Quang cảnh Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Trưa 3-5, Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê hương nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, trong sáng 3-5, hơn 1.000 đoàn đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhiều lãnh đạo, đoàn ngoại giao, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Đồng chí Lê Đức Anh.
Đúng 10 giờ 45 phút, Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được cử hành trọng thể.
Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh...
Cùng dự còn có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.
Đồng chí Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã dự Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh; thành viên Ban Tổ chức Lễ tang; các cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể và đơn vị khu vực phía Nam đã dự Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh.
Dự Lễ truy điệu tại quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế; đại điện các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân đã có mặt trong giờ tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh.
Tại nhà thờ họ tộc của Đại tướng ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đông đảo người dân đã đổ về đây, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng trong niềm thương tiếc khôn nguôi.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Quốc thiều Việt Nam được cử hành để tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Đọc điếu văn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xúc động nêu rõ: Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 1-12-1920, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1937, khi mới 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Tháng 5-1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đồng chí luôn bám dân, bám địa bàn, hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng ở cơ sở từ tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, đến Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tại Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Thống Nhất-TTXVN)
Tháng 8-1945, đồng chí tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh luôn có mặt ở những địa bàn chiến trường trọng yếu, khó khăn, ác liệt. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí luôn vượt qua khó khăn, chỉ đạo tác chiến, xây dựng đoàn kết nội bộ, mở rộng vùng căn cứ, thể hiện phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, của người chỉ huy, mưu trí, dũng cảm, quyết đoán, quyết thắng.
Trên cương vị là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Khu 9, Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, đồng chí đã trực tiếp tham gia và chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, giữ vững thế tiến công, chủ động tấn công, lăn lộn với thực tế ở chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sỹ và đồng bào, góp phần cùng quân và dân ta giành được nhiều thắng lợi có tính chiến lược, như: cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng nhiều tỉnh, thành phố có vị trí chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Đồng chí là một trong hai sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận "chiến tranh nhân dân" và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.
Khi giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với tầm tư duy chiến lược, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tác phong sâu sát, đồng chí cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra và chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Là cán bộ lão thành cách mạng, được tôi luyện, vào sinh ra tử, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sỹ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao tri thức, sáng tạo, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ cả nước yêu quý, kính trọng, học tập và noi theo.
Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta.
Trong niềm xúc động, Thủ tướng bày tỏ: “Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, noi gương đồng chí, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước, trong đó có đồng chí đã trọn đời cống hiến; kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
"Chúng tôi mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.
Đại diện gia đình nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu cảm ơn, đáp từ tại lễ truy điệu
Đại diện gia đình, ông Lê Mạnh Hà, con trai nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc cùng lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đoàn thể, đơn vị; lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế, các cơ quan ngoại giao đoàn, đồng bào, đồng chí, bạn bè cũng như anh em họ hàng đã đến chia buồn, tiễn đưa cha mình về nơi yên nghỉ cuối cùng; gửi lời cảm ơn các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế đã quan tâm điều trị, chăm sóc hết lòng cho cha mình trong suốt thời gian qua, cho đến những giây phút cuối đời.
Con trai của Đại tướng Lê Đức Anh nghẹn ngào: ...Thưa ba, ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sỹ và bình dị như bao người dân khác, vượt qua 4 cuộc kháng chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thực sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi”...
"Gia tài của ba để lại cho con cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm, yêu thương và vị tha, nhân hậu. Chúng con thật vinh dự và tự hào được nhận món quà quý giá đó. Cảm ơn ba, chúng con chào ba, ba về bên mẹ, bên bạn bè thời kỳ khói lửa và thời bình yên. Vĩnh biệt ba”...
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đồng chí, đồng bào đã đi quanh linh cữu lần cuối tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Trong nền nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sỹ," Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ra cỗ linh xa, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được phủ Quốc kỳ trang trọng. Linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh rời Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) đi qua các tuyến đường: Lê Thánh Tông - Tràng Tiền-Hàng Khay-Tràng Thi-Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương-Phan Đình Phùng-Hoàng Diệu-Độc Lập-Hoàng Văn Thụ-Hùng Vương-Thanh Niên-Nghi Tàm, Âu Cơ-An Dương Vương-cầu Nhật Tân-Võ Nguyên Giáp - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đi Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ An táng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ diễn ra lúc 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065