Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 1-4.
Ông Hoàng hứa ngay trong tháng 4 này sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện để nhân dân giám sát. Nhưng bà Tiến thì chưa dám hứa khi nào sẽ chấm dứt tình trạng y đức yếu kém dẫn tới sai sót trong chuyên môn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: 'Trong tháng 4 dự kiến sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện
Minh bạch giá điện
"Mấy hôm nay dư luận đang nóng về chuyện VN nên hay không nên tổ chức Asiad 2019. Nếu thực hiện trưng cầu ý dân theo quy định của hiến pháp thì cá nhân tôi chọn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chứ không chọn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Đầu tư cho Asiad 2019 hay là đầu tư cho các lĩnh vực khác đang cần thiết hơn? Cá nhân tôi xin được chọn là tiếp tục dành tiền đầu tư cho ngành y tế. Tôi nghĩ là chúng ta nên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân hay tới đây nên đưa ra Quốc hội" Ông NGUYỄN VĂN PHÚC |
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn về chuyện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư ngoài ngành hơn 121.000 tỉ đồng; xây biệt thự, nhà ở, sân golf tại các dự án điện và tính vào chi phí giá thành điện, Bộ trưởng Hoàng giải thích: trong số 121.000 tỉ đồng EVN đầu tư ngoài doanh nghiệp thì chỉ có hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành, số còn lại đầu tư vào các công trình điện, hạ tầng điện tại các công ty con. Đối với việc xây biệt thự, nhà ở, sân golf tại các dự án điện thì số lượng không nhiều (chỉ có sáu dự án). “Các công trình này phục vụ chuyên gia nước ngoài. Ví dụ các dự án điện Ô Môn (Cần Thơ), Nghi Sơn (Thanh Hóa) là những nơi xa trung tâm. Sau khi chuyên gia nước ngoài rút thì phục vụ cán bộ, công nhân viên ngành điện. Trong các công trình như vậy, đến thời điểm này chỉ Nhiệt điện Phú Mỹ 1 là có hạch toán vào giá thành điện, còn các công trình khác thì chưa. Tôi nghĩ ở địa bàn khó khăn, điều kiện lao động nặng nhọc, việc đầu tư điều kiện làm việc tốt hơn cho cán bộ, công nhân viên yên tâm làm việc thì dư luận cũng đồng tình” - ông Hoàng bày tỏ.
Về việc công khai, minh bạch giá điện, ông Hoàng khẳng định: hằng năm đều thực hiện kiểm toán, sau đó có liên ngành công thương - tài chính, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng xem xét việc tính toán giá thành điện có hợp lý hay không. Từ đó mới xem xét những kiến nghị của ngành điện xem có hay không cho phép nâng giá trong thời gian tiếp theo. “Chúng tôi đang chuẩn bị đề án nói rõ như thế nào là công khai, minh bạch, những nội dung gì cần công khai, minh bạch và trong những điều kiện nào thì được nâng giá điện. Trong tháng 4 dự kiến sẽ ban hành quy định về công khai, minh bạch giá điện. Trên cơ sở đó sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cơ sở để nhân dân giám sát. Và qua đó nếu thấy hợp lý thì cũng đồng tình với việc nâng giá của ngành điện” - ông Hoàng nói. Ông cho biết “từ năm 2024 hoàn thành thị trường bán điện cạnh tranh hoàn chỉnh, không có lý do gì để chúng ta không thực hiện lộ trình này”.
Công khai quỹ bình ổn giá xăng dầu
“Cử tri gửi lời cảm ơn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đêm qua giá dầu đã giảm” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề cập đến một thực tế là việc giảm giá xăng dầu vẫn thường trùng lặp với thời điểm Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về lý do tại sao vẫn chưa ban hành được nghị định thay thế nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Hoàng cho biết: “Đến nay dự thảo đã trình Chính phủ, chỉ còn hai ý kiến phân vân về quy định sử dụng quỹ bình ổn giá và thời gian, tần suất điều chỉnh giá. Đúng như đại biểu nói đây là vấn đề bức xúc cần sớm ban hành nghị định, nhưng thẩm quyền thuộc Chính phủ, chúng tôi tin rằng nghị định mới sẽ sớm được ban hành” - ông Hoàng nói.
Được mời giải trình bổ sung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định giá xăng dầu thời gian qua được điều hành để nhịp độ (tăng, giảm) giá là không quá dày, không quá sốc. Trong các công cụ điều hành thì quỹ bình ổn đã được sử dụng có hiệu quả. “Trong năm 2013 điều chỉnh giá 21 lần, trong đó chỉ tăng có năm lần, đó là do sử dụng tốt quỹ này” - ông Hiếu nói. Ông cho biết quỹ bình ổn giá xăng dầu được gửi tại các doanh nghiệp đầu mối, nhưng khi sử dụng phải được sự đồng ý của liên bộ Tài chính - Công thương và không được sử dụng vào mục đích khác. “Hằng quý chúng tôi đều công khai mức thu, mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối. Chúng tôi công khai toàn bộ mức giá trên thị trường thế giới, công thức tính toán... Giá mà liên bộ Tài chính - Công thương đưa ra là mức giá trần, doanh nghiệp không được bán cao hơn giá này nhưng có quyền bán thấp hơn. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ này. Từ nay đến ngày 10-4 chúng tôi sẽ công khai tiếp số dư của quỹ trong quý 1” - ông Hiếu nói thêm.
Loại khỏi ngành những người thiếu y đức
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ loại những cán bộ kém phẩm chất ra khỏi ngành, nhưng bà không dám hứa với các đại biểu Quốc hội khi nào chấm dứt tình trạng sai sót nghiêm trọng trong khám chữa bệnh có nguyên nhân từ y đức kém. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ: “Chúng tôi xử lý nghiêm khắc tất cả những sai sót. Báo cáo các đồng chí là vụ Hoài Đức đã ra tòa. Trường hợp tiêm văcxin viêm gan B thì chúng tôi sẽ phối hợp với Công an Quảng Trị để xử lý. Còn các trường hợp khác, chúng tôi đều họp hội đồng để xử lý. Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất đạo đức, nhưng cũng động viên kịp thời những người có tâm huyết. Đội ngũ cán bộ nhân viên ngành y tế hơn 10 triệu người, đa số đang hằng ngày hi sinh, chịu thiệt thòi, tận tâm với công việc áp lực rất lớn...”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: 'Chúng tôi sẽ loại những cán bộ yếu kém phẩm chất ra khỏi ngành. Nhưng không dám hứa khi nào chấm dứt tình trạng này'
Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng Tiến đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng “cử tri phản ảnh chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chưa đảm bảo, có sự phân biệt người có thẻ và có tiền”. Thừa nhận có tình trạng này, bộ trưởng lý giải: “Bên khám chữa bệnh có BHYT rất là đông, vì có mức chi trả theo quy định là thấp. Trong khi đó bên dịch vụ thì bệnh nhân ít hơn, giá dịch vụ cao hơn, khám chữa bệnh theo nhu cầu. Đây là nguyên nhân gây khác biệt giữa khám chữa bệnh có BHYT và khám chữa bệnh tự nguyện”. Tuy nhiên, theo bà Tiến, “ở đây còn có vấn đề như ý đại biểu đề cập là thái độ phục vụ, tức vấn đề y đức”. Bộ trưởng cho rằng trong tương lai, khi giá các dịch vụ y tế được điều chỉnh phù hợp với thực tế, có sự cạnh tranh cao hơn giữa các loại hình khám chữa bệnh thì chất lượng khám chữa bệnh BHYT sẽ tốt hơn. “Chúng tôi cũng kết hợp với bảo hiểm xã hội để giảm tối đa sự phiền hà về thủ tục hành chính cho người bệnh” - bà nói.
Bao giờ dân có đủ điện để sản xuất? Ông Vũ Huy Hoàng không trả lời rõ và không dám hứa trước câu hỏi được nhiều đại biểu ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và Nam Trung bộ cùng đặt ra. Hiện tại điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thiếu nghiêm trọng ở Trà Vinh, Cà Mau, Bình Thuận... Theo ông Hoàng, không thiếu điện nhưng hiện nay thiếu hạ tầng (đường dây, trạm biến thế) mà muốn đầu tư thì cần nguồn vốn rất lớn. Trong khi diện tích trồng thanh long, nuôi tôm mở ra rất nhanh, thiếu quy hoạch nên hạ tầng điện không theo kịp. “Thủ tướng đã phê duyệt đề án đưa điện về các khu vực chưa có điện, mục tiêu là đến năm 2020 thì cơ bản hoàn thành. Nhưng tổng kinh phí thực hiện đề án này xấp xỉ 30.000 tỉ đồng, có thực hiện được lộ trình này hay không còn phụ thuộc kinh phí có được cấp đủ hay không. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội bố trí kinh phí đầy đủ, chúng tôi cũng sẽ cố gắng chủ động tìm thêm nguồn vốn” - ông Hoàng nói. |
“Không phải cứ giàu là có đạo đức” Trả lời câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong cấp phép và thanh tra, kiểm tra chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh có người nước ngoài, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết thời gian vừa qua công tác kiểm tra đã được tiến hành liên tục, rộng khắp ở các địa phương, có sự tham gia của cả năm vị thứ trưởng. “Vấn đề đáng nói nhất là nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân quảng cáo quá mức. Thứ hai là giá các dịch vụ không công khai, minh bạch, không niêm yết rõ ràng. Thứ ba là thiếu người phiên dịch trong các cơ sở có người nước ngoài tham gia khám chữa bệnh” - bà Tiến cho biết. “Do muốn lợi nhuận cao, một số phòng khám có người nước ngoài sử dụng người chữa bệnh là những người chưa được cấp phép hành nghề. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an trong công tác kiểm tra, xử lý, thậm chí rút giấy phép đối với cơ sở vi phạm. Hiện tượng vi phạm đã được chấn chỉnh dần. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân phát triển” - Bộ trưởng Kim Tiến cho hay. Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải có giải pháp để tạo chuyển biến tích cực các vấn đề, lĩnh vực còn nhiều bức xúc. “Bao giờ giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện? Bao giờ giải quyết được tình trạng xuống cấp về cơ sở khám chữa bệnh, xuống cấp về đạo đức? Rất nhiều câu hỏi, tôi cho rằng đây là vấn đề cũng cần phải giải quyết bằng con đường kinh tế thị trường. Vừa qua có nhiều chuyện xuất phát từ đạo đức. Đạo đức ngành y là người làm ngành y phải có đạo đức, chứ không phải cứ giàu, cứ có máy tốt là có đạo đức” - chủ tịch Quốc hội nói. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065