Củ Chi là một trong những địa điểm du lịch dưới mặt đất hấp dẫn nhất thế giới, theo bình chọn của CNN ngày 19-11.
Sau đây là những điểm du lịch dưới lòng đất lý thú nhất thế giới trong danh sách của CNN:
1. Địa đạo Củ Chi
Hãng tin Mỹ miêu tả Củ Chi là hệ thống đường hầm được bộ đội Việt Nam sử dụng trong phần lớn thời gian chiến tranh Việt Nam diễn ra.
Du khách có thể được thấy khu sinh hoạt, bệnh viện, các lối tiếp tế và kho chứa đồ dưới đường hầm ngầm này, theo CNN.
|
“Hệ thống đường hầm dài 120 km này là một phần trong một hệ thống đường hầm chạy khắp cả nước và hiện đang được sử dụng như một bảo tàng chiến tranh. Du khách - hoặc là những người có thể chui lọt qua những cửa hang bé tí - có thể khám phá một số các đường hầm tại đây”, CNN cho hay.
|
2. Đường hầm thoát nước phòng lũ G-Can tại Tokyo (Nhật Bản)
Được xây vào năm 1992, đường hầm này nằm sau 50 m dưới lòng đất và dài 6 km.
Hầm chứa các máy bơm và bồn nước để giúp thủ đô Tokyo khô ráo trong suốt mùa mưa.
Đường hầm trông rất vĩ đại, với 59 cây cột khổng lồ.
Các tour tham quan đường hầm diễn ra 3 lần/ngày, từ thứ ba đến thứ sáu hàng tuần, dĩ nhiên là với điều kiện thời tiết cho phép.
3. Đường hầm Shanghai ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ)
Đường hầm Shanghai gồm một dãy các lối đi kết nối các tầng hầm bên dưới gồm nhiều quán bar và khách sạn ở Portland với khu vực ven Sông Willamette.
Được sử dụng vào những năm đầu thập niên 1800 để vận chuyển hàng từ tàu thuyền neo đậu tại con sông này, đường hầmShanghai được đặt tên theo quan niệm rằng nó có liên quan với từ “shanghaiing”, chỉ hành động bắt cóc người làm thủy thủ.
4. Hầm Greenbrier tại bang Tây Virginia (Mỹ)
Vào cuối những năm 1950, chính phủ Mỹ yêu cầu chủ sở hữu khách sạn 700 phòng Greenbrier tại Tây Virginia cho phép xây một trung tâm tái định cư khẩn cấp ngay bên dưới khách sạn này để làm trụ sở Quốc hội trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Chủ khách sạn đồng ý và địa điểm này giờ đây trở thành một trong những địa danh hút khách du lịch nhất bang Tây Virginia, theo CNN.
Tại căn hầm này, du khách có thể được ngắm cánh cửa nặng 25 tấn, một vài trong số 18 khu sinh hoạt, một bệnh viện và các phòng giải độc.
5. Đường hầm tại thành phố Moose Jaw (Canada)
Hệ thống đường hầm này được xây bên dưới trung tâm thành phố Moose Jaw vào đầu những năm 1900 nhằm mục đích bảo vệ các công nhân đường sắt người Trung Quốc khỏi bị bức hại bởi một phong trào phân biệt chủng tộc chống lại người nhập cư châu Á có tên gọi là Sự hủy diệt màu vàng.
Những gia đình người nhập cư châu Á đã sống dưới hầm ngầm này.
6. Thành phố Các Hang động ở Nottingham (Anh)
Cửa vào hệ thống các hang động nằm bên dưới thành phố Nottingham nằm ở trung tâm mua sắm lâu đời Broadmarsh.
Các hang động này được dùng làm nhà ở từ thế kỷ thứ 11 cho đến năm 1845.
Các nhà khảo cổ hiện vẫn đang tìm hiểu xem các hang này mở rộng đến đâu. Du khách tham quan nơi này có thể thấy các giếng nước và hầm cầu thời Trung Cổ.
7. Thị trấn dưới lòng đất Coober Pedy (Úc)
Đa số người dân tại thị trấn Coober Pedy ở nam Úc sống dưới lòng đất để tránh cái nắng nóng cháy da tại khu vực này.
Du khách có thể đến những cửa tiệm, nhà thờ, khách sạn và nhà hàng, tất cả nằm dưới lòng đất, tại thị trấn Coober Pedy với dân số 3.000 người.
Thị trấn dưới lòng đất này sản xuất 70% sản lượng chất opal (ôpan) trên thế giới.
8. Mỏ muối Wieliczka (Ba Lan)
Mỏ muối Wieliczka nằm dưới lòng đất ở thành phố Kraków của Ba Lan. Con người khai thác khai thác muối ăn liên tục trong mỏ từ thế kỷ 13 đến nay.
Mỏ có chiều sâu 327 m và dài hơn 300 km. Một đoạn đường hầm dài 3,5 km của mỏ muối này dành cho khách du lịch.
Trong mỏ này có các phòng được chạm khắc đẹp, các bức tượng của các nhân vật thần thoại lịch sử được chạm khắc trên muối mỏ, các nhà nguyện và triển lãm minh họa lịch sử của ngành khai khoáng muối mỏ ở Ba Lan.
Mỗi năm có 800.000 du khách tham quan mỏ muối Wieliczka.
9. "Đế chế người chết" dưới lòng Paris (Pháp)
Hầm mộ Paris, còn được gọi "Đế chế người chết", là một nghĩa địa dưới lòng đất ở thủ đô Paris của Pháp.
Đây vốn là một hầm mỏ cũ, nhưng sau đó được dùng để chứa các hài cốt kể từ năm 1786 .
Bên trong "Đế chế người chết" với các con đường hầm dài tổng cộng 321 km, những bộ xương, hộp sọ người được sắp xếp trên khắp các vách đường hầm, tạo ra bầu không khí u ám đáng sợ, tờ Daily Mail ngày 6.8 dẫn nguồn một chương trình phóng sự của đài CNN.
Xâm nhập "Đế chế người chết" bất hợp pháp sẽ bị phạt 60 euro (73 USD), người muốn thám hiểm những đường hầm ghê rợn này phải được người hướng dẫn đi kèm, theo CNN.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhóm thám hiểm xâm nhập "Đế chế người chết" bất hợp pháp và “cắm trại” tại những đường hầm sặc mùi chết chóc này trong nhiều ngày để thử độ gan lì của mình khi đối mặt với hàng triệu bộ hài cốt.
10. Cappadocia, (Thổ Nhĩ Kỳ)
Vùng Cappadocia của Thổ Nhĩ Ký có đến 200 thành phố dưới lòng đất được nối kế với nhau thành một mạng lưới địa đạo dưới lòng đất, có sức chứa hàng chục ngàn người.
Thành phố ngầm Derikuyu, là một trong những thành phố dưới lòng đất đặc sắc nhất ở Cappadocia, được tìm thấy dưới lớp tro bụi núi lửa vào giữa những năm 1960.
Derikuyu có rất nhiều phòng ốc, hành lang, đường ngầm bao phủ phạm vi rộng lớn, gồm nhiều tầng, và được tạc trong đá.
Thành phố ngầm này có sức chứa lên tới 20.000 người, với 20 tầng, sâu đến 100m.
11. Khu phố ngầm Mary King's Close (Scotland)
Mary King's Close là một không gian ngầm với những đường phố nằm dưới lòng đất Edinburgh, Scotland được xây dựng vào thế kỷ 17.
Trong nhiều năm, bí ẩn của khu phố cổ Edinburgh đã được bao phủ trong huyền thoại với những câu chuyện của những hồn ma, chết chóc.
Trong thời chiến, Mary King's Close được dùng để các binh lính trú ẩn, sau đó dịch bệnh hoành hành nên nó được dùng để cách ly bệnh nhân nhiễm dịch bệnh cho đến chết.
12. Seattle dưới lòng đất (Mỹ)
Seattle dưới lòng đất được xây dựng dưới lòng đất với hệ thống đường hầm dưới lòng đất tại bang Washington sau thành phố Seattle bị tàn phá do vụ đại hỏa hoạn năm 1889.
Trong nhiều thập kỷ qua, Seattle dưới lòng đất trở thành địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với những tour du lịch thành phố dưới lòng đất.
(Theo TNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065