925-1930. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm xưởng sản xuất khoảng 2.000 tấn theo đơn đặt hàng Công ty Michenlin của Pháp. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Lê Đức Anh đã vào hoạt động công khai ở Lộc Ninh và lập ra nhóm công nhân cách mạng nòng cốt để tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Năm 1944, đồng chí là Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một, kiêm Bí thư chi bộ Lộc Ninh và lãnh đạo công nhân, nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số giành chính quyền ngày 23-8-1945 (cách mạng tháng Tám).
HỒI ỨC VỀ CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH
Hồi ký của đại tướng Lê Đức Anh về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử viết: “Thực hiện lời căn dặn của anh Lê Duẩn “phải giải phóng nhanh nhất”, sau khi đánh được Phước Long, Bộ chỉ huy Miền bắt tay vào làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ làm chủ yếu, tính toán kỹ thấy thiếu 1 quân đoàn. Anh Phạm Hùng và anh Trần Văn Trà thống nhất trong Bộ chỉ huy Miền, điện xin trung ương đưa quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2. Cả Bộ chỉ huy Miền gần như thống nhất: sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng 4-1975, vì sang tháng 5 đã là đầu mùa mưa...
Trước đà thắng lợi của ta ở cả Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 1-4-1975, căn cứ vào sự phát triển tiến công dồn dập của ta ở chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, trước mùa mưa. Ngày 7-4-1975, Bộ chỉ huy Miền họp quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị và bàn các giải pháp thực hiện...
Ngày 8-4-1975, Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh) được thành lập, Tư lệnh - đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng, các Phó tư lệnh: thượng tướng Trần Văn Trà, trung tướng Lê Đức Anh, trung tướng Đinh Đức Thiện (ngày 22-4 bổ sung trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó tư lệnh, trung tướng Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy). Trước khi tổng công kích vào Sài Gòn, Trung ương Cục cùng Bộ chỉ huy chiến dịch về cơ bản đã cài xong thế trận cô lập Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 9-4-1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc - Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam bộ, đồng thời huy động lực lượng lớn nhất vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam, gồm 4 quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn, với đầy đủ binh khí kỹ thuật, 5 cánh quân theo 5 hướng đã vào thế vây chặt Sài Gòn, đợi lệnh đồng loạt tấn công. Phong trào nổi dậy của quần chúng ở ven đô và nội đô cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng chờ dịp vùng lên.
Ngày 26-4-1975, ta bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện hồi 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Lần này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm...”.
P.HÀ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065