Nhớ lại những ngày tháng Tám lịch sử, cựu chiến binh Lê Hữu Dơng, thôn Tân Phú, xã Bù Nho (Phú Riềng) nay đã bước sang tuổi 85 vẫn nhớ như in giờ phút cướp chính quyền tháng Tám năm 1945. Ông khẳng định: “đó là mốc son thay đổi vận mệnh không chỉ tôi mà cả dân tộc Việt Nam”.
NHẤT TỀ ĐỨNG LÊN CƯỚP CHÍNH QUYỀN
Trong ngôi nhà khang trang trên vùng đất mới Bình Phước, cựu chiến binh Lê Hữu Dơng vẫn không quên hình ảnh hào hùng của những ngày cướp chính quyền tháng Tám năm 1945. Ông Dơng kể lại: “Ngày cướp chính quyền về tay nhân dân, tôi đã 15 tuổi, đang học chữ trong làng và tham gia đội thiếu niên tiền phong. Do nhà nằm sát quốc lộ 1, cách trung tâm hành chính và quân sự huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chỉ chừng 1km nên tôi chứng kiến rõ từng đoàn người nườm nượp hò hét, kéo nhau về trung tâm huyện lật đổ chính quyền thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến mục nát”.
Bước qua tuổi 85 nhưng ông Lê Hữu Dơng vẫn tích cực góp ý kiến xây dựng đảng và các hoạt động tại cơ sở
Xã Tiêu Dương (một xã của huyện Tĩnh Gia bấy giờ) cùng với nhân dân trong huyện nổi dậy đoàn kết cướp chính quyền về tay nhân dân, đồng thời đẩy mạnh phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và kiên cường bám đất, bám làng, xây dựng cơ sở cách mạng. Tiêu biểu là chiều ngày 19-8 và rạng sáng 20-8-1945, dưới sự chỉ đạo của mặt trận Việt Minh, hàng ngàn người dân ở các làng khác đem theo băng rôn, khẩu hiệu kéo về khu trung tâm hành chính bắt tên tri huyện. Nhân dân phối hợp với du kích tiêu diệt bọn lính trong các đồn bốt Pháp đang tìm đường tháo chạy.
Trước đó, tổ chức thanh niên “xít cút” (thực chất là thanh niên cứu quốc) trong làng đã tổ chức những đợt mít tinh, diễu hành kéo đi rầm rầm về trung tâm huyện. Tham gia trong đội thiếu niên tiền phong (một bộ phận của thanh niên cứu quốc), Lê Hữu Dơng đã cùng các anh chị, các bạn say sưa hát những bài ca yêu nước như Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Lên đàng, Tiến quân ca, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít... Chính những lời ca ấy đã góp phần cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền. Và chỉ sau 2 ngày vùng lên với tinh thần quật cường, chính quyền đã thật sự về tay những người dân lao động.
LAN RỘNG PHONG TRÀO BÌNH DÂN HỌC VỤ
Sau khi chính quyền đã về tay dân cày, Chính phủ ban sắc lệnh diệt giặc đói, giặc dốt. Từ đó, phong trào bình dân học vụ được lan rộng khắp cả nước. Ông Dơng cho biết: “Vùng quê tôi bấy giờ người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gia đình tôi có 5 anh em trai thì tôi may mắn được biết chữ. Do đó, khi làng mở lớp bình dân học vụ, những người biết chữ được huy động tham gia dạy học. Chúng tôi là thế hệ đầu tiên trong làng dạy bình dân học vụ. Lớp học được tổ chức vào ban đêm ở dưới hầm hoặc trong nhà dân. Chúng tôi dạy đủ thành phần và mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, để thúc giục người dân học chữ, ở quê tôi và một số nơi đã dựng lên cổng ở đầu chợ. Người muốn vào chợ phải đọc chữ, ai đọc được thì đi vào bằng cổng chính, còn ai không đọc được phải đi qua “cổng mù”. Ở các bến sông, cổng làng, đình, chùa... đều được dán các băng rôn có đánh vần i tờ hoặc những câu thành ngữ... để người dân tập đánh vần, học chữ. Ban đêm dạy chữ cho người dân, ban ngày một số thanh thiếu niên như ông Dơng lại hăng hái tham gia đội thiếu niên tiền phong, đội thông tin tuyên truyền. Nhiệm vụ là tham gia ca hát, biểu diễn văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh giành độc lập, động viên người dân đều đặn tham gia lớp bình dân học vụ và tuyên truyền vận động các đoàn thể theo nhiệm vụ cách mạng.
Đã 70 năm đi qua nhưng mỗi lần nhắc đến mùa Thu tháng Tám lịch sử, cựu chiến binh Lê Hữu Dơng lại bồi hồi xúc động và tự dặn mình phải tích cực để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ trong những buổi sinh hoạt “Ông kể cháu nghe”.
C.L
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065