Ảnh chỉ mang tính minh họa
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết những "nút thắt" trong bộ máy tổ chức của Đại học 2 cấp sẽ là hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy.
Bộ máy chồng chéo
Đưa ra ý kiến của mình, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Long An) cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa 7 năm 1993, mô hình Đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính là giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung xây dựng đại học thành đại học mạnh, nhưng thực tế trong 24 năm qua mục tiêu này không đạt được.
Nguyên nhân theo ông, Đại học bao gồm các trường đại học thành viên và được tổ chức 2 cấp, tức là Đại học có bộ máy quản lý riêng của đại học và các trường thành viên lại có bộ máy quản lý riêng của mình đã dẫn đến bộ máy chồng chéo.
Tương tự, nếu ở cấp trên có Ban chức năng nào thì ở dưới các trường thành viên cũng có phòng tương ứng, chính điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực và cũng là nguyên nhân bất cập của mô hình và là sự cản trở phát triển của đại học.
"Việc quy định trong đại học có các trường đại học là đại học khác làm cho cả bộ máy chồng chéo, giảm hiệu lực, hiệu quả trong điều hành. Đại học trở thành cấp trung gian và phải hoàn thiện mô hình Đại học quốc gia, đại học vùng," Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.
Cũng theo đại biểu này, các chuyên gia và đặc biệt là Ngân hàng quốc tế đã có khuyến cáo nhận định mô hình đại học 2 cấp như Đại học quốc gia và Đại học vùng chỉ tồn tại ở Việt Nam và không có ở nơi nào trên thế giới.
Đại biểu quốc hội Đoàn Long An cho rằng, việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến cho tài năng tri thức năng lực hiện đang bị phân tán. Theo ông, Ngân hàng quốc tế góp ý sửa đổi luật lần này theo hướng, nên sắp xếp lại các trường đại học thành viên nằm trong đại học thống nhất một bộ máy, tổ chức để phát triển thành một đại học đa lĩnh vực tiến tới đào tạo và công nhận quốc tế.
"Những bất cập, vướng mắc trong tổ chức bộ máy của mô hình đại học và hệ quả của nó đã tồn tại trong 25 năm, đây là những vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục của Việt Nam được các cơ quan và đại biểu đề cập do vậy tôi kiến nghị Quốc hội sửa đổi bộ máy tổ chức của đại học theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 56, có thể tổ chức bộ máy một cấp, hoặc có thể sắp xếp lại tổ chức bộ máy đại học hoặc có thể bỏ mô hình này," Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.
Trong khi đó, Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Vũng Tàu) lại đề cập sâu đến vấn đề tự chủ của các trường đại học khi cho rằng, việc tự chủ trước đây đã thí điểm nhưng thực tiễn vẫn còn khoảng cách.
Nói thêm ý kiến này, Đại biểu Đoàn Vũng Tàu nhấn mạnh, dù trao cho trường được tự chủ nhưng lại khống chế việc tăng học phí cũng là một quy định "bó" cho các trường trong việc tự chủ.
"Tự chủ không nghĩa là buông để nhà trường tự bơi mà tự chủ này là nhà nước cũng có đầu tư và giống như bầu sữa đầu tiên và sau đó tùy theo thể trạng từng đứa con mà rút ra dần dần," Đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14
Nên chuyển từ bao cấp kinh phí sang đầu tư theo đặt hàng
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật giáo dục Đại học, Đại biểu Hồ Thanh Bình (Đoàn An Giang) cũng tán thành việc phải trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Theo ông, qua nhiều phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và thông qua các hội thảo khoa học, dự thảo luật lần này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện khá tốt.
Đặc biệt là các quy định về hội đồng trường, cơ chế tự chủ đại học, hoặc các vấn đề liên quan mô hình trường, vấn đề sử dụng tài sản của nhà trường… các nội dung này đã được Ban soạn thảo điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.
Đại biểu Hồ Thanh Bình cũng khẳng định, chính sách về tự chủ đại học đã được xem xét cẩn thẩn, kỹ lưỡng trong dự thảo luật lần này. Trong đó, có các quy định về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… đã được quy định khá chi tiết, rõ ràng và tường minh.
"Nếu dự thảo luật được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học phát triển và tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ đại học. Tuy nhiên cơ chế, chính sách đã tốt rồi, vấn đề còn lại là vận dụng, triển khai vào thực tiễn như thế nào. Mong rằng sẽ có sự đồng bộ từ chủ trương cho đến hiện thực," Đại biểu Hồ Thanh Bình nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, Đại biểu Đoàn An Giang cũng đề nghị Nhà nước không “bao cấp” kinh phí hoạt động cho các trường, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu tư theo đặt hàng, đầu tư theo nhu cầu xã hội. Theo ông, cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường đại học để có được nguồn đầu tư của nhà nước. Đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào “bao cấp” của Nhà nước”.
"Đây là xu thế trên thế giới, có nhiều nước đang thực hiện theo phương thức này. Nhà nước cấp kinh phí, các trường phải cạnh tranh thông qua đấu thầu để có được nguồn tài chính đó. Theo đó, các trường sẽ phải chủ động xây dựng nguồn lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các trường khác," Đại biểu Hồ Thanh Bình nói thêm
Cùng quan điểm này, Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) cho biết, đã đến thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở giáo dục đại học. Mở rộng thể chế quản lý hành chính và quản lý về mặt kinh tế, để các trường tự quyết định chiến lược phát triển của mình, từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên. Lấy sinh viên là trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường.
Với ý kiến này, theo Đại biểu Vũ Trọng Kim, bộ máy lãnh đạo nhà trường phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động nhưng không được chệch hướng và trái với quy định của Nhà nước. Hơn nữa, khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, từng tập thể của nhà trường sẽ phải vận động, đổi mới sáng tạo để đào tào cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu của sản xuất, yêu cầu của công việc, đó mới là điều quan trọng.
Ông cũng đề nghị không nên tồn tại cơ chế “bao cấp” như hiện nay mà thay vào đó sẽ chuyển sang cơ chế đầu thầu “đặt hàng”. Tức là để có được nguồn kinh phí của Nhà nước thì các trường phải cạnh tranh thực sự.
"Như vậy, có thể nói cơ chế tự chủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các trường đại học. Đồng thời tạo ra điểm mới có tính đột phá trong tư duy, sáng tạo và hành động của ban lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo nhà trường có chiến lược tốt sẽ giúp nhà trường phát triển và sẽ thu hút đông đảo sinh viên giỏi vào trường. Và sau khi ra trường, các em có việc làm ngay, được thị trường tiếp nhập và không phải đào tạo lại," Đại biểu Vũ Trọng Kim chia sẻ thêm.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065