Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh |
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng Điều 84 của dự thảo Luật khó khả thi khi quy định khu tái định cư phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà nêu ví dụ ở Hà Nội, nơi có nhiều dự án nên nhu cầu tái định cư rất lớn. Khi xây dựng khu tái định cư sẽ phục vụ cho nhiều dự án (có sử dụng đất bị thu hồi) nên khu tái định cư có thể tốt hơn nơi ở cũ của người này nhưng tại kém hơn nơi ở cũ của người kia.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu cho rằng: “Cần thực hiện nguyên tắc bồi thường ngang giá. Giá tính bồi thường phải đủ mua được mảnh đất tương đương và giá khu tái định cư cũng phải được quy định theo nguyên tắc này”.
Cũng về vấn đề này đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Khi được bồi thường vì bị thu hồi đất, phải bảo đảm người dân không phải bỏ thêm tiền để mua nhà, mua đất mới, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống ở nơi ở mới ”.
Còn đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) đề nghị Nhà nước phải đa dạng hình thức trả tiền bồi thường cho chủ sở hữu quyền sử dụng đất, có thể nhận tiền bồi thường một lần và cũng có thể nhận tiền bồi thường nhiều lần.
“Sở dĩ như vậy, là vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ sở hữu đất khi nhà nước thu hồi thuộc thế hệ người cao tuổi sống nhờ vào tiền cho thuê một phần ngôi nhà, đất đai đang ở. Với hình thức nhà nước trả tiền bồi thường một lần như hiện nay người cao tuổi đứng tên chủ sở hữu đất được bồi thường chỉ có hai cách sử dụng: Một, giao hết tiền bồi thường cho con cháu và trở thành người lệ thuộc. Hai là gửi vào ngân hàng để hưởng tiền lãi hàng tháng, nhưng như vậy có nguy cơ rủi ro từ thị trường và phải thực hiện nhiều thủ tục chuyển đổi kỳ hạn tiền gửi”, bà Hạnh phân tích.
Do đó, cơ quan chịu trách nhiệm chi trả phải là cơ quan nhà nước. Đồng thời việc chi trả tiền bồi thường phải tính yếu tố trượt giá, góp phần giữ vững vị thế và nguồn sống của người cao tuổi trong xã hội hiện nay, khi người cao tuổi đối diện trước vấn đề nan giải là nhà nước thu hồi nhà ở, đất đai đang cư trú.
Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị bổ sung nội dung bồi thường khi giá đất quá thấp mà chi phí đầu tư trên đất lại rất cao. Đại biểu nêu bất cập ở địa phương như tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giá đất ở rất thấp, trong khi chi phí san tạo mặt bằng rất cao. Chi phí san tạo mặt bằng cho một mét vuông có thể gấp 5 đến 10 lần giá đất bồi thường cho một mét vuông đất ở.
“Do vậy, trong luật nên có quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét những trường hợp có chi phí đầu tư quá cao để bồi thường, hỗ trợ giảm bớt thiệt thòi cho người dân”, đại biểu Nguyễn Công Bình góp ý.
Đối với những trường hợp đền bù khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, đa số các đại biểu bày tỏ tán thành với quy định Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
Việc thực hiện quyền điều tiết của Nhà nước đối với trường hợp này được thể hiện cụ thể thông qua chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách thuế liên quan đến đất đai.
(Theo Chinhphu.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065