BPO - Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh trưởng Quân khu 5 đến thăm và động viên cán bộ,chiến sĩ đơn vị xe tăng T54 Quân giải phóng trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu
|
Suốt cuộc đời ông đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ của người cộng sản cống hiến cho cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Vị Đại tướng có “thâm niên” tuổi Đảng trùng với “thâm niên” của Đảng Cộng sản Việt Nam
Ông tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913, là con thứ 8 trong một gia đình nông dân nghèo thuộc xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Sinh ra trong thời điểm đất nước lầm than, Chu Văn Điều sớm nhận ra rằng: chỉ con đường đấu tranh, chống lại thực dân phong kiến thì mới có thể giải phóng được cho mình, cho bà con nông dân quê mình.
Bởi thế, khi phong trào cách mạng vừa mới được nhen nhóm, chàng trai trẻ Chu Văn Điều đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người yêu nước. Tháng 11-1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi với lời thề: “Xin thế trước cờ Đảng, nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng. Nếu bị bắt bớ, cực hình, tra tấn quyết không khai, dù phải chịu tù đầy quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”.
Từ một đội phó Đội tự vệ đỏ của xã, Chu Văn Điều được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên lúc chỉ mới 23 tuổi.
Ông tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Cùng thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân. Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Ông sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng quân sự của mình.
Từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh. Năm 1940, chúng đưa ông đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng không làm nản lòng người cộng sản.
Nuôi chí lớn, lòng hướng về tương lai dân tộc, đất nước, tháng 3-1943 ông cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức trốn khỏi nhà giam, tiếp tục họat động cách mạng. Ông tham gia trong Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam.
Sau khởi nghĩa, ông làm Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, rồi Chủ tịch ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ.
Mười lăm năm hoạt động từ thời kỳ Đảng cộng sản Việt Nam mới ra đời, ông luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sáng suốt, có niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Thời kỳ chống Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường từ Nam chí Bắc, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy sư đoàn 316, ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, cùng với anh em chứng kiến giờ phút lịch sử toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhà chính trị, quân sự tài ba, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng
Với tài thao lược về quân sự, năm 1963, đồng chí Chu Huy Mân được Bộ Chính trị cử vào nghiên cứu chiến trường khu 5, vùng đất ác liệt, gian khổ, nơi mà chính quyền Mỹ ngụy đang áp dựng loại hình “chiến tranh đặc biệt” tại Việt Nam làm Phó Bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 5.
Khu 5 có nhiệm vụ rất quan trọng là tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực cơ động ngụy, khẩn trương chuẩn bị đánh những đòn đau, phủ đầu quân chiến đấu Mỹ.
Chu Huy Mân là nỗi khiếp đảm của Mỹ ngụy trên chiến trường khu 5, mặt trận Tây Nguyên. Ông cầm quân đến đâu, kẻ thù thua chạy ở đấy, càng đánh càng lớn mạnh, lớp lớp thanh niên các dân tộc có mặt trong các sư đoàn chủ lực của khu 5 lập nên nhiều chiến công lớn, tạo thế và lực mới cho toàn chiến trường.
Mùa xuân năm 1975, ở Tây Nguyên, với trận then chốt Buôn Ma Thuột, đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, có được những thay đổi phù hợp với tình hình. Với cương vị tư lệnh Quân khu 5, đoán biết quân địch sẽ bỏ Tây Nguyên, tướng Mân bàn với Bộ Tư lệnh nhanh chóng tiến công vào thị xã Tam Kỳ, cắt đứt con đường thoát của chúng, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng.
Sau khi giải phóng Tam Kỳ, Quân khu 5 phối hợp với cánh quân khác vào giải phóng Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất miền trung của địch. Chiến thắng này đã tạo thế và lực để quân đội ta mở cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Đế quốc Mỹ, một đất nước hùng mạnh về quân sự vào loại nhất thế giới đã phải thua trận hoàn toàn tại Việt Nam. Họ không thể tin được rằng: quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của các tướng lĩnh, hầu hết đều xuất thân từ nông dân áo vải như Chu Huy Mân lại có thể đối đầu và chiến thắng họ.
Họ đâu biết rằng, những vị tướng - nông dân như Chu Huy Mân đã được trưởng thành chính từ trong phong trào cách mạng, được đào tạo chính trong môi trường chiến tranh ác liệt nhất, giữa lòng nhân dân Việt Nam yêu nước…
Ðại tướng Chu Huy Mân là một tài năng quân sự và kiên định của đất nước, có tầm chiến lược và cũng rất giỏi về chiến dịch và chiến thuật.
Ông đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), Quân sự (ba thứ quân) là đỉnh cao chiến tranh nhân dân ở khu 5 (Đông Xuân năm 1972 ở Bắc Bình Định và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở khu 5).
Trong hơn 11 năm ở Quân khu V, các chiến dịch do ông trực tiếp chỉ huy đều giành thắng lợi. Là vị tướng chiến lược, ông không những là một người chỉ huy sắc sảo mà còn là một người có biệt tài về xây dựng, xây dựng bản lĩnh chính trị và quân sự, niềm tin và đạo đức cho các đơn vị và cấp dưới thuộc quyền.
Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hòa bình. Tướng Chu Huy Mân đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng trong các kỳ đại hội IV và V, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Phó chủ tịch nước)…
10 năm giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông tiếp tục có những cống hiến đối với quân đội nhân dân Việt Nam với việc tham mưu cho Đảng ủy quân sự trung ương, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng khối quân đội vững mạnh.
Lý tưởng cách mạng đã soi sáng ông trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ sống cho đất nước, vì đất nước. Mãi về sau, khi Đảng và Nhà nước đã cho ông nghỉ hưu, ông vẫn lặng lẽ cống hiến, cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng…
Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Đặc biệt ông là vị Đại tướng duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Ông đã từ trần ngày 1-7-2006 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, thọ 93 tuổi.
Nguồn TTXVN