CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM TRONG HIỆP ĐỊNH CPTPP
Cắt giảm thuế nhập khẩu
Các thành viên CPTPP đã thống nhất sẽ giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.
Nhìn chung, phần lớn các nước CPTPP áp dụng một mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác. Các nước áp dụng chung biểu thuế quan nhập khẩu bao gồm Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Niu-Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Trong khi đó, một số nước khác áp dụng biểu thuế nhập khẩu riêng cho từng nước CPTPP khác nhau (Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản và Mê-hi-cô). Tuy nhiên, một số nước trong nhóm này như Chi-lê và Ca-na-đa chỉ áp dụng mức thuế nhập khẩu riêng với một số ít dòng thuế, còn lại thì áp dụng chung đối với phần lớn biểu thuế.
Về cơ bản, các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP được chia làm ba nhóm chính: Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay: Thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình: Thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định (lộ trình). Trong CPTPP, phần lớn là lộ trình 3-7 năm, tuy nhiên trong một số trường hợp, lộ trình có thể là trên 10 năm. Cá biệt, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trên 20 năm. Nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ): Đối với nhóm hàng hóa này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với một khối lượng hàng hóa nhất định (gọi là xóa bỏ/giảm thuế trong hạn ngạch). Với khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết, mức thuế nhập khẩu áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.
Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình. Một số cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác CPTPP như sau:
Ca-na-đa cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với 86% số dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản) và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm. Trong Hiệp định CPTPP, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.
Pê-ru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Chi-lê cam kết xóa bỏ 95,1% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,9% số dòng thuế vào năm thứ 8 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Ốt-xtrây-li-a cam kết cắt giảm 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 2,9 tỷ USD) ngay khi thực hiện hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4.
Niu-di-lân cam kết xóa bỏ 94,6% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (khoảng 101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn.
Xinh-ga-po cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện hiệp định.
Ma-lai-xi-a cam kết xóa bỏ 84,7% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, số dòng thuế cam kết cắt giảm của Ma-lai-xi-a lên tới 99,9%.
Bru-nây cam kết xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) ngay khi hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11.
Cam kết của các nước theo một số nhóm hàng
Giày dép: 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Ca-na-đa sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giầy da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết trong hiệp định thương mại tự do sẽ được giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu giầy dép vào Mê-hi-cô và Pê-ru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Thủy sản: Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Ca-na-đa và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Gạo: Với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Ca-na-đa. Mê-hi-cô cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi giá trị gạo nhằm cải thiện khả năng gạo Việt Nam trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.
Cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều: Các mặt hàng này sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Riêng Mê-hi-cô xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Đồ gỗ: Xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Ca-na-đa, Pê-ru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam
Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm, ví dụ như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô tô con dưới 3.000 phân phối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô tô đã qua sử dụng.
Dệt may: Khác với các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định CPTPP có chương riêng về dệt may. Ngoài việc áp dụng quy định chung như các hàng hóa khác, hàng dệt may có những quy định riêng mang tính đặc thù. Nội dung cam kết về dệt may bao gồm:
Các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực CPTPP nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư trong khu vực để tăng giá trị của hàng dệt may được sản xuất trong khối. Quy định linh hoạt về cơ chế “nguồn cung thiếu hụt” cho phép việc sử dụng một số loại sợi và vải nhất định không có sẵn trong khu vực. Các cam kết về hợp tác và thực thi hải quan nhằm ngăn chặn việc trốn thuế, buôn lậu và gian lận thương mại. Cơ chế tự vệ đặc biệt đối với hàng dệt may để đối phó với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu (khác với cơ chế tự vệ chung của hiệp định).
Về mở cửa thị trường hàng dệt may: Hiệp định CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.
Với thị trường Ca-na-đa, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Ca-na-đa có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Trong khi đó, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 98,8% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương với 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Đối với một số thị trường mà Việt Nam chưa có FTA như Pê-ru và Mê-hi-cô, thuế nhập khẩu của hàng dệt may được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.
Về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may: Đối với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Quy tắc này khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, khuyến khích đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối CPTPP.
So với các FTA trước đây mà Việt Nam đã ký kết, đây là quy tắc đưa ra yêu cầu ở mức cao. Tuy nhiên, các thành viên cũng thống nhất một số trường hợp có quy tắc xuất xứ mang tính linh hoạt hơn như: 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp; Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.
Quy tắc xuất xứ: Hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (1) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (2) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và (3) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR). Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với Việt Nam, do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên ta được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Một số quy định về thời gian chuyển đổi bao gồm:
Đối với hàng nhập khẩu: Việt Nam được bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với hàng xuất khẩu: ta được linh hoạt áp dụng song song 2 hình thức: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống; và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ trong thời gian tối đa 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Sau thời gian 10 năm này, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như tất cả các nước CPTPP.
Nguồn: Bộ Công thương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065