Trong phiên thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang phát biểu hội trường Diên Hồng sáng 31-5
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định tại Điều 7 rất dễ sinh bất cập trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, đối với hai trường hợp sau:
Thứ nhất, với trường hợp viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng sau đó cơ quan điều tra cũng tiến hành điều tra lại và ra kết luận điều ta bổ sung, song trong kết luận đó vẫn giữ nguyên kết luận ban đầu. Căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung này, viện kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của người này không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp này thuộc về cơ quan điều tra hay viện kiểm sát.
Thứ hai, tương tự như trên nhưng trường hợp tòa án đã tuyên hoặc quyết định đã công bố trong đó xác định bị cáo có tội nhưng sau đó bản án này lại bị kháng cáo, kháng nghị và bị tòa án ở cấp có thẩm quyền tuyên hủy bản án đó để điều tra lại. Sau đó cơ quan điều tra tiếp tục ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết quả điều tra ban đầu và đề nghị viện kiểm sát truy tố nhưng viện kiểm sát đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Vậy, với trường hợp này trách nhiệm bồi thường thuộc về tòa án hay cơ quan điều tra.
Theo quy định pháp luật, ai vi phạm người đó bị xử lý, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Hậu quả của việc cơ quan nào làm sai, trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà nước. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị dự thảo luật cần phải quy định cụ thể và xác định rõ giữa trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và hơn nữa đây còn là uy tín cũng như danh dự của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Về nguyên tắc bồi thường của nhà nước tại Khoản 2, Điều 4 quy định nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường, đại biểu Sang đồng tình với quy định việc bồi thường nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. Việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn. Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn, chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.
Qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại, tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan cò kè thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường. Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng, có thể là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, cũng như dễ lạm dụng trong quá trình bồi thường. Nếu chỉ quy định việc thương lượng theo nguyên tắc trên cũng khó thực hiện cũng như tính thực thi của luật không cao.
Do vậy, đại biểu Sang đề nghị cần có quy định cũng như giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lượng bồi thường trong quá trình bồi thường để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và công dân.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến đại biểu
Thay mặt cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thương lượng là nguyên tắc được áp dụng trong khi giải quyết bồi thường. Đây là cách tiếp cận chung của các nước và cũng là cách tiếp cận của luật hiện hành, mặc dù một bên là các cơ quan nhà nước và một bên là công dân. Trên tinh thần như vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, thương lượng ở đây tức là để thống nhất và bàn giữa các bên, tạo thỏa thuận trước khi quyết định thực hiện việc bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065