Một đồng nghiệp ở Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho biết, ở Đà Lạt hầu như các công sở, trường học, biệt thự, nhà dân đều trồng hoa anh đào bao quanh hàng rào, nhưng loài hoa này có nhiều nhất trên cao nguyên Lang Biang. Vào đầu mùa khô, tức khoảng tháng 10, anh đào vàng lá dần rồi rụng hết, chỉ còn trơ trọi cành nhánh khẳng khiu và “ngủ đông”. Khi đất trời chuyển mùa, vào khoảng giữa tháng 1, phố núi lạnh thêm cũng là lúc anh đào bừng tỉnh. Lúc này, mọi con đường, khu nhà đều được bao bọc bởi sắc hoa tím hồng lãng mạn. Và chị khẳng định, Đà Lạt sẽ không đẹp, không mộng mơ đến thế nếu như thiếu sắc thắm của hoa anh đào. Mùa hoa anh đào thường chỉ kéo dài chừng hơn nửa tháng nên những người yêu hoa phải “canh me” để có mặt tại Đà Lạt thật đúng lúc.
Du khách tham quan, chụp hình lưu niệm tại Thung lũng tình yêu
Đứa cháu tôi làm dịch vụ du lịch với 20 phòng nghỉ kiểu homestay ngay tại chân Thiền viện Trúc Lâm cho biết, năm nay hoa anh đào nở rộ đúng dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Kỳ nghỉ tết lại khá dài nên du khách về Đà Lạt đông đến độ nhiều tuyến đường bị kẹt liên tục. Nhiều gia đình, nhóm bạn không tìm được chỗ nghỉ, phải trải bạt sinh hoạt trên vỉa hè hoặc vào ở nhờ tại các chùa. Bản thân cháu cũng phải cho hai nhóm du khách trải bạt trong khuôn viên nghỉ tạm vì “cháy” phòng. Hèn gì mà dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, một nhóm bạn trẻ ở thành phố Đồng Xoài vì muốn có bộ ảnh đẹp với hoa anh đào đã phải “phượt” lên Đà Lạt bằng xe gắn máy bởi không đặt được phòng nghỉ.
Nhưng dù không còn được tạo dáng với hoa anh đào, tất cả thành viên trong đoàn đều không ngớt trầm trồ trước những khung cảnh rực rỡ của xứ sở ngàn hoa. Không chỉ tại những điểm du lịch nổi tiếng như Thác Prenn, Thung lũng tình yêu, Vườn hoa Đà Lạt... mà khắp mọi tuyến đường, thậm chí những vạt đất trống trên Đồi Cù cũng rực rỡ sắc hoa. Dường như chỉ cần găm cây xuống đất, tự nó sẽ hút những dưỡng chất trong lòng đất, tổng hợp khí trời trong trẻo của Đà Lạt để tạo nên sắc màu rực rỡ và hương thơm nồng nàn. Chính vì thế mà trong chuyến đi này, ai cũng hài lòng bởi đã có được những tấm hình rất đẹp với xứ sở ngàn hoa.
Hai đêm nghỉ tại Đà Lạt, thời tiết thay đổi, lại vừa từ nơi nóng nhất nước đến với Đà Lạt nên ai cũng thấm mệt và ngủ rất say. Và để cảm nhận thật đầy đủ cảm giác rét ngọt của Đà Lạt vào buổi sáng sớm, tôi đã phải “lên dây cót” rất kỹ với mấy bạn trẻ trong đoàn, rằng sáng sớm dậy đi bộ ra hồ Xuân Hương. Vậy mà vẫn phải đập cửa phòng ầm ầm các nàng mới chui ra khỏi chăn rồi vùng vằng xỏ giày, vừa đi vừa ngáp. Nhưng chỉ đi bộ một lúc, khi cơ thể dần ấm lên, ai nấy mới nhận ra rằng, thật đáng tiếc nếu không được hưởng cái không khí tuyệt vời khi đi vòng quanh hồ Xuân Hương vào sáng sớm và có thể dừng lại bất cứ chỗ nào để chụp vài tấm hình “tự sướng”. Mặt trời dần nhô lên, rọi những tia nắng đầu tiên xuống mặt hồ và hơi nước bảng lảng bay lên. Tôi chỉ muốn hít thật căng lồng ngực để nạp thật nhiều năng lượng trời ban.
Chỉ hai ngày lưu lại Đà Lạt, nhưng cảm nhận của các thành viên trong đoàn về mảnh đất, con người nơi đây thật tốt đẹp. Người Đà Lạt thường nói rất nhỏ nhẹ, kể cả khi họ đang bị “làm phiền”. Ấy là khi nhóm bạn trẻ trong đoàn sau khi đi bát phố, gặp mưa mà vẫn muốn được thưởng thức các món ăn vặt tại chợ Đà Lạt nên taxi vừa dừng là mở cửa chạy ào 5, 6 người vào một tiệm hoa đứng chờ mưa ngớt. Vậy mà bà chủ tiệm không rầy la gì, còn bảo mấy cô đứng dịch vào trong kẻo ướt giày.
Chị P.P.T, người từng sống tại Đà Lạt, nhưng vì bệnh viêm xoang của chồng nên phải đến Đồng Xoài lập nghiệp, hiện ba mẹ, anh chị em ruột vẫn ở Đà Lạt càng củng cố nhận xét của tôi về người Đà Lạt nhỏ nhẹ, tốt bụng. Chị T có người anh trai chạy xe chở khách. Nhưng suốt 2 ngày ở Đà Lạt, bất cứ khi nào, dù là đêm hay ngày, hễ chị T gọi “cầu cứu” là chỉ chừng 10 phút sau đã thấy người anh trai tới chở cả đoàn đi theo yêu cầu và miễn phí. Tôi ngại, bảo sao phiền anh ấy nhiều lần thế, ông anh cười hiền, bảo lâu lâu mới được phục vụ cô em mà. Dễ thương hết sức!
Rồi một người quen của gia đình tôi, đang sống tại huyện lỵ Lâm Hà, cách Đà Lạt 50 cây số. Tôi gọi cho em và nói đùa, tối nay cà phê tại Đà Lạt nha, em nhỏ nhẹ “dạ” và tôi quên luôn lời mời xã giao ấy. Ai dè 20 giờ, khi đang giao lưu với các anh chị em Hội Nhà báo tỉnh và Báo Lâm Đồng, em gọi điện bảo chị ra quán cà phê Phượng Tím ở số 11 đường Nguyễn Chí Thanh nha, em đợi. Tôi đành vội chia tay đồng nghiệp ở Lâm Đồng và ngạc nhiên hơn khi đi cùng em là một cô bạn thân. Hỏi em đi bằng gì, em bảo anh trai em chở. Thế anh ấy đâu? Ảnh đi công chuyện, khi nào muốn về thì gọi ảnh! Tôi thực sự cảm kích tấm chân tình của em, bởi mối quan hệ giữa em với gia đình tôi ở Đồng Xoài cũng chưa có gì là sâu sắc. Vậy mà chỉ một lời mời, em đã vượt 50 cây số trong đêm để đến với tôi. Câu chuyện giữa chúng tôi rì rầm đến 22 giờ. Tôi sốt ruột, bảo em về đi vì trời lạnh và đã muộn. Em nắm tay tôi, nói lần sau chị lên phải báo em trước để em đưa chị về Lâm Hà chơi, ở đó nhiều người quê Thanh Hóa lắm.
Nhất định rồi. Lần sau tôi sẽ đến thăm em, không hẳn vì có nhiều đồng hương mà bởi em và những người quanh em thật tử tế! Và tôi cảm nhận rằng, dường như khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, khung cảnh tuyệt đẹp đã tạo nên tính cách đặc trưng của người Đà Lạt, Lâm Đồng là tận tụy, hiếu khách.
Tôi chia tay Đà Lạt trong niềm tiếc nuối và mong ngày trở lại.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065