CHẾ BIẾN SÂU GIÁ TRỊ TĂNG 8-20 LẦN
Tại hội nghị tổng kết sản xuất - kinh doanh cao su năm 2015, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết: Mỗi năm, Việt Nam sản xuất ra cả triệu tấn mủ cao su nhưng lượng hàng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 16-18% tổng sản lượng (chế biến thành săm lốp, găng tay, linh kiện kỹ thuật, sợi chỉ thun...); trên 80% còn lại là xuất khẩu thô, giá trị thấp. Điều đáng nói, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn so giá bán cùng chủng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Nguyên nhân chính do chất lượng không ổn định, không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng, chủ yếu ở bộ phận cao su tiểu điền.
Mủ ly tâm của Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đứng top đầu về chất lượng được khách hàng tín nhiệm
Cùng với những bất cập trên, tình hình giá cao su “tụt dốc không phanh” đang khiến ngành cao su Việt Nam gặp khó. Ông Thừa khẳng định: “Với giá bán cao su rất thấp như hiện nay thì chỉ hòa vốn, vun vén khéo may ra lấy công làm lời chút đỉnh. Vì thế, chúng ta buộc phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu mới hạn chế được khó khăn. Tôi được biết, nhiều nước đã tạo giá trị gia tăng cho cao su chế biến sâu từ 8-10 lần, đặc biệt cao su kỹ thuật thì giá trị tăng có thể lên tới 18-20 lần”.
ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU SẢN PHẨM
ĐÁP ỨNG NHU CẦU CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN SÂU
Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2014. Trong khi đó, tuy chỉ sử dụng khoảng 15% sản lượng để chế biến sản phẩm nhưng xuất khẩu cao su chế biến sâu đạt hơn 1,5 tỷ USD, gần bằng giá trị xuất khẩu của 85% nguyên liệu.
Hơn 70% mủ cao su thiên nhiên dùng để sản xuất lốp xe. Quy hoạch phát triển cao su Việt Nam đến năm 2030: Đến năm 2020 Việt Nam đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ôtô các loại/năm. Đến năm 2030, duy trì sản xuất và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất băng tải 1 triệu m2/năm và dây curoa 2 triệu m/năm với công nghệ hiện đại. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2020 tập đoàn sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng và cao su màu như găng tay, băng tải, dây curoa, bóng cao su... Cùng với đó, hằng năm tập đoàn thanh lý khoảng 10.000-12.000 ha cao su, sản lượng gỗ từ 1-1,2 triệu m³ phục vụ các nhà máy chế biến gỗ thuộc tập đoàn. |
Nguyên nhân theo Hiệp hội Cao su Việt Nam trước tiên là do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu. Các DN sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, SVR 10, RSS 3 nhưng những mặt hàng này có tỷ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40-50% sản lượng là chủng loại SVL 3L thì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao.
Nhiều nhà công nghiệp chế biến cao su Việt Nam cho biết vẫn phải nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Malaysia do chất lượng cao su thiên nhiên nước ta không ổn định, nguồn cung không đồng đều trong năm, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng. Cùng với đó, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn còn chậm. Những DN chế biến cao su có mức tăng trưởng cao phần lớn là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc DN có quy mô lớn. Riêng DN vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn, thiếu thông tin thị trường, đầu ra hẹp, công nghệ lạc hậu, quản lý kém, nhân lực yếu, khó tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi, ít có điều kiện đẩy mạnh xúc tiến thương mại...
Mủ sơ chế SVL 3L chiếm tỷ trọng lớn do những năm giá mủ cao su cao, chủng loại SVL 3L sơ chế dễ hơn các chủng loại khác nên DN trồng, sơ chế chủ yếu đầu tư cho dây chuyền sản xuất chủng loại này. Để đáp ứng nhu cầu DN chế biến sâu, các công ty cao su trên địa bàn Bình Phước đã linh hoạt giảm chủng loại SVL 3L từ 80% xuống dưới 40% và tăng tỷ trọng mủ ly tâm cung cấp cho DN sản xuất găng tay y tế, băng tải... |
Để giảm xuất khẩu thô và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng phải có sự liên kết 3 nhà trong chuỗi giá trị cao su. Theo đó, cộng đồng DN cao su Việt Nam cần liên kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ khách hàng tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến sản phẩm. Nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn cung về số lượng và chất lượng, kiểm soát giá thành hợp lý. DN chế biến ưu tiên sử dụng sản phẩm cao su trong nước, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, nhân lực, phát triển sản phẩm và thị trường mới.
Về phía nhà nước cần quản lý quy hoạch diện tích cây cao su, hướng dẫn người sản xuất cao su xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để tránh tình trạng chặt phá cây khi giá thấp. Đồng thời cần thành lập cơ quan thống nhất quản lý chất lượng và giá cao su, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay cho DN chế biến sâu sản phẩm cao su.
Phương Hà
(Bài viết có tham khảo thông tin, tư liệu của đồng nghiệp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065