BPO - Sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân.
Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là một bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị.
V.I.Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là “trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo và giữ vững bản chất công nhân của Đảng, V.I.Lênin cho rằng, Đảng phải quan tâm đến công tác thanh đảng vì đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng. Theo Người, mục đích thanh đảng là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, thoái hóa biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; công khai đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn. Thanh đảng nhằm vào đối tượng bè phái chống Đảng; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống Đảng; những đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt; bọn tham ô, ăn cắp; bọn người lập ra hết ban này ban nọ mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào, tức là những đảng viên có phẩm chất đạo đức xấu và yếu kém về năng lực. V.I.Lênin cho rằng, việc thanh đảng cần được thực hiện dưới nhiều hình thức như: đăng ký lại đảng viên, động viên ra khỏi Đảng... Những kẻ đê tiện lẩn lút trong Đảng, hiếp đáp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết khai trừ ra khỏi Đảng, xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi đã gây ra.
Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bôsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.
Lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực với nước Nga Xô viết, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội
Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Dưới ngọn cờ của V.I.Lênin, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới được hình thành; chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt; các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc, làm cho hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã... Tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ XX đến nay. Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc đứng lên đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP)
Nước Nga trong những năm 1917 - 1921 thực hiện“Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” với cơ sở nền kinh tế phi hàng hóa, phân phối sản phẩm trực tiếp, đã tiến hành quốc hữu hóa công nghiệp, thương nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, đình chỉ tự do buôn bán và trao đổi sản phẩm ở địa phương… Chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình cực kỳ nguy hiểm cho nước Nga Xô Viết, làm cho quần chúng lao động, nhất là công nhân và nông dân thất vọng. V.I.Lênin đã kịp thời phát hiện ra sai lầm đó, với tinh thần phê phán nghiêm khắc đối với bệnh giáo điều, xa rời tình hình cụ thể của nước Nga, Người đã chỉ ra chính sách kinh tế mới (NEP), với nội dung cụ thể, như:
Tăng cường cơ sở kinh tế của liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân, kiến lập mối quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa với kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ của nông dân thông qua việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới sự kiểm soát của Nhà nước nhằm phát triển lực lượng sản xuất, cho phép phát triển và hướng kinh tế tư bản vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước khi những đỉnh cao của nền kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước để phát triển công nghiệp lớn.
Khẳng định, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể chia thành nhiều bước quá độ, có thể quá độ trực tiếp chuyển sang quá độ gián tiếp, có thể từ đường thẳng chuyển sang đường vòng; kiên nhẫn áp dụng những giải pháp quá độ, trung gian, từ từ, hết sức thận trọng, nếu cần có thể thử nghiệm.
Các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà không phải là nước tư bản phát triển cao thì phải thừa nhận nền kinh tế hàng hóa, thừa nhận quy luật giá trị, nhiều thành phần của nền kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, phân phối, áp dụng cơ chế hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các đòn bẩy kinh tế như kích thích lợi ích vật chất, thưởng, phạt, khoán, thuế… giải quyết đúng đắn các quan hệ hàng - tiền, cung - cầu, kế hoạch - thị trường… Phải thỏa hiệp với tiểu nông, vận dụng đúng đắn chế độ hợp tác, mạnh dạn sử dụng tri thức và chuyên gia tư sản, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây là vấn đề mà Mác và Ăngghen trước kia hoàn toàn chưa đặt ra.
V.I.Lênin đã nêu lên vị trí, vai trò của Chủ nghĩa tư bản nhà nước trong Chính sách kinh tế mới (NEP) đó là: Chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là “phòng chờ”, “nấc thang” đi tới chủ nghĩa xã hội; là quá trình tập trung hóa và xã hội hóa lực lượng sản xuất một cách tất yếu, khách quan, gắn liền với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại, quá trình thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước phải nghiêm túc, có nguyên tắc, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn xã hội. V.I.Lênin khẳng định, sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước là tất yếu, hợp quy luật, sinh ra từ chính nhu cầu nội tại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là kết quả của các quan hệ thị trường, thiết lập liên minh kinh tế. Tính tất yếu của sự ra đời chủ nghĩa tư bản nhà nước là do cạnh tranh gay gắt của nền sản xuất và tái sản xuất hàng hóa mở rộng tác động đến quy mô tư bản cá biệt hoặc công ty cổ phần, mâu thuẫn đối kháng bên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa biểu hiện ra ngoài là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Để Nhà nước vô sản có vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức và quản lý cao cấp, có các quan hệ kinh tế xã hội hóa, theo Lênin, chỉ có thông qua quan hệ hợp tác với các nước tư bản chủ nghĩa và công ty mới hoàn thành được nhiệm vụ thời đại.
Với “Chính sách kinh tế mới” V.I.Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng nhà nước. Nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, làm cho chính quyền Xô viết non trẻ đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Song sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065