Trong các ngày 24 và 25-10-2011, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về các dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
Tại phiên họp chiều ngày 24-10-2011, đại biểu Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã đăng ký phát biểu thảo luận về Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, do nhiều đại biểu cùng đăng ký, không đủ thời gian phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Lợi đã gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản tới Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp như sau: Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại đối với tất cả quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội) thì không khả thi, khó có chế định cụ thể nào có thể bao quát được nhiều tổ chức khác nhau như vậy.
Về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và xử lý vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, trên cơ sở thực tiễn, vẫn còn nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc, đùn đẩy, né tránh… nhưng chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe. Do đó, dự án luật cần quy định cụ thể hơn quy trình thực thi quyết định giải quyết khiếu nại và xây dựng một chương riêng về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại để quy định về trình tự, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại để bảo đảm những hành vi vi phạm trong quá trình giải quyết khiếu nại đều được xử lý nghiêm và các quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành nghiêm chỉnh và kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại. Cụ thể như: Quy định về chế tài đối với cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cố tình đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thi hành, hoặc thi hành không đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại như: buộc xin lỗi, bồi thường, kỷ luật…
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cần bổ sung một quy định mang tính nguyên tắc như sau: Cấp ban hành quyết định phát sinh khiếu nại, cấp đó phải chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Hiện nay, có nhiều dự án của các cấp liên quan đến giải tỏa, đền bù. Khi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn khi cùng một dự án, nhưng giá đền bù mỗi thời điểm một khác, giá áp dụng với người giải tỏa trước thấp hơn giá áp dụng với người giải tỏa, đền bù sau có khi chênh lệch từ 2 đến 3 lần, hậu quả là người chấp hành tốt lại thiệt thòi, người cố tình dây dưa lại được hưởng lợi, chính điều này làm phát sinh khiếu nại, nhưng người trực tiếp thực hiện dự án rất khó khăn trong việc giải quyết để khắc phục sự bất hợp lý này, vì dự án là do cấp trên phê duyệt. Do đó, quy định cấp nào ban hành quyết định gây khiếu nại, cấp đó phải chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Khi đó, chủ thể ban hành quyết định hành chính buộc phải thận trọng và phải tính đến tình huống phát sinh các khiếu nại hành chính.
Về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Hiện nay, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn giải quyết khiếu nại của công dân đó là thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền, sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, MTTQ và các tổ chức thành viên. Nhiều khiếu nại của dân chưa được cấp cơ sở giải quyết dứt điểm, quyền và lợi ích hợp pháp của một bộ phận không nhỏ những người dân nghèo đang bị xâm phạm… nhưng chưa được đôn đốc kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, để giải quyết tốt khiếu nại của công dân, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đề nghị cần quy định cụ thể việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các khiếu nại của công dân do các Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được chuyển đến và quy định thời hạn báo cáo về việc tiếp nhận thụ lý và giải quyết khiếu nại, các tổ chức cá nhân có thẩm quyền. Chế độ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp không giải quyết, hoặc giải quyết không kịp thời đơn thư do Quốc hội, HĐND, MTTQ gửi tới.
Tham gia thảo luận về dự án luật tố cáo, tại phiên họp sáng ngày 25-10-2011, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu đóng góp về nhiều nội dung trong dự án luật, trong đó đáng chú ý là những bổ sung về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong Luật Tố cáo, đó là người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo và đề nghị bổ sung quy định quyền được bảo vệ của người giải quyết tố cáo khi bị đe dọa trả thù do thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Điều này có thể xảy ra trong thực tế và nếu không có quy định cụ thể thì sẽ trở thành trở ngại trong quá trình giải quyết tố cáo. Đồng thời làm rõ quyền và nghĩa của các chủ thể, trong đó có quyền của người tố cáo yêu cầu được bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù. Bổ sung một khoản quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu.
Về quyền của người bị tố cáo, điểm c, khoản 1 điều 10 quy định: Người bị tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo sai sự thật. Đại biểu cho rằng, quy định tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở đây là rất chung chung, dễ đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Thực tế hiện nay, việc lợi dụng quyền tự do dân chủ, tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của công dân không phải là ít, nếu không có quy định cụ thể về vấn đề này thì người bị tố cáo oan sai không biết phải kiến nghị cơ quan nào giải quyết? Trong bài phát biểu của mình, đại biểu Bùi Mạnh Hùng còn đề nghị bổ sung vào điều 45 dự thảo chủ thể giám sát công tác giải quyết tố cáo là Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và đóng góp nhiều điều, khoản cụ thể góp phần hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu chỉnh sửa và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo chương trình nghị sự, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 11-11-2011 tới.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065