Trong hai ngày 15 và 16-11, theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ (Bình Phước) đóng góp nhiều nội dung vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ phát biểu góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp mới giảm 1 chương, 21 điều ; 18 điều giữ nguyên; 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ cơ bản nhất trí với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đồng thời đóng góp ý kiến vào một số nội dung của dự thảo và thể hiện chính kiến về một số phương án mà ban soạn thảo đưa ra. Cụ thể như sau:
Quy định về các thành phần kinh tế (điều 55), đề nghị Hiến pháp không liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế trong Hiến pháp mà chỉ chỉ xác định: Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế.
Cũng trong điều 55, đề nghị bỏ khoản 2: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
Quy định “Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển” là không rõ nghĩa. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế, vậy các thành phần kinh tế còn lại có là động lực không?
Mặt khác, hiện chưa thể xác định mô hình của từng thành phần kinh tế như quy định tại điều 55 dự thảo. Cụ thể kinh tế tập thể (kinh tế hợp tác xã, hộ gia đình…), kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (100% vốn đầu tư nước ngoài hay bao gồm cả loại hình kinh tế liên doanh với nước ngoài, có một phần vốn đầu tư của nước ngoài…)...
Về nguyên tắc hoạt động của kiểm sát viên, điều 114 quy định: Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân.
Quy định như vậy là mâu thuẫn, trái với nguyên tắc kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật. Nếu theo sự chỉ đạo của Viện trưởng VKS nhân dân thì không tránh khỏi trường hợp vi phạm nguyên tắc khi ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKS không đúng quy định của pháp luật. Đề nghị bỏ đoạn “... sự chỉ đạo của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân”.
Về chế định bảo hiến, theo hướng thành lập Hội đồng Hiến pháp hoặc Tòa án Hiến pháp, giữ vai trò là cơ quan bảo vệ Hiến pháp, một mô hình đã được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng và phát huy hiệu quả.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết của Quốc hội.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065