Tổng thống Haiti trong lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Cùng quốc kỳ hai nước, băng rôn màu với hình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Michel Martelly chăng khắp các ngả đường. Cung cách nghênh đón phảng phất Lễ tân của thế kỷ trước lâu lắm rồi mới thấy lại? Tự dưng dậy lên cảm giác đồng cảm quen thân. Ngay cả vài cái sai lạc nho nhỏ khi đội quân nhạc cử Quốc thiều trong Lễ đón mà anh lính kèn da màu của đội nhạc binh thấy ai cũng toát lên nét chất phác hồn nhiên chân thành đáng mến cả!
Cuối 2011, tôi có dịp theo chân những người thợ Viettel về xứ sở này. Trước thời điểm ấy một năm, Viettel chuẩn bị triển khai kế hoạch làm ăn lớn ở Haiti, một quốc gia xa ngái ở vùng biển Caribe thì đùng cái, một trận động đất kinh hồn làm xé toạc đất nước nghèo khó xác xơ này. Hàng trăm ngàn dân nghèo vốn quần cư trong những lều trại tạm bợ phút chốc bị úp chụp trong những cái chết thương tâm. Trên đống đổ nát hoang tàn ấy, lại thêm những bất ổn này khác của các đảng phái chính trị đe dọa sự yên ổn mong manh của dân nghèo Haiti.
Thôi thì liền những cái đùng khủng khiếp, Viettel chỉ có nước là kéo quân về. Nhưng rồi một sự lạ đã xảy ra!…Chàng ca sĩ ấy bằng xương bằng thịt, quần bò áo phông với cái cười cởi mở trắng lóa trên khuôn mặt nâu rám mà tình cờ tôi đụng ở sân bay. Hóa ra ngài Tổng thống đi đón vợ. Còn mấy anh em thợ Viettel tiễn tôi về sau chuyến công tác gần nửa tháng ở Haiti. Bất ngờ tôi thấy một chú em ở Natcom bật kêu toáng lên với ai đó. Trời đất ơi, nhìn kỹ hóa ra là ngài Tổng thống! Mới đêm qua, ngài Tổng thống xuất hiện trong bộ đồ sang trọng của buổi lễ do Viettel tổ chức ngay tại thủ đô Port-au- Prince nhân sự kiện khai trương mạng di động của Natcom.
Khoáng đạt cùng lịch lãm, ngài Tổng thống cùng với Nguyễn Mạnh Hùng (khi đó là Phó TGĐ thay mặt Tập đoàn Viettel) sang Haiti tổ chức sự kiện quan trọng này.
Tổng thống Michel Martelly với anh em thợ Viettel và tác giả (ảnh chụp 2011)
Ông Tổng thống nụ cười trắng lóa ấy tiến lại ôm vai rất thân tình mấy chú em Viettel. Sau này họ nói lại là ông Tổng thống phong thái bình dân này thường hay xuống những cơ sở của Natcom. Chuyện trò thân mật và quen thân với nhiều thợ. Buổi ấy mấy anh em nhà báo cũng may mắn được ông Tổng thống kéo vào chụp ảnh cùng.
Nói theo cách của bạn. Thiên hạ đã quen với chiến lược kinh doanh ấy của Viettel. Và cũng có thể là cái cách để hiểu Viettel của từng người?
X.B
Buổi dạ tiệc hôm đó, tôi cũng được chứng kiến động thái ân cần khéo léo của Tổng thống khi ngài lựa món ăn cho vợ. Trong câu chuyện vội bên bàn tiệc, một câu hỏi mà tôi cho là dở của chính mình, thưa phu nhân, bà có nhận xét gì về sự có mặt của Viettel trong Liên doanh Natcom?
Cảm giác hơi nản khi tôi đợi câu trả lời chung chung và khách sáo những là tốt rất tốt.
Nhưng Tổng thống phu nhân đã không trả lời như tôi nghĩ!
Mà là một câu chuyện.
Như nhiều quốc gia kém phát triển, Haiti có những chuyện buồn mà người ta quen dùng từ vấn nạn xã hội. 20.000 người, những các bà, các chị, các cô không có chồng hoặc chồng mất đã phải nuôi dạy con trong điều kiện hết sức khó khăn. Bà vợ Tổng thống đã lập ra cái Quỹ nhằm mục đích cứu trợ cho họ. Nhưng hoạt động cầm chừng không mấy hiệu quả vì vốn ít. Chính đang lúc khó khăn ấy thì Viettel mà cụ thể làNatcom đã ủng hộ nhiệt thành hào phóng cho Quỹ.
Thói thường, khi đã có lãi và khi đã ăn nên làm ra thì người ta mới tài trợ mới an sinh xã hội, đằng này Viettel đã làm theo cách của mình hay là khôn ngoan theo cách của Viettel? Thay vì bỏ tiền khoán trắng cho các công ty quảng cáo ra rả trên các phương tiện truyền thông với vô số hình thức thấu tai bắt mắt trên thị trường Haiti, thì Viettel đã lẳng lặng tài trợ không những cho công ty của bà phu nhân Tổng thống mà xây dựng hệ thống chính phủ điện tử cho Haiti và hệ thống chính quyền. Cấp máy tính cùng Internet miễn phí cho hàng trăm trường học. Và tiền cho các bệnh viện, vùng sâu vùng xa đang thiếu đói của Haiti vv..
Những đồng tiền cho đi một cách hữu hình trong thời điểm đang khó khăn, đang chưa lời lãi gì Natcom đã thu về những cái lợi vô hình. Và sự vô hình ấy sau này nếu quy ra thóc đã cấu thành nên khối lợi nhuận hàng chục triệu USD!
Khách hàng thuê bao có lẽ chỉ loáng thoáng biết một Viettel ăn nên làm ra, đương hùng mạnh với những kỳ những đợt hạ giá cùng nghĩa cử chăm sóc khách hàng qua các phương tiện truyền thông. Viettel mạnh? Mạnh cỡ nào thì có lẽ phải test, phải kiểm soát qua việc làm ăn, cạnh tranh với các công ty lớn ở nước ngoài mà cụ thể Viettel, phải qua cọ xát cạnh tranh với các công ty viễn thông từng lù lù án ngữ, từng nghênh ngang một mình một chợ viễn thông như ở thị trường Lào, Campuchia, Mozambique, Peru, …
Và thị phần viễn thông đã và đang chiếm những vị thế nhất nhì…
Và chẳng phải ngẫu nhiên, với những ngang bằng sổ thẳng, những lợi nhuận lợi thế của Viettel của Natcom ở thị trường Haiti đã hợp sức bầu nên một cú hích cho mối quan hệ của hai quốc gia. Thủ tướng Haiti cuối năm ngoái đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam cũng có sự góp sức thân ái tốt lành đắc lực của Viettel.
… Một căn phòng rộng trong khu liên hoàn khang trang đã mọc lên từ đống hoang tàn đổ nát do động đất thời điểm tôi đến năm ấy. Chàng ca sĩ nhạc Pop bữa nay trong lễ đón khách quý Việt, cái cười trắng xóa ngày nào như càng tươi tắn ấm áp hơn. Ông cười cởi mở: Các bạn vừa trải qua một chuyến đi dài vất vả. Nhưng tôi chứng kiến ở đây đầy đủ các Bộ trưởng tháp tùng đã có trong danh sách với những gương mặt tươi tắn có vẻ như đang sẵn sàng bàn thảo cùng những thành viên của nội các chúng tôi. Tôi có cảm giác chúng ta đang cùng nhau phác thảo một cuộc làm ăn lớn…
Một cuộc làm ăn lớn?
Tôi may mắn được ngồi với một thành viên trong cuộc hội đàm của chuyến thăm. TGĐ Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Cảm tưởng hình như có 3 việc lớn thì Viettel đã can dự hai.
Cầu nối hay những gợi ý đồng thời là những cú hích để Haiti cần gấp có một nhà máy điện, có phải là từ những ngày gian nan nhọc nhằn Viettel kéo cáp xây trạm BTS (trạm thu phát gốc) trong điều kiện điện đóm phập phù?
Một cuộc hội đàm nữa kế theo được tiến hành gấp nhằm bàn thảo cụ thể việc xây nhà máy nhiệt điện diesel. Chưa rõ Bộ Công Thương Việt Nam hay Viettel Natcom ở Haiti sẽ là chủ đầu tư nhà máy điện có công suất 300 MW này? Nhưng sớm muộn cũng sẽ có những quyết định nhanh chóng của cả đôi bên.
Một hạng mục quan trọng nữa cũng được đề cập trong hội đàm. Mỗi năm Việt Nam cung cấp 200.000 tấn gạo với giá ưu đãi cho Haiti. Để việc đảm bảo an ninh lương thực vững bền dài lâu cho một đất nước luôn rình rập nguy cơ thiếu đói như Haiti thì phải có phương thức khác.
Phương thức đó là Haiti phải đẩy mạnh việc sản xuất lúa gạo. Các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sẽ được điều đến Haiti để giúp nông dân Haiti canh tác gieo trồng lúa. Ai sẽ trả tiền cho chuyên gia? Viettel! Ông Hùng mạnh dạn rằng Viettel sẵn sàng trả lương gấp đôi, thậm chí gấp 3 (so với chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở Cu Ba. Hiện họ hưởng 1.000-2.000 USD/ tháng).
Đối tượng sẽ nhắm đến không chỉ có trẻ và trung niên. Độ chín kinh nghiệm của một chuyên gia về nông nghiệp phải là hơi đứng tuổi một chút mới phong phú. Nếu thế thì chúng ta có đội ngũ chuyên gia hàng ngàn người, tuổi đời ngấp nghé hưu hoặc đã tầm hưu. Nếu họ sức khỏe còn khá dư dả để có những năm tháng làm lụng hoạt động sôi nổi ở xứ ngái xa như Haiti chẳng hạn sẽ được sử dụng.
Việc thứ 3 là quota hàng dệt may mà Hoa Kỳ đã ký với Haiti với mức thuế ưu đãi nhưng bạn đương thiếu năng lực đáp ứng. Haiti đang trông chờ vào lao động dệt may đến từ Việt Nam.
Và cuối năm ngoái, trong nhóm báo chí tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyến đi dự Hội nghị thường niên Đại Hội đồng LHQ ở New York, chúng tôi cũng được chứng kiến cuộc gặp bên lề thân mật, hữu ích giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Michel Martelly bàn về việc đẩy mạnh chất lượng của mối quan hệ bằng các hình thức hợp tác kinh tế. Tần suất cụm từ Viettel cùng là Natcom luôn xuất hiện trong cuộc gặp.