CÁC NGHĨA VỤ CHÍNH VỀ ĐẦU TƯ
Các nghĩa vụ chính: Ngoài nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) như trong lĩnh vực TMDV, chương Đầu tư của Hiệp định CPTPP có một số nghĩa vụ chính như sau:
Tiêu chuẩn đối xử tối thiểu: Các nước cam kết dành cho các nhà đầu tư nước ngoài sự đối xử công bằng và thỏa đáng khi tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự, dân sự hoặc hành chính. Ngoài ra, các nước CPTPP cần phải bảo đảm an toàn cho các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật quốc tế.
Tước quyền sở hữu: Khi thấy thực sự cần thiết, ví dụ vì mục đích công cộng, chính phủ các nước có thể tước quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử và có sự đền bù thỏa đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, phù hợp với quy định của pháp luật và nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP.
Chuyển tiền: Các nhà đầu tư nước ngoài được phép tự do chuyển tiền đầu tư hoặc lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính phủ các nước CPTPP có thể hạn chế hoạt động này của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như vì mục đích kiểm soát vốn trong bối cảnh khủng hoảng cán cân thanh toán hoặc khủng hoảng kinh tế.
Không áp đặt các “yêu cầu thực hiện” (PR): Các nước không được duy trì các yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện để được cấp phép đầu tư hay được hưởng các ưu đãi đầu tư.
Không áp đặt các yêu cầu về bổ nhiệm nhân sự (SMBD): Các nước không được yêu cầu công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải bổ nhiệm các nhân sự cấp cao thuộc một quốc tịch nào đó.
Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS)
Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, Hiệp định CPTPP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành khởi kiện ra cơ quan trọng tài quốc tế trong một số trường hợp khi quyền lợi của nhà đầu tư bị chính quyền nước sở tại xâm phạm trái với các tiêu chuẩn được hiệp định đặt ra (ví dụ trưng thu, tước quyền sở hữu, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, v.v.), ngoại trừ trường hợp có tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các cam kết hay nghĩa vụ của hợp đồng đầu tư và chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, việc khởi kiện phải tuân thủ các quy định và quy trình được mô tả rõ ràng trong chương đầu tư. Các nội dung chính bao gồm:
Minh bạch hóa thủ tục trọng tài: các vụ điều trần tại cơ quan trọng tài và các tài liệu liên quan phải được công khai cho công chúng.
Sự tham gia của bên thứ 3: những đối tượng có quan tâm, ví dụ công đoàn, các tổ chức dân sự nếu quan tâm thì có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện quan điểm của mình cho cơ quan trọng tài.
Sự tham gia của bên không liên quan đến vụ kiện: chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nước CPTPP khác có thể đệ trình văn bản, tài liệu thể hiện cách hiểu và diễn giải của mình về nội dung hiệp định.
Xử lý các khiếu kiện vô giá trị và bồi thường phí luật sư: có cơ chế cho phép hội đồng trọng tài có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các khiếu kiện vô giá trị và phán quyết về mức phí trọng tài đối với chính phủ bị kiện.
Phán quyết tạm thời và kháng cáo: các bên tham gia vụ kiện có thể rà soát và có ý kiến đối với phán quyết của hội đồng trọng tài trước khi công bố và cho phép cả hai bên tham gia vụ kiện có quyền kháng cáo quyết định của hội đồng trọng tài.
Cam kết trong một ngành dịch vụ - đầu tư khác
Đối với lĩnh vực dịch vụ - đầu tư, các nước CPTPP được quyền đưa ra các biện pháp bảo lưu trái với 4 nghĩa vụ chính của chương dịch vụ (đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, tiếp cận thị trường, và hiện diện tại nước sở tại) và 4 nghĩa vụ chính của chương đầu tư (đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, yêu cầu thực hiện, và quản lý nhân sự cấp cao và ban giám đốc) dưới hình thức là một danh mục gọi là “Danh mục các biện pháp bảo lưu không thương thích với nghĩa vụ chính của chương dịch vụ và chương đầu tư” (gọi tắt là danh mục NCM dịch vụ - đầu tư). Ngoài ra, mọi biện pháp quản lý, nếu không có yếu tố phân biệt đối xử, đều được phép duy trì mà không cần phải bảo lưu trong hiệp định.
Cam kết cụ thể của một số ngành dịch vụ - đầu tư:
Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN): Ta đồng ý nguyên tắc MFN, tức là đối xử với các nước thành viên CPTPP không kém thuận lợi hơn so với các đối tác khác. Tuy nhiên, ta bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào dành đối xử khác biệt cho: (1) các quốc gia có hiệp định quốc tế song phương hoặc đa phương đang có hiệu lực hoặc đã được ký kết trước ngày hiệp định này có hiệu lực và (2) các quốc gia thành viên ASEAN theo bất kỳ hiệp định ASEAN nào mà các quốc gia thành viên ASEAN có thể tham gia, đang có hiệu lực hoặc đã được ký kết trước ngày hiệp định này có hiệu lực. Đồng thời, ta cũng bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào dành đối xử khác biệt cho các quốc gia theo các hiệp định quốc tế song phương hoặc đa phương đang có hiệu lực hoặc được ký kết sau ngày hiệp định này có hiệu lực trong các lĩnh vực hoạt động hàng hải, bao gồm cả cứu hộ; thủy hải sản; hàng không.
Dịch vụ viễn thông: Cho phép các nước CPTPP thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 49% đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản có gắn với hạ tầng mạng. Với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng có gắn với hạ tầng mạng, ta đồng ý cho phép thành lập liên doanh với mức góp vốn không quá 65% sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng, mở cửa cho các nước CPTPP đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Với các dịch vụ không gắn với hạ tầng mạng cung cấp qua biên giới (như gọi điện thoại hoặc nhắn tin qua các ứng dụng Viber, Skype và các loại hình dịch vụ viễn thông trên nền Internet khác): Việt Nam bảo lưu quyền được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải đăng ký, xin cấp phép hoặc phải có thỏa thuận thương mại với các nhà mạng. Với việc bán dung lượng cáp quang biển: Cáp quang phải đấu nối qua trạm cập bờ và thiết bị do ta quản lý; các nhà đầu tư cáp quang CPTPP chỉ được phép bán dung lượng cáp quang cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông và các công ty cung cấp dịch vụ truy nhập internet (ISP) đã được cấp phép tại Việt Nam.
Dịch vụ ngân hàng: Ta cam kết mở cửa thị trường một số nội dung mới bao gồm cung cấp dịch vụ tài chính mới và dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch bằng thẻ. Bên cạnh việc mở cửa thị trường, ta tiếp tục duy trì quyền cấp phép của cơ quan quản lý tài chính cũng như đảm bảo được các quyền, lợi ích của Việt Nam khi tham gia hiệp định.
Dịch vụ phân phối: Việt Nam cam kết bỏ hạn chế đối với việc “mở thêm điểm bán lẻ” sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Về diện mặt hàng, Việt Nam tiếp tục bảo lưu không cho phép nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu, dược phẩm và sản phẩm ghi hình.
Nguồn: Bộ Công thương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065