LTS: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006. Sau 7 năm được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc sử dụng công sản. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, nhiều quy định trong luật này không còn phù hợp, thậm chí còn gây bất cập trong công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, tại kỳ họp lần thứ 5 (đang diễn ra tại Hà Nội), chính phủ đã trình Quốc hội toàn văn Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhân dịp này, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc những điểm mới trong dự thảo luật này.
Quốc lộ 1A mới làm đã bị hư hỏng nặng sau lũ (ảnh minh họa) - Nguồn: Phapluattp
Điểm mới thứ nhất là dự thảo luật bổ sung làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Xác định chống lãng phí là trọng tâm, trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, được quán triệt xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. Nguyên tắc này xuất phát từ thực trạng trong những năm gần đây, lãng phí vẫn diễn ra phức tạp và gây những ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chính là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng, chống lãng phí.
Trên cơ sở kế thừa những quy định của luật hiện hành còn phù hợp và luật hóa các quy định dưới luật đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả, dự thảo luật còn làm rõ hơn các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, dự thảo luật đặt ra yêu cầu cao độ về chống lãng phí trên cả nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, dự thảo luật còn đưa ra những quy định cụ thể về việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí chung trên cả nước gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, đồng thời đặt ra yêu cầu cho các bộ, ngành, UBND các cấp là phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Trong dự thảo luật đã đổi mới tăng cường các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời bổ sung và cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Dự thảo luật cũng đã bổ sung trách nhiệm xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong các hoạt động của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN). Đối với các hoạt động có yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí cao như sử dụng phương tiện thiết bị làm việc, phương tiện đi lại… bên cạnh những quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, dự thảo luật đã đưa ra quy định hoàn toàn mới, đó là phải thực hiện kiểm toán nội bộ và công khai đối với các khoản chi tiêu liên quan để có sự nhìn nhận chung, từ đó có ý thức tiết kiệm hơn.
Dự thảo luật cũng đã đưa ra yêu cầu công khai các hoạt động quản lý ngân sách Nhà nước, như: vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên. Với quy định này không chỉ nhằm bảo đảm thực hành tiết kiệm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai như: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN; các đơn vị sử dụng NSNN, các quỹ có nguồn gốc NSNN; Mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; Động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân…
Để tăng cường sự kiểm tra giám sát của Nhà nước và xã hội, dự thảo luật đã bổ sung những quy định về việc phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân và công dân phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của người phát hiện lãng phí về tính trung thực của các thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí trong việc xem xét xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.
Nhằm khắc phục tình trạng lãng phí được phát hiện nhưng không xử lý được, dự thảo luật lần này đưa ra nhiều quy định cụ thể về hành vi gây lãng phí và cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí trong các lĩnh vực tập trung vào các nhóm hành vi như: hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; hành vi lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; hành vi lãng phí trong quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quy định về hành vi lãng phí và chế tài xử lý vừa mang ý nghĩa răn đe, vừa đảm bảo có công cụ rõ ràng để xử lý, đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật.
Đồng thời, để tăng cường hiệu quả, tiết kiệm trong việc sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa việc thành lập quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước, dự thảo luật cũng đã bổ sung thêm quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước, trong đó quy định việc thành lập các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như: Có đề án thành lập quỹ trong đó nêu rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết, ý nghĩa kinh tế - xã hội và tính không thay thế được bằng các hình thức cấp phát ngân sách; phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; không trùng lặp về mục đích, tôn chỉ của quỹ; bảo đảm thành lập theo đúng trình tự, thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh kế thừa các quy định hiện hành, dự án luật đã rà soát các quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng để đảm bảo phù hợp. Theo đó, dự thảo luật cũng đã bổ sung nhiều quy định về việc khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm được giao; có sáng kiến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát hiện, ngăn chặn hành vi gây lãng phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước và tài nguyên quốc gia….
Như vậy, với những quy định mới nêu trên, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công và tài nguyên sẽ được tăng cường và công khai minh bạch.
LG
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065