Với sản phẩm mới RSS1, Công ty cao su Lộc Ninh mở rộng thị trường truyền thống với Công ty Veber (Đức)
XỨNG ĐÁNG TRONG top ĐẦU CỦA CAO SU VIỆT NAM
Hiện tổng diện tích Công ty cao su Lộc Ninh quản lý là 11.231,91 ha, trong đó diện tích cao su kinh doanh 6.107,66 ha.
Đứng chân trên địa bàn khó khăn là 2 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp nhưng cao su Lộc Ninh tự hào được VRG xếp hạng: Đi đầu trong công tác nông nghiệp; mô hình điểm trong thu mua cao su tư nhân và trồng xen nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong thời điểm giá mủ cao su giảm sâu. Đặc biệt, mủ chế biến của cao su Lộc Ninh: Mủ tờ, Latex trên thị trường đều là sản phẩm “độc” được khách hàng bình chọn top đầu của cao su Việt Nam.
Năm 2016, cao su Lộc Ninh khai thác đạt 12.238 tấn, vượt 4% kế hoạch, là một trong 12 đơn vị về trước kế hoạch VRG giao; đánh dấu 11 năm liền năng suất trên 2 tấn/ha (2005), trong đó Nông trường VII, Nông trường III đã có 15-16 năm năng suất trên 2 tấn/ha.
Ông Nguyễn Đức Tín, Bí thư Đảng bộ, Tổng giám đốc công ty cho rằng, hiệu quả lớn nhất của ngành cao su là năng suất vườn cây được xác lập đầu tiên từ giống. Theo đó, năm 2006, Công ty cao su Lộc Ninh đã thành lập Trung tâm Khuyến nông dịch vụ nông nghiệp, tương đương với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của tỉnh, để chủ động giống cho tái canh, trồng mới và vai trò khuyến nông cho nông dân. Nhờ đó, vườn cây nhóm 1 với nhiều giống mới cho năng suất cao ngay từ những năm đầu mở miệng cạo. Cụ thể, năm 2016, giống PB260 mở miệng cạo năm đầu năng suất bình quân 1,22-1,44 tấn/ha; RRIV114 là 1,25 tấn/ha, RRIV 124 là 1,31 tấn/ha; 2 giống này năm thứ 2 đạt 2-2,2 tấn/ha...
Để nhanh chóng có những giống cao su mới năng suất cao, công ty phối hợp với Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam thực hiện đề tài “Triển khai cơ cấu giống cao su mới tại công ty”, thực hiện trên 48 ha với 9 giống cao su có năng suất cao. Bên cạnh đó, công ty sử dụng đa dạng hóa bộ giống cao su với những dòng vô tính cao sản cho năng suất bình quân năm mở cạo đầu tiên trên 1 tấn/ha, năm cao nhất 3,5 tấn/ha, cả chu kỳ 2,5 tấn/ha.
Các mô hình điểm của cao su Lộc Ninh được các đơn vị trong ngành học tập làm theo như: Ban thu mua mủ cao su tư nhân theo chủ trương của VRG nhằm ổn định giá mủ thị trường và giảm thiểu gian lận thương mại, phát huy công suất dây chuyền chế biến và hỗ trợ cao su tư nhân. Cao su Lộc Ninh - đơn vị dẫn đầu VRG về sản lượng thu mua mủ cao su tư nhân, với sản lượng đạt 6-11 ngàn tấn/năm. Mô hình trồng xen trong vườn cây kiến thiết cơ bản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất của cao su Lộc Ninh được VRG đánh giá hiệu quả cao nhất.
Cao su Lộc Ninh linh động trong điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm phù hợp với thị trường và yêu cầu của khách hàng. Cụ thể, năm 2016 mủ Latex chiếm 58%, mủ tờ 37%, giảm mủ cốm chỉ còn 5%. Công ty chế biến thành công sản phẩm mới RSS1 CV60 bán cho Công ty Veber (Đức).
ĐỒNG HÀNH VỚI LỘC NINH
Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2016 của Công ty cao su Lộc Ninh diễn ra ngày 17-1-2017, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định: “Cao su Lộc Ninh đã có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của doanh nghiệp gần 45 năm qua”.
Trong niềm vui kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2017) quan khách ngỡ ngàng khi con đường nhựa nối di tích lịch sử sân bay Lộc Ninh với xã Lộc Thiện, có chiều dài gần 1km đã được mở rộng mặt đường gần 12m. Phía bên phải là khu dân cư mới với nhiều căn biệt thự đẹp đã tạo nên diện mạo mới của đô thị Lộc Ninh.
Theo kế hoạch, huyện Lộc Ninh đã được tỉnh thuận chủ trương đề xuất VRG giao khoảng 70 ha để xây dựng đô thị Lộc Ninh mới và quỹ đất cho các xã phát triển khu văn hóa ở các thôn, ấp. Đô thị Lộc Ninh mới gồm khu dân cư - thương mại - dịch vụ (29 ha) và khu hành chính của huyện.
Ngày nay đến Lộc Ninh, những con đường nhựa nối quốc lộ 13 với các ấp sóc, bao quanh các lô cao su, thay cho những con đường đất đỏ mùa khô bụi mù mịt, mùa mưa “níu kéo” bước chân người. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, cao su Lộc Ninh đã đầu tư làm gần 120km đường nhựa cho 2 huyện biên giới khó khăn Lộc Ninh, Bù Đốp, góp phần thúc đẩy kinh tế Lộc Ninh hằng năm tăng trưởng 13-13,5%. Ngoài ra, đơn vị còn chuyển giao hàng trăm phòng học, giải bài toán cơ sở hạ tầng cho ngành giáo dục trên tuyến biên giới.
Không những vậy, cao su Lộc Ninh còn đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân văn hóa năm 2008 và 2 năm sau đi vào hoạt động. Đây cũng là công viên nghĩa trang nhân dân đầu tiên trong ngành và trên địa bàn tỉnh Bình Phước. “Uống nước nhớ nguồn” cao su Lộc Ninh nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ Việt Nam anh hùng; xây tặng hàng trăm nhà tình nghĩa, tình thương cho các đối tượng chính sách, người nghèo. Chỉ riêng trong năm 2016, tổng kinh phí chăm lo đời sống người lao động và an sinh xã hội của cao su Lộc Ninh là 7,7 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng kháng chiến cũ, từ năm 2000 Công ty cao su Lộc Ninh đã có chủ trương, chính sách tuyển công nhân DTTS tại chỗ. Đây là đơn vị đầu tiên có chính sách tuyển công nhân là người DTTS tại chỗ ở Đông Nam bộ. Công nhân DTTS Lộc Ninh ngày nay không chỉ có thu nhập ổn định mà nhiều người có tay nghề giỏi là chiến sĩ thi đua các cấp. Mùa khô năm 2016 diễn ra khốc liệt, cao su Lộc Ninh đã kịp thời điều động đội xe bồn 20 chiếc/ngày vận chuyển nước sinh hoạt đến những nơi khó khăn nhất của Lộc Ninh. Nhờ đó, Lộc Ninh thực hiện tốt chủ trương của tỉnh là không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô lịch sử 2016.
Đứng chân trên biên giới khó khăn nhưng Công ty cao su Lộc Ninh đã sát cánh cùng địa phương thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, DTTS, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.
Công ty cao su Lộc Ninh tiền thân là đồn điền cao su Cexo của Pháp. Một năm sau ngày giải phóng Lộc Ninh, ngày 25-3-1973, đồn điền cao su Lộc Ninh - đơn vị đầu tiên ở Đông Nam bộ được Ban cao su Nam bộ tiếp quản. Năm 1973-1974, cao su Lộc Ninh sản xuất 4.562 tấn mủ và chuyển ra miền Bắc 2.000 tấn. Năm 1978, Nông trường quốc doanh cao su Lộc Ninh được thành lập và năm 1981 đổi tên thành Công ty cao su Lộc Ninh. Tháng 5-2010, chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cao su Lộc Ninh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Sản phẩm của cao su Lộc Ninh được Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ tặng thưởng Cúp vàng hội nhập. |
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065