Hỗ trợ vốn kịp thời
Ở tuổi 60, nhưng hằng ngày ông Phan Văn Thanh Hoàng ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập vẫn đều đặn lái xe ba gác đi xin lá keo về làm thức ăn cho đàn dê của gia đình. Trước đây, ông Hoàng từng nuôi bò nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên năm 2015, ông chuyển sang nuôi dê vì thị trường đang rất ưa chuộng loại thực phẩm này. Được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Hoàng mua dê giống và đầu tư chuồng trại chăn nuôi. “Từ 5 cặp dê giống đến nay gia đình đã phát triển đàn gần 100 con. Dê thịt được thương lái đến tận chuồng thu mua với giá từ 70-90 ngàn đồng/kg, mỗi lứa xuất bán tôi thu về 40-50 triệu đồng. Ngoài bán dê thịt, tôi còn có thêm nguồn thu từ bán dê giống và phân dê. Với số vốn ban đầu 30 triệu đồng, đến nay đàn dê của gia đình đã trị giá trên 200 triệu đồng. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng chuồng trại để nuôi số lượng lớn” - ông Hoàng chia sẻ.
Được vay vốn kịp thời, anh Lê Xuân Sơ ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đầu tư trồng tiêu và nuôi dê
Cùng ở thôn 19/5, anh Lê Xuân Sơ cho biết: 3 năm trước, 2 ha cao su của gia đình bị lốc xoáy làm gãy đổ gần hết. Cao su là nguồn thu chính của gia đình, bỗng chốc bị gãy đổ, tôi buộc phải cưa hết vườn để chuyển đổi cây trồng mới. Trong lúc khó khăn, tôi được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 30 triệu đồng mua tiêu giống và cây ăn trái. Tận dụng lá keo từ nọc tiêu, tôi mua 3 cặp dê về nuôi, đến nay trong chuồng luôn duy trì khoảng 30 con dê các loại.
Với mục đích tạo ra cơ chế liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở nông thôn, Tổ liên kết nuôi dê xã Đức Hạnh thành lập đang mở ra hướng đi phù hợp, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường. “Hiện giá dê ở mức cao, giúp nông dân có thêm động lực bám trụ với vật nuôi này, tổ liên kết nuôi dê từ đó cũng gắn kết thêm hội viên và tăng số lượng đàn. Mỗi hộ tham gia tổ đều được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Xã đang có 10 hộ liên kết nuôi dê với số lượng từ 30-100 con/hộ. Nhờ nuôi dê kết hợp trồng trọt mà nhiều hộ đã thoát nghèo” - anh Nguyễn Duy Hòa, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh cho biết.
Cùng nông dân vượt khó
Vợ bị bệnh tim, 2 con bị bệnh động kinh, gia đình anh Trần Văn Minh ở ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú gặp rất nhiều khó khăn. Hội Nông dân xã đã lập danh sách và giúp anh nhanh chóng hoàn thiện thủ tục vay vốn. Từ vốn vay 60 triệu đồng, anh xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò giống về nuôi. Sau 2 năm, gia đình anh có 4 con bò và hiện 2 con bò giống sắp sinh lứa thứ hai. “Lúc đầu, tôi chưa biết gì về nuôi bò, nhất là lúc bò bị bệnh hay sinh nở, được hội và cán bộ thú y hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc nên dần thành thạo. Giờ có bò thịt bán, gia đình tôi cố gắng trả hết nợ để thoát nghèo” - anh Minh cho biết.
Trước đây, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Xứng ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long phụ thuộc vào cây nhãn và quýt đường. Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế của các loại cây này giảm sút nên gia đình ông mạnh dạn chuyển sang trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Để đầu tư vào vườn bưởi cần chi phí rất lớn, trong khi vốn gia đình ít ỏi. Nhờ 50 triệu đồng vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông đầu tư mua máy móc, thiết bị lắp đặt hệ thống tưới tự động, cung cấp nước cho 4 ha bưởi da xanh. Đến nay, vườn bưởi của gia đình ông đã có 100 cây đang cho thu hoạch và 600 cây 3 năm tuổi.
“Trong quá trình cho vay, cán bộ hội tiến hành khảo sát hội viên có nhu cầu, ưu tiên lựa chọn hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện phát huy hiệu quả vốn vay. Các cơ sở hội còn thường xuyên đến các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng vốn của hội viên, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn. Toàn tỉnh đang có 68 dự án được đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền giải ngân hơn 31 tỷ đồng, cho gần 700 hộ hội viên vay phát triển kinh tế. Trong đó, 17 tỷ đồng là nguồn vốn do Trung ương hội ủy thác. Hội còn có trên 26 tỷ đồng đang được 11 đơn vị hội cấp huyện, thị quản lý và cho vay” - ông Nguyễn Văn Chơ, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết.
Qua nhiều năm triển khai, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành nguồn lực thiết thực, giúp nhà nông, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có vốn, được hỗ trợ kỹ thuật, hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng mỗi năm, tạo lực thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065