Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định, nhờ có Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta từ thân phận nô lệ mới thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; dân tộc ta mới có độc lập, tự do và bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công là tất yếu và do nhiều nguyên nhân, ngoài nhân tố khách quan đóng vai trò quan trọng như: Diễn biến có lợi của tình hình thế giới và khu vực; sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... thì sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và khéo léo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định nhất. Vai trò đó được thể hiện rõ nét trong việc xác định chủ trương, đường hướng cách mạng; đoàn kết tập hợp quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp; chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa; dự đoán chính xác và kịp thời chớp thời cơ để phát động Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Cách mạng tháng Tám thành công đã để lại bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh tư liệu |
Loại trừ giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch phản động, sở dĩ đây đó vẫn có một số người với cái nhìn sai lệch cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam nổ ra là “ngẫu nhiên”, giành thắng lợi là do “ăn may”..., vì họ đã không nhận thức được tính tất yếu trong mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp. Cũng do không nhận thức được mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và yếu tố giai cấp trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, nên một số học giả nước ngoài đã không thấy rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta và sự hy sinh to lớn của nhân dân ta.
Ngay sau khi ra đời, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin, đường lối của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm cách mạng thế giới vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định con đường của Việt Nam là "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (1). Bám sát diễn biến mới của tình hình, những tư tưởng, đường hướng lớn trong Cương lĩnh đầu tiên (tháng 2-1930) liên tục được Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương VIII (tháng 5-1941), Đảng ta chủ trương nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của bộ phận, của giai cấp. Để tập hợp, đoàn kết rộng rãi quần chúng nhân dân và phát triển lực lượng chính trị, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (gọi tắt là Việt Minh). Chủ trương, đường lối của cách mạng được Đảng ta xác định là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trước những biến đổi mau lẹ của tình hình thế giới, Đảng ta rất chú trọng đến phát triển tình thế cách mạng, tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ. Những chủ trương, đường lối được xác định tại Hội nghị Trung ương VIII tiếp tục được Đảng ta phát triển, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của cách mạng. Rõ nhất là vào tháng 3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Rồi sau đó, đêm 13-8, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Ngay sau khi thành lập, Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng đã gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền... Nhờ có những chủ trương, đường lối đúng đắn, những quyết sách kịp thời của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển, liên tiếp giành thắng lợi và đi đến thành công. Để đem đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và nhân dân ta đã phải trải qua 15 năm đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh. Phong trào cách mạng có những lúc lâm vào thoái trào do bị giặc khủng bố trắng, đàn áp dã man. Các cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo nhân dân tiến hành trước tháng 8-1945 là các cuộc diễn tập quan trọng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Điều này càng thêm cơ sở để khẳng định, đây thực sự là một cuộc cách mạng chứ không phải là "ngẫu nhiên" hay chỉ là một cuộc "khởi nghĩa" như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sau Hội nghị Trung ương VIII, Đảng ta liên tiếp ban hành các chỉ thị tăng cường công tác lãnh đạo, trong đó vạch rõ phương hướng đấu tranh của quần chúng xây dựng lực lượng chính trị, phát triển LLVT, xây dựng căn cứ địa cách mạng tích cực chuẩn bị cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám.
Đảng ta xác định rõ, xây dựng lực lượng chính trị là nhiệm vụ căn bản quyết định của cách mạng Việt Nam, chỉ khi nào chính trị mạnh mới lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là quyết sách đúng đắn và kịp thời. Dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, nhiều tổ chức, đoàn thể, lực lượng đoàn kết yêu nước đã ra đời và tập hợp thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự phát triển không ngừng của cách mạng đã tạo nên uy tín lớn giúp Mặt trận Việt Minh tập hợp được lực lượng quần chúng đông đảo, đồng thời tạo ra uy thế chính trị đối với bọn đế quốc, phong kiến.
Từ chủ trương tổ chức, lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trên cơ sở lực lượng chính trị đã được xây dựng, khi tình thế cách mạng xuất hiện, Đảng ta đã từng bước xây dựng LLVT cách mạng. Đặc biệt ngày 22-12-1944, tại Khu rừng Trần Hưng Đạo-Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chính thức ra đời. Nhiệm vụ quan trọng của Đội là tuyên truyền, vận động nhân dân nổi dậy gây dựng cơ sở chính trị, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến. Cùng trong khoảng thời gian này, trên địa bàn cả nước, nhiều đội du kích được thành lập, sau phát triển thành các đội Cứu quốc quân. Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (tháng 4-1945), Đảng ta quyết định thống nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành tổ chức Việt Nam Giải phóng quân. Đây là lực lượng nòng cốt cho đấu tranh giải phóng giành chính quyền tháng 8-1945.
Để bảo đảm an toàn bí mật và bảo vệ lực lượng cách mạng, nhất là LLVT, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng các căn cứ địa cách mạng (sau phát triển thành an toàn khu). Pác Bó-Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng đầu tiên được xây dựng. Tiếp đó, Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai được thành lập (2-1941). Đầu năm 1943, Căn cứ Cao Bằng-Bắc Sơn được nối liền. Sau đó căn cứ địa được mở rộng ra 6 tỉnh: Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái. Tháng 6-1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc và trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Sự ra đời của căn cứ địa cách mạng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lực lượng cách mạng, bảo vệ cán bộ lãnh đạo, đồng thời tạo điều kiện cho Đảng nắm bắt tình hình kịp thời chỉ đạo cách mạng cùng với xây dựng LLVT, xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng. Căn cứ địa cách mạng-an toàn khu được xem là nét sáng tạo, độc đáo mang tầm chiến lược của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, vì nó chưa từng có trên thế giới và trong lịch sử giữ nước của dân tộc... Đúng như nhận định, vào khoảng giữa năm 1945, tình hình thế giới diễn biến hết sức mau lẹ theo chiều hướng có lợi cho các lực lượng tiến bộ. Khi đó kẻ thù trực tiếp của nhân dân Việt Nam là phát xít Nhật đã bị Hồng quân Liên Xô và các lực lượng đồng minh đánh bại... Nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc phát động toàn dân nổi dậy Tổng khởi nghĩa. Và điều gì đến tất phải đến, Cách mạng Tháng Tám năm 1945-cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa đầu tiên trên thế giới do giai cấp công nhân lãnh đạo đã nổ ra và giành thắng lợi.
Những diễn biến cơ bản nêu trên đã minh chứng rõ vai trò của Việt Minh, của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với đất nước nói chung và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nói riêng là hết sức to lớn, là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công không thể là sự "ngẫu nhiên" mà là tất yếu của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là điều không ai có thể phủ nhận được.
Nguồn QĐND
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, trang 2
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065