Kết quả sản xuất công nghiệp 10 tháng và tháng 10 cho thấy, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng về tổng thể, từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng.
Đặc biệt, chỉ số hàng tồn kho giảm mạnh, điều này phản ánh tình hình sản xuất đang có sự cải thiện đáng kể và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nói chung.
Sản xuất linh kiện ôtô xe máy tại công ty TNHH Keihin Việt Nam
Sản xuất công nghiệp khởi sắc
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 10 tăng 5,9%, 10 tháng tăng 5,4%.
Theo đánh giá, mặc dù tốc độ tăng không cao so với cùng kỳ năm trước nhưng sự phục hồi của chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp rõ nét hơn.
Nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2013 không cao bằng cùng kỳ năm 2012 là do chỉ số 2 ngành khai thác than và dầu thô giảm mạnh.
Hơn nữa, trong quý I năm 2013, tốc độ tăng chỉ số công nghiệp thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nên mặc dù quý II, III tăng cao hơn nhưng vẫn không đủ bù đắp cho quý I.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết sản xuất dầu thô giảm là do sản lượng khai thác dầu khí ở một số mỏ không hoàn thành.
So với tháng 10-2012, sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 1,38 triệu tấn, giảm 4,3%. Bên cạnh đó, giá dầu thô năm nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, ngành than giảm sản lượng khai thác và sản xuất trong tháng 10 do ảnh hưởng của mưa, bão liên tiếp ngay từ đầu tháng.
Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ than cho điện chưa cao vì sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện vẫn phát ở công suất thấp.
Đối với than xuất khẩu cũng chưa đạt kế hoạch do thị trường thế giới còn trầm lắng. Dự kiến, than tiêu thụ và xuất khẩu sẽ ổn định trở lại trong hai tháng cuối năm.
Trở lại câu chuyện về chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng, nếu phân tích kỹ cho thấy, sản xuất công nghiệp vẫn có những tín hiệu khả quan.
Tốc độ tăng trưởng của những ngành có giá trị gia tăng cao vẫn là ngành công nghiệp chế biến; chế tạo, sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải.
Trong mức tăng chung 5,4% của toàn ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo đóng góp chính với 4,9 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Một dấu hiệu nữa cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp đó là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tăng lên.
Tại thời điểm ngày 1-10, chỉ số này tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng là 4,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 3,5%.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện nhập khẩu 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất tăng khá cũng minh chứng triển vọng phục hồi sản xuất trong nước.
Một tín hiệu rõ nét đem đến nhiều hy vọng cho nền kinh tế đó là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp giảm đáng kể. Theo thống kê, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-10 chỉ tăng 9,7%.
Trong đó, có những ngành chỉ số tồn kho giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2012 gồm sản xuất vải dệt thoi, sản xuất ximăng giảm gần 44%; sản xuất bêtông và các sản phẩm khác từ ximăng và thạch cao giảm 14%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 74,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 48%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 28,5%...
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá nếu so sánh với chỉ số tồn kho tại thời điểm cùng kỳ năm 2012 rất cao thì chỉ số tồn kho chỉ còn dưới mức 10% tại thời điểm này là một dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, những tháng cuối năm, khi tiêu thụ tăng mạnh thì tồn kho sẽ giảm mạnh do các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trả nợ đơn hàng, nhất là ngành dệt may và giày dép.
Khai thác tối đa nhu cầu trong nước
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 10 tháng của Bộ Công Thương vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2013, trong 2 tháng cuối năm, các đơn vị thuộc Bộ cần bám sát tình hình thực tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, củng cố và phát triển hệ thống phân phối hàng hóa đến các vùng, miền.
Cùng với việc giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới nhằm đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, Thứ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng yêu cầu các đơn vị cần chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Ngoài ra, để thúc đẩy năng lực sản xuất trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2013.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện tích cực các giải pháp để đảm bảo sản xuất và cung ứng điện cho sản xuất cũng như tiêu dùng những tháng cuối năm; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các nhà máy điện sự cố và hoàn thành các nhà máy điện mới để huy động thêm công suất cho hệ thống…
Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, để tiếp tục duy trì sản xuất vào thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung cho công tác đầu tư để tăng năng lực sản xuất, chủ yếu là sản xuất nguyên liệu để bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt tăng thêm giá trị gia tăng.
Đây là vấn đề rất lớn, bởi theo ông Dũng, Vinatex hiện nay là một trong những đơn vị đi đầu và đã chuẩn bị cơ sở vật chất để chuẩn bị khởi công một loạt các dự án từ nay đến cuối năm; trong đó chủ yếu là các nhà máy sợi chất lượng cao, nhà máy sản xuất vải sơ mi và vải len xuất khẩu.
Theo ông Lê Phú Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Thép Việt Nam, thời gian tới, thị trường thép vẫn còn khó khăn nên Tổng công ty tiếp tục chỉ đạo sát sao các đơn vị thành viên đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ và thực hiện giải pháp thực hành tiết kiệm tối đa để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong 2 tháng cuối năm.
Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, các tháng cuối năm, nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, trong đó một số mặt hàng quan trọng có thể tăng giá cùng với đó là tình hình thời tiết diễn biến bất thường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nói chung.
Cũng theo tiến sỹ Lưu Bích Hồ, các giải pháp Chính phủ đã đưa ra là khá đầy đủ và không có biện pháp nào có thể làm nhiều hơn và mới hơn được.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải cố gắng làm. Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không riêng cơ quan, cấp nào.
(Theo TTXVN)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065