DỐC TOÀN LỰC CỨU TIÊU
Trung tuần tháng 3, chưa phải là đỉnh điểm của khô hạn nhưng tất cả giếng nước kể cả ở những khu vực chưa bao giờ thiếu nước ở Lộc Ninh đều đã trơ đáy. Những con suối chảy qua các thôn, sóc mà hàng thập kỷ nay người dân Lộc Ninh bám víu để có nước tưới tiêu đa phần khô cạn. Dọc các con đường của xã biên giới Lộc Thành hay ở vùng trồng tiêu trọng điểm ấp Đồi Đá (Lộc Khánh) những vườn tiêu đều chung cảnh rũ lá vì thiếu nước.
Từ 1 tháng trước, ở tất cả vùng trồng tiêu trọng điểm của Lộc Ninh nhà vườn đã ồ ạt khoan thêm giếng hay vét sâu các giếng đào, ao, hồ để giành giật từng “gáo” nước tưới cứu hồ tiêu. Tiếng máy khoan giếng, đào đất suốt ngày đêm không ngớt.
Giá thuê vét giếng ở Lộc Ninh hiện lên tới 600-900 ngàn đồng/m3 hoặc 400 ngàn đồng/ngày, có cơm trưa và bữa phụ
Tôi đến vườn tiêu 5.500 trụ 2-4 năm tuổi của nhà nông tiếng tăm Đoàn Văn Mầm ở tổ 1, ấp Đồi Đá. Vợ chồng ông Mầm than thở, chỉ riêng tiền điện tháng 2 để vận hành máy bơm của gia đình là hơn 16 triệu đồng. Ông Mầm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng tiêu bền vững liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam. Ông gầy rộc vì lo nước cho tiêu. Với 5.500 nọc tiêu ở nền đất đen pha đá cục, ông Mầm có 9 giếng khoan độ sâu 60-80m. Trước tết Nguyên đán, vợ chồng ông đã khoan thêm 3 giếng nhưng duy nhất 1 giếng có nước. Vậy là trong tổng cộng 12 giếng khoan nay chỉ 6 giếng có nước nhưng rất ít. Tuy ông Mầm ngày đêm canh bơm nước nhưng vẫn phải nhờ thêm 2 giếng của 2 hộ trong xóm để có nước “cầm hơi” cho vườn tiêu qua cơn đại hạn.
Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Lộc Ninh, trung tuần tháng 3, toàn huyện có 1.902 ha hồ tiêu (gần 50% diện tích hồ tiêu toàn huyện) thiếu nước tưới, trong đó 760 ha dự kiến bị xóa sổ vì không có nước tưới. Ước tổng thiệt hại do tiêu bị chết, giảm sản lượng do thiếu nước là 266 tỷ đồng/295,37 tỷ đồng tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp do hạn hán. |
Ông Bùi Trung Tiến, Chi hội trưởng Chi hội nông dân cho biết: Ấp Đồi Đá có diện tích hồ tiêu nhiều hơn tất cả cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Hiện các tổ 1, 3 và 4, mỗi hộ có từ 1.000-5.000 trụ tiêu nhưng trên 80% giếng khoan, giếng đào đã hết nước. Điển hình như hộ ông Đoàn Văn Cử có 4 giếng thì duy nhất 1 giếng còn nước. Hộ ông Chương Tài Xình có 3.500 trụ tiêu kinh doanh nhưng 3 giếng khoan khô cạn. Hiện ông Xình đang xin nước của 2 hộ trong xóm tưới “cầm hơi” cho vườn tiêu. Chỉ riêng tổ 4 có 17/42 hộ khô giếng. Những giếng còn nước đa phần hộ không trồng tiêu hoặc chỉ vài trăm trụ. Hiện Lộc Khánh có 150 ha hồ tiêu thiếu hoặc không có nước tưới.
NHÀ NÔNG ĐANG NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA
Hồ thủy lợi Tà Tê ở ấp Tà Tê 1 (Lộc Thành), những năm diện tích mặt nước còn lớn, người dân chỉ cần đặt máy bơm trực tiếp để lấy nước vào vườn. Nay mặt hồ thu hẹp chỉ còn chưa tới 1m là về mực nước chết, hàng trăm ao bao vây quanh hồ giành giật từng mét khối nước để cứu hồ tiêu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành Lê Thế Bàng cho biết, hiện Lộc Thành có gần 200 ha hồ tiêu nhưng có 42 ha khả năng bị xóa sổ vì không tìm ra nước tưới và con số này đang tăng lên hằng ngày.
Người dân ấp Tân Mai, xã Lộc Thành (Lộc Ninh) hái trái non để cứu vườn tiêu vì thiếu nước tới - Ảnh: S.H
Giữa mùa thu hoạch hồ tiêu, giá tiêu ngày 20-3 tại Lộc Ninh là 149.000 đồng/kg (tiêu 450g/lít) thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 50.000 đồng/kg nhưng nông dân không bàn tán về giá mà chỉ “nóng ran” việc vét giếng, đào ao, khoan thêm giếng để cứu tiêu.
Trước đây khoan giếng có nước mới trả tiền, nay “luật” đã đổi, có nước hay không thợ khoan giếng đều lấy tiền sòng phẳng. Đề phòng “mất tiền”, tôi thuê máy rà tìm mạch (3 triệu đồng/giếng) và thuê cả thầy địa lý nhưng rốt cuộc khoan 3 giếng chỉ 1 cái có nước với khối lượng ở mức “rò rỉ”, bơm 1 lần khoảng 15 phút là hết nước. Ở Đồi Đá, nhiều hộ đã hùn nhau mua máy khoan giếng. Ông Đoàn Văn Mầm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng tiêu bền vững liên kết với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam |
Cả tuần nay, hộ anh Nguyễn Văn Lập cũng như 30 gia đình trồng tiêu ở tổ 4, ấp Đồi Đá như ngồi trên đống lửa khi nhìn vườn tiêu rũ lá héo vàng từng giờ. Giếng đào đều đã cạn khô mà thợ vét giếng rao giá rồi hẹn ngày vì quá tải. Giá vét giếng cao ngất ngưởng từ 600-900 ngàn đồng/m3. Nhiều thợ vét giếng không tính mét khối mà lấy giá 400 ngàn đồng/ngày, có cơm trưa và bữa phụ. Như vậy, bình quân 1 giếng vét ở Đồi Đá là 3-4 triệu đồng nhưng chưa hẳn đã có nước vì đất có đá tảng càng vét càng khô mạch.
Những hộ khá giả như ông Xình cũng lo ngay ngáy vì đã đăng ký thuê khoan giếng cách đây 1 tháng mà vẫn chưa đến lượt. Giá bình quân giếng khoan là 200 ngàn đồng/m. Và để cứu tiêu, “đại gia” Mầm đã phải kêu giá 300 ngàn đồng/m.
Xã Lộc Hưng diện tích hồ tiêu chủ yếu tập trung ở ấp 6, theo thống kê đã có 73 ha nguy cơ bị xóa sổ vì thiếu nước tưới. Chỉ trong nửa đầu tháng 3, người dân ấp 6 đã chung nhau khoan 23 giếng công nghiệp. Ở ấp Lộc Bình 2, xã Lộc Thành, ông Ngô Văn Dĩnh than thở: Nhà chỉ có 200 trụ tiêu nhưng đã thuê máy xúc đào 3 cái ao độ sâu trên 7m nhưng không có nước. Mất mùa thu hoạch hồ tiêu lại không đủ trả tiền móc ao hơn 10 triệu đồng.
CẦU MONG “TRỜI CỨU”
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, phải đến đầu tháng 7 mùa mưa ở Đông Nam bộ mới bắt đầu (mùa khô còn kéo dài khoảng 3,5 tháng). UBND huyện Lộc Ninh đã “cầu cứu” Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hỗ trợ 20 xe bồn (4-6m3/xe) hằng ngày chở nước đến các thôn, sóc khó khăn hỗ trợ người dân nước sinh hoạt và nước tưới cứu tiêu.
Theo số liệu cập nhật của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện, hiện mực nước ngầm ở tầng nông trên địa bàn đa phần đã cạn kiệt. Các công trình thủy lợi duy nhất chỉ còn hồ Rừng Cấm hoạt động tốt, chủ yếu phục vụ nước sinh hoạt cho 600 hộ ở thị trấn Lộc Ninh, xã Lộc Tấn và nước sinh hoạt cho công trình cấp nước đầu mối Lộc Thái - Lộc Hưng.
Để cứu hồ tiêu, UBND các xã ở Lộc Ninh đều đã lên kế hoạch xin huyện hỗ trợ xe bồn nhưng với hơn 4.000 ha hồ tiêu, gần 5.000 hộ dân thiếu nước và trước thực trạng nguồn nước ngầm, nước hồ đập, ao, suối đang cạn kiệt hằng ngày thì người trồng tiêu ở “vương quốc” hồ tiêu Lộc Ninh chỉ còn cách “ngửa mặt” xin trời nhanh có những trận mưa trái mùa để giải cơn đại khát khốc liệt đang diễn ra.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065