Tiền đạo của U23 Việt Nam bị gãy xương quai xanh trong một tình huống va chạm ở trận thua 2-3 trước U23 UAE hôm 20-1. Chấn thương trên khiến anh phải nghỉ thi đấu ít nhất hai tháng và có thể cần tối đa bốn tháng để hồi phục hoàn toàn. Chấn thương này đến vào thời điểm rất nhạy cảm khi Công Phượng đang chuẩn bị bước vào cuộc sống mới ở Mito Hollyhock và mùa giải J-League 2. Tuy nhiên, đó có thể cũng là may mắn của Công Phượng. Bởi trước chấn thương ấy, Phượng đã trải qua hơn hai năm thi đấu liên tục, gần như không được nghỉ ngơi.
1. Tháng 1-2014, Công Phượng cùng U19 Việt Nam dự giải giao hữu U19 quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Guồng quay khủng khiếp của Phượng bắt đầu từ đây. Từ đó cho tới giữa năm, Phượng và các đồng đội có hai chuyến tập huấn kéo dài ở ba nước châu Âu và Nhật Bản. Liên tiếp trong ba tháng 8, 9 và 10-2014, Phượng cùng U19 Việt Nam dự Cúp Hassanal Bolkial (Brunei), giải U19 Đông Nam Á (Việt Nam) và vòng chung kết giải U19 châu Á (Myanmar).
Ở giải U19 châu Á, Phượng và đồng đội phải nhận những thất bại nặng nề trước Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ kết thúc giải bằng trận hòa 1-1 với U19 Trung Quốc hôm 13-10. Đúng 8 ngày sau, Phượng phải cùng U19 Hoàng Anh Gia Lai dự giải U21 quốc tế ở Cần Thơ.
Guồng quay đó không cho Phượng nghỉ ngơi. Ngay sau chức vô địch giải U21 quốc tế, anh phải hội quân cùng Hoàng Anh Gia Lai, đá hàng loạt trận giao hữu trong giải Tứ hùng quốc tế Pleiku trước khi bước vào 9 tháng V-League dài dằng dặc.
Trong năm 2014, Công Phượng đã chơi khoảng 40 trận, di chuyển qua lại giữa 7 quốc gia. Anh không có đợt nghỉ nào kéo dài hơn 1 tuần. Lưu ý, Công Phượng năm ấy mới 19 tuổi.
Vòng quay ấy tiếp tục lặp lại trong năm 2015. Phượng chơi gần như tất cả các trận cho Hoàng Anh Gia Lai tại V-League và hiếm khi rời sân sớm. Bốn đợt V-League được nghỉ nhường chỗ cho U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam, Phượng đều được gọi tập trung. Sau món chính V-League, Phượng “tráng miệng” bằng giải U21 quốc tế 2015 và đợt tập trung dài 2 tháng của U23 Việt Nam.
Hai mươi tuổi, anh gần như không vắng mặt trong một trận đấu nào của Hoàng Anh Gia Lai, U23 Việt Nam và tuyển quốc gia. Ở Việt Nam, không cầu thủ nào phải thi đấu nhiều như Công Phượng.
2. Vai trò đặc biệt quan trọng cả về thương mại và chuyên môn của Công Phượng khiến anh phải ra sân ở hầu hết các mặt trận. Phượng là chân sút số một của Hoàng Anh Gia Lai tại V-League, là đội trưởng của U19 Việt Nam, là số 10 của U23 Việt Nam. Tuyển quốc gia là nơi duy nhất anh “được” ngồi ngoài. Dù vậy, việc phải tập trung đội tuyển liên tục vẫn gây ra những mệt mỏi đáng kể.
Ở quãng 20 tuổi, các cầu thủ trẻ thường được khuyến cáo phải hạn chế thi đấu. Đây là độ tuổi xương khớp, thể hình, thể lực chưa đạt mức phát triển hoàn thiện. Thi đấu đỉnh cao quá sớm, chịu đựng quá nhiều áp lực sẽ gây hại cho những giai đoạn sau này của sự nghiệp.
Để tiện so sánh, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Lionel Messi chưa từng chơi quá 40 trận trong 4 năm đầu tiên của sự nghiệp. Khi mới lên đội một năm 2004, Messi chỉ đá đúng 9 trận. Thống kê tương tự của Công Phượng trong mùa giải đầu tiên với Hoàng Anh Gia Lai là 22/26 trận tối đa.
3. Thể trạng đặc biệt của Phượng khiến anh rất ít khi dính chấn thương. Nhưng nó cũng vô tình tạo điều kiện cho các huấn luyện viên tận dụng tối đa khả năng của cầu thủ này. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy toàn bộ nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai lên tuyển U23 đều dính chấn thương. Chỉ một mình Công Phượng miễn nhiễm.
Với cầu thủ chuyên nghiệp, dính chấn thương cũng là một cơ chế bảo vệ đặc biệt. Nó như một thông báo tiết lộ thể trạng cầu thủ đã đạt ngưỡng, đã quá tải và cần được nghỉ ngơi. Những cầu thủ không có cơ chế ấy - như Công Phượng, chưa chắc đã là điều tốt. Bởi họ hiếm khi dính chấn thương. Nhưng mỗi khi chấn thương, họ đều phải nghỉ rất lâu. 4 tháng hồi phục phía trước của Công Phượng là bằng chứng.
Chấn thương lần này có thể giúp Phượng được nghỉ ngơi nhiều hơn, giúp anh hiểu rõ hơn về cơ thể mình, tìm ra nhịp độ sinh hoạt và thi đấu phù hợp. Với Công Phượng, chấn thương này là cơ hội nghỉ ngơi hiếm hoi của anh trong hai năm qua. Có lẽ, nó cũng không phải là điều gì đấy quá tệ.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065