Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8 vừa qua, Cục Thuế tỉnh đã có Văn bản số 2265/BC - CT giải trình tình hình nợ thuế, theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 4012/UBND-KTTH ngày 29-11-2013. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùa bạn đọc và cử tri trong tỉnh về nội dung của văn bản này.
* Thực trạng tình hình nợ thuế đến 30-11-2013:
Căn cứ vào tình hình số lượng doanh nghiệp hiện đang quản lý, và số liệu khai thuế của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 11-2013. Tổng số nợ thuế của các công ty, doanh nghiệp trong toàn tỉnh là: 779.180 triệu đồng. Trong đó: Nợ khó thu: 223.054 triệu đồng; Nợ chờ xử lý: 2.047 triệu đồng; Nợ có khả năng thu: 554.079 triệu đồng. Nếu lấy số nợ 30-11-2013 so với 31-12-2012 thì tổng nợ tăng 44%. Trong đó, nợ khó thu tăng 81%; Nợ chờ xử lý giảm 76%; Nợ có khả năng thu tăng 35%. Trong 554.079 triệu đồng nợ thuế có khả năng thu thì có 101.444 triệu đồng tiền phạt nộp chậm lũy kế và 111.501 triệu đồng tiền nợ thuế của 56 doanh nghiệp công ty không còn khả năng nộp thuế (không phát sinh thuế, đang lâm vào tình trạng phá sản, tạm ngưng hoạt động nhưng không làm thủ tục phá sản, đã đình chỉ sử dụng hóa đơn).
Như vậy số nợ có khả năng thu thực tế dự kiến đến 30-11-2013 là 341.134 triệu đồng, [554.079 – (101.444 + 111.501) = 341.134 triệu đồng]. Về cơ cấu nợ (số nợ thuế + phạt) trên 90 ngày phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế chiếm tỷ lệ cao là: 441.527 triệu đồng, chiếm 80,64%. Nợ thuế + phạt dưới 90 ngày (chỉ đôn đốc nhắc nhở) là 104.612 triệu đồng, chiếm 19,36%. Phân theo khoản nợ thì thuế gián thu như (thuế GTGT, tài nguyên, tiêu thụ đặc biệt…) chiếm tỷ lệ cao là 74%. Nợ thuế trực thu (thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…) chiếm 4%. Số nợ còn lại là các khoản tiền phạt và nợ phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách khác chiếm 22%.
* Tình hình cưỡng chế:
Từ đầu năm 2013 đến nay, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 746 quyết định cưỡng chế thuế bằng các hình thức như: trích tài khoản tiền gửi, cưỡng chế qua bên thứ 3, kê biên tài sản bán đấu giá, đình chỉ sử dụng hóa đơn và thu hồ mã số thuế đối với 395 lượt đơn vị, với số tiền thuế, tiền phạt phải cưỡng chế là 349.451 triệu đồng, qua công tác cưỡng chế đã thu hồi được 22.810 triệu đồng tiền thuế, tiền phạt vào ngân sách (Biểu số 3 đính kèm). Việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế chủ yếu bằng biện pháp trích tiền gửi ngân hàng để nộp ngân sách, đối với biện pháp kê biên tài sản bán đấu giá tài sản kê biên hầu như chưa thực hiện được do các đơn vị không có tài sản hoặc nếu có tài sản thì tài sản đã được đem thế chấp ngân hàng.
Qua công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục thuế Bình Phước đã có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các chi cục thuế hàng tháng về công tác thu nợ, công tác cưỡng chế nợ thuế. Hàng tháng ban hành 100% thông báo nợ thuế đến các doanh nghiệp còn nợ đọng thuế, từ đầu năm đến nay cơ quan thuế các cấp đã ban hành hơn 20.000 lượt thông báo nợ thuế các loại đến người nộp thuế và ban hành kịp
thời các thông báo áp dụng cưỡng chế nợ thuế đến người nộp thuế có số thuế nợ đọng trên 90 ngày theo quy định. Tuy nhiên hiện nay các doanh nghiệp thuộc diện cưỡng chế nợ thuế hầu hết là các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng giải thể, phá sản do thua lỗ liên tiếp từ các năm 2011 đến nay và một số doanh nghiệp được thành lập với mục đích mua bán hóa đơn, trốn thuế (không có tiền vốn, tài sản....) do đó mặc dù đã tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được tiền thuế nợ.
Về doanh nghiệp thành lập mua, bán hóa đơn:
Qua công tác quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hiện nay ngoài các doanh nghiệp làm ăn chân chính còn rất nhiều doanh nghiệp thành lập với mục đích mua bán hóa đơn, đây là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản là chủ yếu và thành lập trên hầu hết địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh và tập trung chủ yếu ở huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long; Các doanh nghiệp này được thành lập nhưng không có tiền vốn, không có tài sản, không có hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là mua bán hóa đơn và không thực hiện nộp thuế.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao trong lĩnh vực kinh doanh nông sản này, cục thuế đã chuyển hồ sơ qua cơ quan công an điều tra xử lý như: Công ty TNHH Thiện Thông, Công ty TNHH Thành Khang, Công ty TNHH Vạn Thịnh Hưng, Công ty TNHH Quốc Dũng, Công ty TNHH chế biến Đức, công ty TNHH Ngọc Dung...
Nguyên nhân về cơ chế chính sách: Do việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng, doanh nghiệp không cần chứng minh năng lực tài chính, tài sản trước khi thành lập do đó một số doanh nghiệp lợi dụng thành lập ra nhằm mua bán hóa đơn, trốn thuế...
Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách gia hạn, hoàn thuế của Nhà nước xuất bán hàng hóa và kê khai hoàn thuế không đúng quy định, tuy nhiên khi hết thời gian gia hạn hoặc bị truy hoàn thuế thì không thực hiện nộp số thuế phải nộp và số thuế không đủ điều kiện hoàn thuế vào ngân sách;
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế theo quy định chỉ có 7 biện pháp và chưa có biện pháp đủ mạnh để răn đe (khởi tố hình sự) do đó các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, dây dưa nợ đọng thuế; Về tình hình kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế:
Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn mặc dù đã có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp khởi sắc là các doanh nghiệp mới thành lập còn các doanh nghiệp đang tồn tại đã thua lỗ trong năm 2011, 2012 đến năm 2013 các doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ dẫn đến nguồn vốn kinh doanh bị thu hẹp và đã rơi vào tình trạng giải thể, phá sản nhưng không làm thủ tục giải thể phá sản, không còn vốn kinh doanh do đó vẫn tiếp tục nợ thuế; Số tiền phạt chậm nộp ngày một tăng cao của các doanh nghiệp nợ đọng thuế không còn khả năng thanh toán nêu trên nhưng cơ quan thuế không phân loại qua nợ khó thu được do các doanh nghiệp không làm thủ tục giải thể phá sản do đó vẫn phải tính phạt chậm nộp. Một số doanh nghiệp được gia hạn đến hạn nộp nhưng không nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó còn nguyên nhân nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về tài chính; không ít doanh nghiệp đã giải thể, phá sản song nợ thuế vẫn bị treo.
Một số doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng giải thể, phá sản nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản, mà chuyển nhượng doanh nghiệp cho người khác (Công ty TNHH Anh & Em Nguyễn Tấn; Công ty TNHH Mai Hương) hoặc để các thành viên khác trong gia đình đứng tên thành lập công ty mới như: Công ty TNHH MTV TM-DV Ánh Xuân, Công ty TNHH Việt Anh; Công ty TNHH Thiện Ân, Công ty cổ phần Lê Gia; DNTN Phúc Huệ, Công ty TNHH MTV Thiên Phúc; Công ty TNHH Vân An, Công ty TNHH VAC; DNTN Xuân Mai, Công ty TNHH MTV Quốc Dũng; Công ty TNHH Linh Thương....;
Một số doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật thành lập nhằm mục đích mua bán hóa đơn (đã chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an xử lý) kê khai thuế nhưng không nộp hoặc nộp nhỏ giọt vì vậy tình hình nợ thuế ngày càng phức tạp và tăng cao như: Công ty TNHH MTV Vạn Thịnh Hưng, Công ty TNHH MTV Ngọc Dung, Công ty TNHH MTV Gia Hân, Công ty TNHH MTV Quốc Dũng, Công ty TNHH MTV Thành Khang, Công ty TNHH MTV Thiện Thông, Công ty TNHH chế biến Đức, Công ty TNHH Thiên Long, Công ty TNHH Lợi Lợi Phát... tổng số tiền thuế nợ của các doanh nghiệp này trên 120 tỷ đồng; Tính đến hết tháng 11-2013 cơ quan thuế các cấp đã chuyển qua cơ quan công an 77 hồ sơ đề nghị điều tra, xử lý (cụ thể: Văn phòng Cục chuyển 9 đơn vị, Đồng Phú: 24 đơn vị; Bù Gia Mập 2 đơn vị; Bù Đăng 20 đơn vị; Bình Long 5 đơn vị; Hớn Quản 2 đơn vị; Chơn Thành 5 đơn vị và Đồng Xoài chuyển 10 đơn vị), tuy nhiên cơ quan công an chưa có kết luận do tính chất vụ việc phức tạp, các doanh nghiệp mua bán lòng vòng....
Nguyên nhân chủ quan: Cơ quan thuế các cấp chưa phối hợp đồng bộ và kịp thời với các cơ quan chức năng khác trong việc tuyên truyền, cưỡng chế thuế, từ đó chưa nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nộp thuế trong việc chấp hành chính sách thuế;
Do thay đổi biện pháp quản lý thuế từ cơ chế chuyên quản của cơ quan thuế sang cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp nên việc đôn đốc thu thuế phát sinh hàng tháng còn thấp (chỉ đạt bình quân 60-70%), đồng thời ý thức chấp hành pháp luật về thuế của người nộp thuế chưa cao là nguyên nhân làm cho nợ đọng tăng cao.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nợ chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời.
Giải pháp và kiến nghị:
Giải pháp: Để thực hiện Cục thuế Bình Phước yêu cầu phòng QLN&CCNT, các phòng thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại cục thuế và chi cục thuế các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp cụ thể sau: Tiếp tục tổ chức triển khai hoạt động của 3 tổ chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2013 theo Quyết định 1737/QĐ-UBND ngày 20-9-2013, tổng hợp báo cáo kiến nghị Ban chỉ đạo các kết quả làm việc đề xuất các biện pháp xử lý theo quy định. Xây dựng và giao kế hoạch thu nợ theo từng tháng, chi tiết từng khoản thu, từng sắc thuế, từng địa bàn khu vực kinh tế cho các phòng, các chi cục thuế và từng cán bộ.
Phân tích diễn biến, tình hình nợ thuế của người nộp thuế, rà soát lại tất cả các khoản nợ thuế và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: đăng tải các doanh nghiệp nợ đọng chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng; Cưỡng chế bằng hình thức trích tài khoản ngân hàng, tổ chức thu hồi nợ qua bên thứ 3 đối với các doanh nghiệp nợ đọng trên 90 ngày và các doanh nghiệp hết thời gian gia hạn nhưng không nộp thuế vào ngân sách; Tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Ngân hàng Nhà nước trong công tác đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ đọng thuế; Rà soát các doanh nghiệp không còn tồn tại tại địa chỉ đăng ký kinh doanh có thông báo bỏ địa chỉ và phân loại nợ thuế nhằm giảm áp lực tăng tiền nợ thuế qua số phạt chậm nộp hàng tháng.
Trong thời gian vừa qua cục thuế đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch thanh, kiểm tra theo hướng tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao, qua công tác thanh kiểm tra đã chuyển hồ sơ qua cơ quan công an điều tra xử lý. Tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra những doanh nghiệp, công ty có dấu hiệu mua bán hóa đơn hoặc chiếm đoạt tiền thuế phối hợp với các ngành kiểm tra xác minh củng cố chứng cứ chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (các tổ kiểm tra được thành lập theo Kế hoạch 190/KH-BCĐ ngày 9-10-2013) nhất là những doanh nghiệp đang kinh doanh nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu nhằm trốn thuế (kiểm tra các doanh nghiệp cơ quan thuế đã đình chỉ sử dụng hóa đơn).
Áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật với biện pháp: không làm thủ tục công chứng, mua bán tài sản, đất đai và tạm dừng làm thủ tục cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với các đơn vị cố tình dây dưa nợ đọng tiền thuế, tiền phạt.
Rà soát báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh thực trạng hoạt động kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh hiện nay đang diễn biến phức tạp có dấu hiệu mua bán hóa đơn khống, thách thức pháp luật thuế; Trước mắt thông báo hóa đơn của các doanh nghiệp này không còn giá trị sử dụng nhằm ngăn chặn việc mua bán hóa đơn và chiếm đoạt tiền hòan thuế của Nhà nước...
Tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành như: Công an tỉnh, Sở Kế Hoạch - Đầu Tư, Sở Tài Nguyên - Môi Trường, Sở Tư Pháp, Quản lý thị trường, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà Nước, các cơ quan thông tấn báo chí như Báo Bình Phước, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thị xã và UBND các huyện, thị xã kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi nợ vào NSNN;
Tăng cường cán bộ và các nguồn lực cho công tác thu nợ.
Kiến nghị về xử lý nợ đọng thuế: Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường hỗ trợ cơ quan thuế trong việc chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế.
Đề nghị tổ xử lý nợ đọng và chống thất thu báo cáo Ban chỉ đạo và tổ thường trực giúp việc chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2013 theo Quyết định 1737/QĐ-UBND ngày 20-9-2013 có ý kiến tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Ban, ngành tiếp tục phối hợp cùng cơ quan thuế trong công tác xử lý nợ đọng đồng thời chỉ đạo cơ quan công an kiên quyết điều tra, khời tố và xử lý các đơn vị thành lập nhằm mua bán hóa đơn, trốn thuế.
Để giảm bớt áp lực nợ thuế và không tăng tiền phạt đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội cho khoanh nợ (không tính phạt chậm nộp) đối với các doanh nghiệp khó khăn đã ngưng hoạt động nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản.
Đề nghị UBND, HĐND tỉnh kiến nghị Bộ tài chính, Tổng cục Thuế cho phép được phân kỳ nộp thuế (không phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng - đối với các doanh nghiệp còn hoạt động) để các doanh nghiệp có kế hoạch nộp tiền thuế, tiền phạt vào Ngân sách theo đúng quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp;
Về cơ chế chính sách: Đề nghị HĐND, UBND chỉ đạo Sở KH-ĐT cần xem xét các quy định về việc thành lập doanh nghiệp (nhất là nhóm doanh nghiệp thành lập họat động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản) về tài sản, chứng minh nguồn vốn kinh doanh... trước khi cấp phép nhằm hạn chế các doanh nghiệp thành lập ra nhưng không kinh doanh và chỉ nhằm mục đích mua, bán hóa đơn.
Đề nghị Bộ Tài chính, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tổng cục Thuế kiến nghị với Chính phủ, Quốc Hội sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự theo hướng khởi tố đối với các tổ chức, cá nhân cố tình chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước (nợ thuế trên 90 ngày với số thuế nợ từ 100 triệu đồng trở lên); sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng bắt buộc các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh phải chứng minh tài sản, vốn là có thật và giám đốc doanh nghiệp phải có chứng chỉ hoặc bằng cấp cụ thể để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp ma để mua bán hóa đơn hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước; Kiểm soát chặt chẽ tình hình thanh toán qua Ngân hàng (các giao dịch đáng ngờ với số tiền chuyển lớn, lòng vòng...) nhằm hợp thức hóa chứng từ thanh toán lợi dụng chiếm đoạt tiền hòan thuế của Nhà nước.
Phó cục trưởng: Trần Văn Hướng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065