QUY DỊNH VỀ DE MINIMIS
De Minimis là gì và tại sao cần có De Minimis
Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đồng nghĩa với việc thuế quan giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn với hầu hết hàng hóa sản phẩm nhập khẩu. Do có sự chênh lệch rất lớn giữa thuế suất MFN và thuế suất ưu đãi FTA nên tất cả FTA đều xây dựng bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ tại nước thành viên FTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan, tránh trường hợp các nước không tham gia hiệp định được hưởng lợi miễn phí.
Đối với hàng hóa được gia công, chế biến, thông thường có hai tiêu chí cơ bản để xác định hàng hóa có xuất xứ là tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC - Change in Tariff Classification) và tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực (RVC - Regional Value Content). Hai tiêu chí này thể hiện việc nguyên liệu không có xuất xứ, sau khi trải qua chuyển đổi cơ bản trong quá trình gia công, chế biến trở thành hàng hóa có xuất xứ. Theo tiêu chí CTC, để hàng hóa được coi là có xuất xứ, các nguyên liệu không có xuất xứ được phân loại ở chương, nhóm hoặc phân nhóm trong hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) phải có mã HS khác với mã HS của sản phảm cuối cùng. Ví dụ: Tiêu chí xuất xứ áp dụng cho mặt hàng quần áo tại một số FTA là Chuyển đổi Chương (CC - Change in Chapter). Quy định này có nghĩa là mã HS của nguyên liệu (vải, phụ liệu, phụ kiện,...) nhập khẩu bên ngoài khối FTA phải được phân loại khác với mã HS của sản phẩm quần áo ở cấp độ 2 số (cấp độ chương).
Thực tế, trong nhiều trường hợp chỉ một lượng rất nhỏ nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ sẽ khiến hàng hóa không được coi là có xuất xứ và không được hưởng ưu đãi thuế quan. Ví dụ, theo quy tắc xuất xứ tại hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA), với mặt hàng áo jacket (mã HS 6201) có tiêu chí xuất xứ “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại lãnh thổ của bất kì nước thành viên nào; hoặc RVC 40%”. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng tiêu chí “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại bất kì nước thành viên nào”, nếu đệm vai (mã HS 6217) nhập khẩu từ Trung Quốc, áo jacket không đáp ứng tiêu chí CC do đệm vai được phân loại cùng Chương 62 với sản phẩm cuối cùng.
Vì vậy, trong các FTA, các nước tham gia đàm phán thường đưa ra quy định về tỷ lệ “linh hoạt” tối đa cho phép sử dụng một lượng nhỏ nguyên liệu không có xuất xứ và không đáp ứng tiêu chí CTC để sản xuất và hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ. Tỷ lệ này gọi tắt là “De Minimis” (thuật ngữ gốc La-tinh), được gọi là tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Quy định này được các nước tham gia đàm phán đưa vào với mục đích giảm bớt khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTC và đa dạng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi trong các FTA.
De Minimis áp dụng thế nào
De Minimis được áp dụng cho hàng hóa xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC, không áp dụng với tiêu chí RVC. Đối với hàng hóa nói chung, tỷ lệ De Minimis tại hầu hết các FTA không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa. Tỷ lệ 10% được gọi là ngưỡng De Minimis. Ví dụ, trong 100 USD trị giá FOB của hàng hóa xuất khẩu thì cho phép “linh hoạt” sử dụng nhiều nhất 10 USD nguyên liệu không có xuất xứ không đạt tiêu chí CTC để sản xuất ra hàng hóa đó.
Các cam kết khác nhau có quy định De Minimis khác nhau. De Minimis có thể tính trên cơ sở trị giá FOB tại các FTA của ASEAN hoặc giá xuất xưởng (giá Exworks-EXW) theo Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hoặc FTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tùy theo mặt hàng, tỷ lệ De Minimis có thể chỉ được phép tổi đa 7% (hàng nông nghiệp chế biến trong AJCEP, VJEPA) hoặc nhiều nhất 5% (hàng linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong CPTPP).
Riêng đối với các sản phẩm dệt may phân loại từ Chương 50 đến Chương 63, theo cam kết của các FTA đa phương, De Minimis được tính theo trọng lượng của hàng hóa xuất khẩu, không tính theo trị giá với lý do một số nguyên phụ liệu dệt may có trọng lượng rất nhỏ nhưng chiếm giá trị phần lớn của sản phẩm. Theo đó, nhà sản xuất được phép “linh hoạt” sử dụng nguyên liệu nhập khẩu ngoài khối FTA để sản xuất hàng dệt may với điều kiện nguyên liệu này có trọng lượng không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong ví dụ với áo jacket nêu trên, nhà sản xuất có thể “linh hoạt” sử dụng đệm vai nhập khẩu từ Trung Quốc nếu đệm vai có trọng lượng tối 50 gam so với trọng lượng 500 gam của áo jacket.
Hiệp định CPTPP có quy định về tỷ lệ ngưỡng De Minimis tương đối phức tạp hơn so với các FTA khác. Ví dụ, tiêu chí xuất xứ trong CPTPP đối với áo jacket nam (mã HS 6201.12) là “CC, ngoại trừ từ nhóm 52.04 đến nhóm 52.12,...”.[1]. Tiêu chí này nghĩa là (1) mã HS của nguyên phụ liệu không có xuất xứ dùng để may áo jacket phải khác chương với mã HS của sản phẩm (chương 62) và (2) nếu mã HS của nguyên liệu phụ liệu dệt may thuộc nhóm 52.04 đến nhóm 52.12 thì bắt buộc phải có xuất xứ. Giả sử vải chính thuộc nhóm 52.08 dùng để may áo jacket nam, vải này phải có xuất xứ CPTPP để đáp ứng quy tắc nêu trên. Trường hợp vải không có xuất xứ do được dệt từ sợi tổng hợp filament thuộc nhóm 5406 nhập khẩu bên ngoài CPTPP, De Minimis trong CPTPP cho phép vải (mã HS 52.08) vẫn có xuất xứ nếu chỉ “linh hoạt” sử dụng một lượng nhỏ sợi filament (mã HS 54.06), chiếm không quá 10% trọng lượng của vải. Trong trường hợp như vậy, áo jacket vẫn được coi là có xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan do sợi filament chiếm không quá 10% trọng lượng của vải, là thành phần quyết định phân loại mã số hàng hóa của áo jacket.
Vận dụng tỷ lệ De Minimis hiệu quả là một kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp cần nắm bắt trong quá trình sản xuất, gia công nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ, qua đó, hàng hóa được hưởng ưu đãi FTA. Do việc vận dụng De Minimis ở mỗi FTA khác nhau nên doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định này để vận dụng thích hợp và lưu trữ hồ sơ phục vụ xác minh xuất xứ hàng hóa. Trong trường hợp cần hỗ trợ, doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O hoặc gửi thư điện tử về địa chỉ [email protected] để được hướng dẫn.
Dịch vụ và đầu tư
Hiệp định CPTPP quy định 4 nghĩa vụ chủ chốt là: Đối xử quốc gia (NT): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP khác được đối xử không kém thuận lợi hơn các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nước thành viên phải đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP được đối xử không kém thuận lợi hơn các các nhà cung cấp dịch vụ của các nước thành viên khác hoặc của bất cứ nước hay vùng lãnh thổ không phải là thành viên của hiệp định.
Tiếp cận thị trường (MA): Nước thành viên không được phép duy trì các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Các biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường được phân chia thành 5 loại như sau: (1) Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; (2) Hạn chế về tổng giá trị các giao dịch hoặc tài sản; (3) Hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; (4) Hạn chế về số lượng lao động; và (5) Hạn chế về hình thức thành lập doanh nghiệp.
Hiện diện tại nước sở tại (LP): Nước thành viên không được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của nước CPTPP phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất cứ hình thức công ty nào hay yêu cầu họ phải đáp ứng yêu cầu về thường trú như là điều kiện để được cung cấp dịch vụ.
Nguồn: Bộ Công thương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065