BP - Trong tiến trình công nghiệp hóa, lực lượng công nhân ngày càng phát triển, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, với số lượng công nhân trên 35 ngàn người, dự báo đến năm 2020 có thể đạt tới 50 ngàn công nhân. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách cải thiện đời sống vật chất cho người lao động. Thế nhưng, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp vẫn còn hết sức nghèo nàn và thiếu thốn.
Thực tế cho thấy, đời sống văn hóa dành cho công nhân chưa tương xứng với thành quả họ đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Các khu công nghiệp hầu hết thiếu thiết chế văn hóa phục vụ người lao động; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống tinh thần của công nhân. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, tồn tại, bất cập. Trình độ văn hóa, chuyên môn, tư tưởng, nếp sống và tác phong lao động của công nhân còn nhiều hạn chế. Nhu cầu và mức hưởng thụ về văn hóa của công nhân còn nghèo nàn. Một số doanh nghiệp tuy đã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhưng phần lớn mang tính thời vụ. Nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất - kinh doanh, ít quan tâm đến nhu cầu tinh thần của người lao động. Công nhân chưa được phát huy khả năng sáng tạo văn hóa trong không gian sống của mình, thậm chí một bộ phận còn xem nhẹ đời sống tinh thần do thu nhập thấp. Cuộc sống công nhân bên ngoài doanh nghiệp cũng chưa được chăm lo, gặp rất nhiều thiếu thốn từ nơi ở, điều kiện sinh hoạt. Mặt khác, do sống khép kín trong phòng trọ, lệ thuộc những hình thức giải trí đơn thuần như chỉ dùng điện thoại nghe nhạc, nhắn tin... nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin chính thống, nhận thức xã hội hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính đó là hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của công nhân như nhà văn hóa, khu giải trí, sân luyện tập thể thao, phòng đọc sách báo... đang rất thiếu thốn.
Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất” ra đời là định hướng để các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp triển khai thực hiện xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân. Ngày 31-8-2016, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Chương trình hành động số 07-Ctr/TU thực hiện Chỉ thị 52. Theo đó, Tỉnh ủy đề ra 3 mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cùng với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình quan trọng này. Đây là tín hiệu vui cho đội ngũ công nhân tại các khu công nghiệp; đồng thời là một chương trình hành động mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Mục tiêu mà Tỉnh ủy đề ra là: nâng cao chất lượng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp; tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao thúc đẩy hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh; xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa, lối sống tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả cao... Phấn đấu đến năm 2020 có 100% khu công nghiệp hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân.
Định hướng và chương trình hành động cụ thể của Đảng đã ban hành, vấn đề phải làm ngay là triển khai thực hiện. Công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang trông chờ hiệu quả từ chương trình mang đậm ý nghĩa nhân văn này.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065