Ngày 19-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu đóng góp ý kiến nhiều nội dung trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu tại hội trường về dự án Luật Đất đai
Sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Công tác tài chính đất đai, giá đất còn bộc lộ những yếu kém. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập và thể chế hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đòi hỏi phải sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 một cách toàn diện. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này gồm có 14 chương và 192 điều. So với Luật Đất đai năm 2003 tăng thêm 7 chương và 46 điều.
Sau kỳ họp này, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm (5-2013). Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đóng góp 6 ý kiến quan trọng Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính Phủ về sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu sửa đổi Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội chưa thực sự tạo được bước đột phá, cần nhấn mạnh hơn nữa mục tiêu cải cách thủ tục hành chính về đất đai, quản lý chặt chẽ đất đai đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; hạn chế tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng trong toàn bộ dự thảo luật, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu về đất đai chưa được cụ thể hóa thành các chế định, các điều luật cụ thể. Các chế định về quản lý, sử dụng đất trong dự thảo luật lại thể hiện tinh thần sở hữu nhà nước đất đai, trong khi nhà nước thực chất chỉ là người đại diện của chủ sở hữu theo ủy quyền. Đề nghị, dự án luật phải làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân”; cơ chế để nhân dân thực hiện quyền sở hữu của mình; nhiệm vụ “đại diện chủ sở hữu”; quyền nào thực hiện thông qua Quốc hội và HĐND các cấp, quyền nào thực hiện thông qua chính phủ và UBND các cấp. Mặt khác, dự thảo luật quy định quyền hạn và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với đất đai, nhưng chưa phân biệt rõ quyền hạn và trách nhiệm đó do chủ sở hữu ủy quyền hay việc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của nhà nước. Chính vì vậy, các quy định về vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử rất mờ nhạt và thiếu một cơ chế để thực hiện nhiệm vụ giám sát một cách hữu hiệu. Thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân sẽ dễ dẫn tới lạm quyền, và đây chính là nguyên nhân của tham nhũng, khiếu kiện về đất đai đã không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Do đó, nhiệm vụ sửa luật lần này phải khắc phục được tình hình trên. Để đảm bảo quyền của “chủ sở hữu” trên thực tế, cần phải quy định cụ thể cơ chế giám sát của nhân dân, thông qua cơ quan đại diện nhân dân là Quốc hội và HĐND các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước với vai trò là đại diện của chủ sở hữu. Về các quy định cụ thể, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị thiết kế lại chương 2 và đổi tên thành chương: “Chủ sở hữu về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu” nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân và tinh thần đó cần xuyên suốt các quy định của dự án luật. Đồng thời, bổ sung vào chương này quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của nhà nước với tư cách là đại diện của chủ sở hữu về đất đai và chức năng quản lý của nhà nước đối với đất đai. Vấn đề thu hồi đất (Chương 5): Dự thảo đã quy định cụ thể hơn các trường hợp thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội; thu hồi đất do vi phạm luật đất đai; thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Đây là điểm tích cực của dự thảo sửa đổi, các quy định này là căn cứ để xác định tính đúng đắn của quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên việc giao thẩm quyền thu hồi đất cho chủ tịch UBND vẫn thiếu cơ chế giám sát, chưa thể hiện được vai trò của chủ sở hữu, của nhân dân về đât đai. Do đó, cần quy định cơ chế giám sát về quy hoạch, về sự cần thiết, hiệu quả và khách quan. Phương án thu hồi đất phải được công khai trước dân bằng hình thức cụ thể. Tóm lại, phải có cơ chế giám sát cụ thể, hiệu quả của nhân dân một cách trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan dân cử đối với việc thu hồi đất ngay từ việc ra chủ chương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện dự án. Đây là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chính sách thu hồi đất không vì lợi ích công cộng, đảm bảm nguyên tắc Hiến định: “Đất đai là sở hữu toàn dân”.
Vũ Ngọc Long (ghi)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065