1. Là cấp phó trong công ty, lại từng có thời kỳ phục vụ quân đội nên trước khi nghỉ hưu, hắn được cơ quan đặc cách, bố trí xe và một khoản kinh phí tàm tạm lận lưng, hắn mang theo vợ con và một vài đồ đệ thân tín ngao du xuyên Việt. Gặp lại người quen và cả những người mới gặp lần đầu, hắn đều khoe khoang sự viên mãn của gia đình hắn. Rằng con lớn làm ở một công ty liên doanh nước ngoài, lương tháng vài ngàn đô. Con thứ hai làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đi nước ngoài như đi chợ. Còn vợ chồng hắn cứ nay Vũng Tàu, mai Nha Trang, ngày kia Sài Gòn, Huế để săn tìm của ngon vật lạ. Kết thúc đời viên chức mà như thế, hỏi mấy người dám mơ!
Đùng một cái, nhân một lần đến thăm người bạn làm ngành y, thấy hắn có những biểu hiện bất thường, người bạn khuyên nên đi kiểm tra sức khỏe. Và hắn rụng rời khi kết quả kiểm tra là hắn bị ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Đất trời như sụp xuống dưới chân hắn. Mấy căn nhà ở quê và ở thành phố mà hắn đủ cách xoay xở để có được, giờ đóng cửa im ỉm bởi cả hai vợ chồng “biên chế” luôn trong bệnh viện. Hắn không còn nói oang oang và luôn tay chỉ trỏ như trước mà chỉ thều thào. Những ngày nằm viện, hắn thèm gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng. Nhưng điều khiến hắn vô cùng ngạc nhiên là mới chỉ nghỉ hưu chưa đầy năm mà dường như toàn công ty đã quên hắn. Ngay cả những đồ đệ thân tín mới cùng hắn ngao du xuyên Việt trước lúc nghỉ hưu cũng lờ đi không thăm hỏi. Thậm chí có người còn nói, với ông ấy (là hắn), tất cả đều quy thành tiền hết nên bọn này đã thanh toán xong xuôi mọi việc với nhau rồi!
2. Nhà gần bến xe nên thi thoảng lại có người ở quê lỡ độ đường ở lại một hai hôm để tiếp tục hành trình. Mỗi lần như thế, chị lại đôn đáo ra chợ mua thêm chút thức ăn để bữa cơm không quá đạm bạc. Có lần, chị còn phải san sẻ áo quần, tiền bạc khi khách bị kẻ gian lấy trộm hết đồ. Nhiều lần như thế, con gái phụng phịu, chán quá, nhà mình lúc nào cũng khách khứa, mà toàn khách làm phiền, ghét nhất là phải ngủ chung với khách. Chị nghiêm giọng, nhà không có người lui tới là nhà vô phước đó con!
Rồi chị kể cho con nghe chuyện ngày xưa, bà ngoại đã từng phải sẻ đôi đấu thóc giống, đổ vào xay giã để có vài bơ gạo nấu cơm cho bạn của ông ngoại từ nơi xa tới. Sau này, chính con trai của người khách đó đã tìm việc làm cho cả ba người con của ông ngoại. Dù ông bà ngoại và ông khách năm xưa đều đã thành người thiên cổ, nhưng mối quan hệ của hai gia đình vẫn rất gần gũi, thắm thiết.
Bây giờ, con gái cũng đã thành người mẹ, người chủ gia đình. Thừa hưởng tấm lòng thơm thảo của bà, của mẹ, con gái cũng không ngần ngại chia xớt khó khăn với anh em, bè bạn, xóm giềng. Điều làm con gái rất tự hào là mỗi khi gặp lại những người bạn hay từng quen biết bố mẹ, con gái đều được nghe những câu chuyện ân tình. Con gái thầm nghĩ, lúc phải san đôi đấu thóc giống để xay giã, hẳn bà ngoại không nghĩ tới chuyện ân huệ sau này. Cũng như mẹ, khi te tái chạy ra chợ mua thêm chút thức ăn đãi khách hay phải san sẻ tiền bạc, áo quần, hẳn mẹ không nghĩ đến những câu chuyện ân tình mà người quen của mẹ sẽ kể. Nhưng con gái cảm nhận một cách sâu sắc bà, mẹ đã để dành cho mình những thứ mà tiền bạc không thể nào mua được. Nó như một thứ mạch nguồn trong lành, dịu ngọt mà con gái sẽ phải dành giữ cho con của mình.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065