Thành lập năm 2006 và chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2007, đến nay Công ty cổ phần Cao su Phú Thịnh đã phát triển được 2.250 ha cao su, trong đó có 920 ha mới đưa vào khai thác từ 1 đến 2 năm. Theo quy trình, cây cao su trồng sau 6 năm mới đưa vào khai thác, nhưng công ty đã rút ngắn thời gian này xuống còn 5 năm.
TỪ ĐỊNH HƯỚNG ĐÚNG ĐẮN
Ông Nguyễn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết: Mặc dù diện tích đơn vị thực hiện không nhiều, nhưng nằm rải rác trên địa bàn 7 xã của hai huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Đây là những khu vực vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống và trước đây còn là điểm nóng về khiếu kiện liên quan đến đất đai. Do vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, vấn đề tạo việc làm cho người lao động trong vùng dự án, nhất là các hộ đồng bào DTTS tại chỗ luôn được công ty xác định là nhiệm vụ hàng đầu.
Công nhân tổ 5, Nông trường cao su Đắk Ơ giao mủ
ĐẾN HIỆU QUẢ VƯỜN CÂY
Là đơn vị trực thuộc công ty, Nông trường cao su Đắk Ơ đang quản lý 1.131 ha nằm trên địa bàn hai xã Đắk Ơ và Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), trong đó có 630 ha cao su đang khai thác với hơn 500 cán bộ, công nhân viên - lao động (lao động là đồng bào DTTS chiếm 56%).
Ông Mai Tuấn Tài, Phó tổng giám đốc công ty kiêm Giám đốc nông trường cho biết: Những ngày đầu, nông trường gặp rất nhiều khó khăn, bởi lực lượng lao động là đồng bào DTTS có ý thức kỷ luật thấp. Nông trường đã chủ động vận động, thuyết phục con em trong vùng đồng bào vào làm việc bằng nhiều hình thức, thậm chí mời cả gia đình trong độ tuổi lao động cùng tham gia. Nông trường còn phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm những đối tượng gây rối, vận động công nhân - lao động đồng bào lên lô theo tác phong công nghiệp... Trong quá trình làm việc, người đứng đầu phải gương mẫu, đồng thời thưởng phạt phân minh để công nhân - lao động nghiêm túc làm theo. Năm 2011, nông trường đã khai thác vượt chỉ tiêu công ty giao 3 tấn. Năm 2012 vượt chỉ tiêu 45 tấn và về trước thời hạn 45 ngày. 6 tháng đầu năm 2013, nông trường đã trồng mới đạt trên 240% (72/30 ha).
“Trước đây, đời sống đồng bào DTTS ở thôn Bù Ka, xã Đắk Ơ gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày nông trường về thực hiện dự án, nhiều con em trong vùng đồng bào được nhận vào làm công nhân, đến nay hầu hết đã có thu nhập ổn định. Người dân mong được làm việc lâu dài với nông trường”, anh Điểu Thâu - công nhân trẻ của tổ 6 nói. Điểu Thâu vào làm công nhân chăm sóc từ năm 2008 và chuyển sang làm công nhân khai thác năm 2012. Hiện vợ chồng Thâu đều là công nhân cạo mủ của nông trường, mỗi tháng thu nhập bình quân khoảng 12 triệu đồng. Điểu Tâm, sinh năm 1990 ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập), công nhân khai thác của tổ 5 tuy mới vào làm tháng 4-2013 nhưng đã có mức lương từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
CHỦ ĐỘNG ĐẦU TƯ VÀ ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT
Ông Nguyễn Thuyên cho biết thêm, ngoài Nông trường Đắk Ơ, Nông trường Thống Nhất cũng đang phát triển diện tích 1.100 ha thuộc địa bàn các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Thống Nhất, Đắk Nhau, Phú Sơn (Bù Đăng). Mặc dù diện tích nằm rải rác trên địa bàn rộng và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhưng đang dần ổn định. Nông trường có gần 300 ha cao su mới đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy mạnh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến mủ tại xã Đắk Ơ, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Nhà máy hoàn thành không chỉ góp phần nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm của địa phương mà còn mở ra cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng dự án.
Ngoài diện tích được giao, công ty còn thực hiện trồng cao su theo hình thức liên doanh với các hộ đồng bào DTTS trong vùng dự án được hưởng Chương trình 134 với tổng diện tích 445 ha. Thực tế, hầu hết các hộ được cấp đất theo diện này sản xuất không hiệu quả hoặc bỏ hoang do không có vốn, không được đầu tư khoa học - kỹ thuật và nguy cơ bị tái lấn chiếm cao. Thậm chí nhiều trường hợp được giao đất sau 2 năm vẫn chưa dám vào sản xuất vì bị chủ đất cũ đe dọa. Công ty đã ký hợp đồng liên doanh trên nguyên tắc đồng bào có đất, công ty bỏ vốn đầu tư toàn bộ, đến khi vườn cây đi vào khai thác lợi nhuận chia đôi. Sau khi kết thúc chu kỳ khai thác, giá trị vườn cây thanh lý cũng được chia đôi. Sau một chu kỳ, từ nguồn vốn và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình phối hợp, đồng bào có thể tự chủ, không cần phụ thuộc vào công ty, ông Nguyễn Thuyên nói.
Hy vọng với những bước đi đúng đắn và vững chắc, công ty sẽ ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.
L.P
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065