LAO ĐỘNG VÀ MÔI TRƯỜNG TRONG CPTPP
Những nội dung chính về lao động trong Hiệp định CPTPP
Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động thì về cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định CPTPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định CPTPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Hiệp định CPTPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Hiệp định CPTPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động. Điều này cũng phù hợp với quy định của ILO.
Cam kết về liên kết của các tổ chức của người lao động
Theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định) để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở mức độ này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
Quyền tự do liên kết được đề cập đến trong 2 công ước này chỉ bao gồm quyền của người lao động cũng như của người sử dụng lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện cho mình nhằm mục đích tương tác trong quan hệ lao động. 2 công ước này không điều chỉnh các hiệp hội cũng như các hoạt động không thuộc về quan hệ lao động.
Chính sách và pháp luật trong nước về môi trường
Xây dựng chính sách, pháp luật: Mỗi nước CPTPP phải cố gắng đảm bảo đầy đủ luật pháp và chính sách môi trường, khuyến khích việc bảo vệ môi trường ở mức cao và tiếp tục nâng cao các mức độ bảo vệ môi trường. Thực thi chính sách và pháp luật: Mỗi nước CPTPP phải thực thi hiệu quả và nghiêm túc pháp luật về môi trường của mình mà không gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giữa các nước CPTPP. Đồng thời không được phép bỏ qua, hay bằng cách nào đó giảm nhẹ hiệu lực pháp lý của các đạo luật và quy định mội trường của mình nhằm khuyến khích thương mại hay đầu tư giữa các nước CPTPP.
Các cam kết quốc tế về môi trường
Các nước CPTPP khẳng định thực thi hiệu quả các cam kết trong các hiệp định đa phương về môi trường đã tham gia. Ngoài ra, chương môi trường nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường là: Nghị định thư MONTREAL về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước CITES).
Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thực hiện
Các nước CPTPP đồng ý công khai hóa thông tin, tăng cường sự tham gia và giám sát của công chúng trong quá trình thực thi. Ngoài ra, chương môi trường cũng khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân (doanh nghiệp) trong việc bảo vệ môi trường ví dụ như khuyến khích việc áp dụng các cơ chế tự nguyện nhằm nâng cao việc bảo vệ môi trường.
Trợ cấp thủy sản
Liên quan đến nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản đánh bắt từ tự nhiên là một trong những nội dung quan trọng của chương môi trường, các nước CPTPP đã cam kết: Xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt mà hoạt động đó được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức; Và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp cho các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo. Cam kết minh bạch hóa mọi chính sách và dữ liệu có liên quan đến các chương trình trợ cấp đánh bắt. Cam kết thực hiện các biện pháp quốc gia cảng biển và quốc gia tàu treo cờ cũng như các kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế nhằm ứng phó và giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và hành vi thương mại các sản phẩm đó. Để thực thi các cam kết liên quan đến xóa bỏ trợ cấp như nêu ở trên, các nước có thời gian 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực với từng bên để hài hòa hóa mọi chính sách liên quan. Riêng Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 2 năm nếu có cơ sở thể hiện sự cần thiết phải có thêm thời gian chuyển tiếp.
Bảo tồn
Trong Hiệp định CPTPP, các nước phải thực thi các biện pháp để chống lại và ngăn chặn hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với pháp luật của nước đó hay một luật áp dụng khác. Luật áp dụng khác được hiểu là luật pháp của một nước mà việc khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã xảy ra và chỉ liên quan đến vấn đề liệu những động, thực vật hoang dã đã được khai thác và buôn bán có trái với luật pháp nơi đó.
Các nước CPTPP đã thống nhất tạm hoãn nghĩa vụ phải thực thi các biện pháp để chống lại và ngăn chặn hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với một luật áp dụng khác. Điều này có nghĩa là các nước chỉ phải thực thi các biện pháp xử lý đối với các hành vi khai thác và buôn bán động thực vật hoang dã trái với pháp luật của nước mình theo quy định của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (CITES).
Nguồn: Bộ Công thương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065