Năm 2013 đã khép lại một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Tuy nhiên, với những giải pháp điều hành kịp thời, kinh tế Bình Phước vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
TỪ KHÓ KHĂN VỀ VỐN ĐẾN NỖI LO HÀNG TỒN
Đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, trong năm 2013, nền kinh tế cả nước tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm, lạm phát tuy được kiềm chế song chưa vững chắc; lãi suất cho vay đã giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp... Ngoài ra, do hạn mức tín dụng cho vay đối với nhiều đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu khá thấp dẫn đến doanh nghiệp chưa đáp ứng được lượng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện, thành phẩm. Cùng với đó, việc thiếu chính sách bình ổn, định giá vật tư, nguyên vật liệu làm các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tính toán chi phí thực hiện các dự án lớn, lâu dài. Giá một số mặt hàng đầu vào như: xăng dầu, gas, điện... liên tục tăng làm cho sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn kho. Tính đến hết tháng 9-2013, các công ty cao su trên địa bàn còn tồn kho trên 20.000 tấn.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng nhằm giữ chân người lao động. Ảnh - Công nhân Công ty Cổ phần Hà Mỵ trong giờ sản xuất
Ông Trương Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Thành Được (xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu vốn sản xuất, hàng tồn kho nhiều. Doanh nghiệp muốn trụ được trong điều kiện khó khăn này buộc phải cắt giảm chi phí sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm... Hai năm nay, công ty đã bố trí lại các ca sản xuất, quản lý lao động một cách khoa học nhằm tăng hiệu quả lao động. Được Trung tâm khuyến công hỗ trợ trên 234 triệu đồng, công ty đã đầu tư thêm để mua dây chuyền bóc tách vỏ hạt điều với công suất khoảng 1.000 tấn nguyên liệu/năm. Với dây chuyền sản xuất mới này, công ty đã tiết kiệm được chi phí về thời gian và nhân lực, bảo đảm an toàn vệ sinh trong chế biến.
Ngoài ra có nhiều doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh để tồn tại. Một số doanh nghiệp chuyển sang thu mua mủ cao su, nhiều thiết bị máy móc chế biến hạt điều phải “trùm mền”. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển sang gia công vỏ lụa hạt điều nhằm giữ chân người lao động chờ cơ hội mới của ngành điều trong tương lai...
Ông Trần Văn Hướng, Phó cục trưởng Cục thuế tỉnh cho biết, chỉ trong 11 tháng, toàn tỉnh có 1.056 doanh nghiệp ngừng nghỉ, phá sản. 1.413 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu chi phí. 874 doanh nghiệp báo cáo thu thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng có lãi, số còn lại không lãi hoặc lỗ.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Đứng trước những bất ổn của nền kinh tế, hàng loạt các biện pháp đã được UBND tỉnh triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thuế và hải quan để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng được coi là yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước đã phối hợp với một số sở, ban, ngành tổ chức các buổi gặp gỡ DN để nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc. Các buổi tọa đàm với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết. Hiện tại, lãi suất cho vay đã được các tổ chức tín dụng trên địa bàn áp dụng ở mức 9-13%/năm.
Ngành thuế cũng đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ, Cục Thuế tỉnh rà soát các đối tượng nộp thuế, giãn thuế giá trị gia tăng, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất cho hàng trăm doanh nghiệp với số tiền hàng chục tỷ đồng... Chưa bao giờ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, tháo gỡ khó khăn về vốn lại nhanh chóng đi vào thực tiễn như năm 2013. Nhờ vậy, cùng với nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, 11 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 11,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 11,3%.
Từ những kết quả trên, năm 2014, Bình Phước phấn đấu từng bước lấy lại nhịp độ tăng trưởng của ngành công nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án đã giao đất nhưng không thực hiện hoặc chậm tiến độ. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 22.820 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2013; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,14%, kim ngạch nhập khẩu tăng 6,1%...
Minh Luận
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 ước đạt 21.082 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp khai khoáng 196 tỷ đồng, tăng 3,16%; công nghiệp chế biến 19.075 tỷ đồng, tăng 10,65%... Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD. Toàn tỉnh đã sản xuất và tiêu thụ 1,7 triệu tấn clinke xi măng, 832 ngàn tấn xi măng Pooclan đen, 1.750 triệu kWh điện, 85.000 tấn tinh bột sắn và bột dong riềng; 688.000m3 đá xây dựng...
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065