BPO - Khi gia đình gọi “về nhà đi con”, Tổ quốc ta tuyên bố “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các khu cách ly được “dọn sẵn”, thì nhiều bạn bè của tôi đã chọn giải pháp về nước ngay từ những ngày đầu. Nhất là khi có tin, nếu về chậm sẽ bị đưa đi cách ly tập trung, thì số lượng du học sinh và người nhà của họ về càng đông. Họ có lý do để làm điều đó, vì nếu ở lại mà chẳng may mắc phải con virus quái ác này thì hậu quả là khôn lường. Ngoài trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc học hành, nghiên cứu thì người thân ở Việt Nam cũng sẽ đứng ngồi không yên. Hơn thế nữa, dù có được nước bạn hỗ trợ phí điều trị, nhưng chi phí y tế tại Hàn Quốc là vô cùng đắt đỏ. Trong khi đó, ngôn ngữ chính tại các bệnh viện lại là tiếng Hàn, làm sao để giao tiếp?
Với nhiều bạn du học sinh diện tự túc, ở bên này thời điểm đó cũng chưa bắt đầu học kỳ, và các công việc làm thêm cũng bị hạn chế, không có thu nhập trang trải cuộc sống thì về nhà cũng là một giải pháp an toàn.
Với nhiều bạn du học sinh, nhiều anh em lao động phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để qua được đây với ước mơ trở về đủ đầy hơn, thì việc khăn gói ra về thời điểm này thật khó quyết định!
Trường Đại học Kyung Hee (Global Campus) một trong những địa điểm nổi tiếng ngắm hoa anh đào được người dân Hàn yêu thích. Nhưng năm nay ít người qua lại chụp hình, dã ngoại do nhà trường hạn chế việc ra vào khuôn viên trường (ảnh Minh Nguyễn, chụp 4-2020)
Với bộ phận nghiên cứu sinh, sinh viên cao học, đi du học bằng học bổng toàn phần như chúng tôi thì ít bị ảnh hưởng và có phần suy nghĩ cũng khác. Chúng tôi không bị gánh nặng quá lớn về tài chính như những du học sinh vừa học vừa làm để trang trải học phí. Công việc của chúng tôi chủ yếu là nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm (Lab) dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Việc hằng ngày của chúng tôi là tự nghiên cứu, thực hiện thí nghiệm tại Lab, báo cáo thảo luận với giáo sư, đồng nghiệp, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học và công bố kết quả nghiên cứu lên các tạp chí chuyên ngành.
Những ngày dịch bệnh diễn ra, cuộc sống của chúng tôi không thay đổi là mấy. Một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc vào 9h tối hoặc muộn hơn tùy công việc (chúng tôi là người chủ động về kết quả và giờ giấc nghiên cứu). Việc đi lại từ nhà lên trường cũng khá gần, chỉ đi bộ 5-10 phút. Chúng tôi tự nấu ăn và ít ăn bên ngoài. Trong thời gian dịch bệnh, giáo sư hướng dẫn của tôi cũng như bao giáo sư khác đều khuyên sinh viên của mình hạn chế đến nơi công cộng, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên… Tùy ngành nghề, chuyên môn, một số thầy cho sinh viên nghiên cứu ở nhà, giãn cách thời gian thảo luận (weekly meeting) hơn mọi khi và có thể báo cáo online.
Thật sự là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hàn Quốc (trừ tâm dịch Daegu), thì nơi tôi sống cuộc sống vẫn ít xáo trộn. Siêu thị vẫn mở, các cửa hàng tiện lợi vẫn sáng đèn 24/7, các hàng quán, phố xá vẫn buôn bán bình thường, có chăng chỉ là ít người hơn mọi khi. Trong khi đó, dịch vụ mua bán trực tuyến và giao đồ ăn nhanh vốn được xem là phát triển hàng đầu thế giới ở quốc gia này lại càng được người dân sử dụng nhiều hơn. Mọi người hạn chế đi mua sắm, ăn uống ở phố và đặt đồ online nhiều hơn. Tôi không thấy có tình trạng găm hàng và giành nhau đồ tích trữ. Mặt hàng khẩu trang những ngày đầu dịch bùng phát có khan hiếm do chính phủ dồn nguồn lực vào tâm dịch, nhưng sau đó lại cấp đủ để bất cứ ai cần cũng có. Nên gần như mọi thứ tại đây tôi cảm thấy vẫn bình thường, có chăng là cuộc sống chậm lại và ít xô bồ hơn như thường thấy mọi ngày.
Điều mà chúng tôi cảm thấy hạn chế nhất, đó là sau những ngày làm việc căng thẳng cuối tuần không được đi chơi, ăn uống, tụ tập cùng nhau. Thời gian chính là làm việc tại phòng thí nghiệm và về nhà ngủ. Chúng tôi nhận thức rõ việc chấp hành giãn cách xã hội thời điểm này là cần thiết cho mình và những người xung quanh. Cũng lâu lắm rồi chúng tôi chưa dùng thẻ tàu điện ngầm hay bus. Mùa hoa anh đào và các lễ hội mùa xuân năm nay chúng tôi không còn được tự do và tung tăng tham dự như mọi năm nữa mà chỉ lang thang chụp vài tấm hình kỷ niệm ở đâu đó trong góc sân trường.
Nhưng có lẽ tình người lớn nhất mà chúng tôi cảm nhận được trong mùa dịch đó là chính chúng tôi xích lại gần nhau hơn, lạc quan hơn chứ không phải là xa cách nhau vì dịch bệnh. Chúng tôi vẫn không quên chia sẻ cho nhau những thông tin mới về dịch bệnh quanh nơi ở, chúng tôi ghi thực đơn đi siêu thị cho nhau để hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Mấy anh em con trai như tụi tôi thì tập trung lại tự cắt tóc cho nhau với những “style” khác thường từ tay những người thợ lần đầu cầm kéo. Chúng tôi cũng không quên tổ chức sinh nhật cho những đứa bạn trong mùa dịch, chẳng hàng quán xa hoa, chẳng phố xá nhộn nhịp, chúng tôi ngồi lại cùng nhau, cắt bánh và cùng ước: dịch bệnh nhanh qua đi để cuộc sống lại trở về vòng quay vốn có của nó, để được cùng nhau trở về nhà, cùng nhau đi đến nhiều nơi hơn, để theo đuổi và thực hiện ước mơ, khát khao của tuổi trẻ.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả Bùi Xuân Khoa,
du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc
Những bài viết chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định. Ngoài ra, bạn cũng sẽ nhận được quà tặng là những sản phẩm hạt điều, cà phê thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm do Công ty cổ phần Hà Mỵ gửi tặng.
Xin hãy để lại số điện thoại và địa chỉ liên lạc dưới status hoặc bài viết của bạn.
Địa chỉ nhận bài viết: [email protected]
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065