Tư tưởng Hồ Chí Minh trong đó có tư tưởng về đánh giá và sử dụng cán bộ là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:“Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 269). Và cũng trong tác phẩm này, Người đã khẳng định “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, (Sđd, tập 5, trang 273). Từ đây cho thấy, công tác cán bộ là cái gốc của công tác xây dựng Đảng, vì cán bộ tốt hay xấu một phần quan trọng phụ thuộc vào công tác cán bộ và nói đúng hơn là việc đánh giá đúng cán bộ.
* Làm thế nào để đánh giá đúng cán bộ?
Đánh giá đúng cán bộ để Đảng có kế hoạch huấn luyện cán bộ, vì “cán bộ là tiền vốn của Đảng”. Do vậy, việc đánh giá cán bộ trước hết thuộc về Đảng. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Khi nhấn mạnh về sự cần thiết phải đánh giá cán bộ vào những lúc cách mạng có sự chuyển giai đoạn, Người đã chỉ rõ có trường hợp trong kháng chiến thì chiến đấu anh dũng, nhưng khi sống trong cuộc sống thành thị thì lại mất lập trường và sa vào con đường tội lỗi. Đồng thời, Người cũng đã cảnh báo đối với cán bộ rằng bom đạn của kẻ địch không nguy hiểm bằng những “viên đạn bọc đường”. Vì nó hại mình mà mình không thấy nó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, một người cán bộ tốt trước hết phải là người có đủ đức và tài. Người đã chỉ rõ: “Đức” là đạo đức cách mạng, là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; “tài” là người có khả năng hành động, làm việc mang lại hiệu quả cao. Đức và tài phải thống nhất với nhau và trong đó đức là cái gốc, “Cũng như sông phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì giỏi mấy cũng không làm lãnh đạo được nhân dân”, (Sđd, tập 9, trang 253).
Để đánh giá đúng cán bộ thì đòi hỏi người đánh giá phải công tâm, vô tư, khách quan. Do đó, bản thân người đánh giá cũng phải “tự sửa mình”. “Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình”, (Sđd, tập 5, trang 278). Vì, “nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”, (Sđd, tập 5, trang 277). Đó là tinh thần tự kiểm điểm phê bình của cá nhân người cán bộ; sau đó được tập thể, cấp ủy và đơn vị góp ý kiến xây dựng theo tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng. Đánh giá cán bộ phải dựa vào dân, lấy ý kiến của dân, đem ra tập thể bàn bạc và đi đến thống nhất.
“Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ. Ai mà hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc thì cũng không phải là cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham kheo khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế thì dù công tác có kém một chút cũng là cán bộ tốt”, (Sđd, tập 5, trang 278).
* Đánh giá cán bộ để làm gì?
Xây dựng đội ngũ cán bộ là một nội dung lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó vấn đề đánh giá cán bộ giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và từ thực tiễn của cách mạng nước ta đã khẳng định một chân lý: Sau khi xác định được đường lối đấu tranh đúng đắn, cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của cách mạng. Chính vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”, (Sđd, tập 5, trang 274). Người cho rằng, đánh giá cán bộ là điểm khởi đầu làm cơ sở cho việc bố trí và sử dụng cán bộ. Do đó, muốn dùng cán bộ thì trước hết phải biết rõ về người cán bộ đó. Vì theo triết học Mac-Lê nin, trong thế giới vật chất, cái gì cũng biến hóa. Mà con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội khách quan, cho nên “từng lớp xã hội khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt nhau” (Sđd, tập 5, trang 277). Bởi vậy cho nên “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay” (Sđd, tập 5, trang 274). Chính vì thế, đánh giá cán bộ là công việc xác định đúng ai là người tốt, ai xấu, mặt nào mạnh, mặt nào yếu; khả năng công tác của họ thế nào để từ đó mà bộ trí, sử dụng cán bộ cho đúng người, đúng việc.
Cán bộ trước hết cũng là con người, vì vậy khi đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc trong mối quan hệ toàn diện, nhiều chiều, phát triển mà không định kiến: “Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tuỳ theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, để họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ đúng với đường lối của Đảng” (Sđd, tập 5, trang 276). Vì Người cho rằng, “một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không sai lầm. Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”, (Sđd, tập 5, trang 278).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: Một lần nhận xét, đánh giá là một lần giúp cán bộ nhìn lại quá trình công tác của mình, thấy rõ những ưu điểm để phát huy và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường xuyên kiểm tra để giúp cho họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại, khuyết điểm mới chú ý đến. Thế là không biết yêu thương cán bộ (Sđd, tập 5, trang 276).
57 năm đã trôi qua kể từ ngày tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ra mắt bạn đọc, những điều chỉ dẫn của Người ở mỗi câu, mỗi ý trong tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị. Và đặc biệt là ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang ra sức thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nên yêu cầu “làm theo” lời dạy của Người trong tác phẩm này trở thành cấp thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên, với tất cả các cơ quan, đơn vị. Và với mọi người dân.
Như Nhất
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065