BPO - Vườn quốc gia Bù Gia Mập không chỉ được xem là lá phổi xanh của vùng Đông Nam bộ, mà còn là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật và cây làm thuốc, đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Ðơn, Srok Phu Miêng, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Những năm qua, rừng được quản lý, bảo vệ tốt, có đóng góp lớn của các cộng động nhận khoán và lực lượng biên phòng, kiểm lâm.
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng
Ổn định cuộc sống nhờ đi giữ rừng
Gia đình anh Điểu Ganh, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trước đây trong diện hộ nghèo của xã, vườn rẫy ít lại có 3 đứa con tuổi ăn học. Hai vợ chồng làm thuê quanh năm cũng bữa đói bữa no và cái nghèo cứ đeo bám gia đình. Trước cuộc sống quá khó khăn nên cách nay hơn 10 năm, anh Điểu Ganh xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập (gọi tắt là vườn) và được chấp nhận. Đi tuần tra bảo vệ rừng được khoảng 3 năm, có nguồn thu nhập tăng thêm khá, nhờ đó gia đình anh Điểu Ganh đã thoát nghèo và cuộc sống dần ổn định.
Trước đây tôi nghèo lắm. Nhà hơn 1 mẫu điều nhưng có 5 miệng ăn. Năm nào điều sai trái, bán được giá cao thì đỡ chút, còn thất mùa là khổ, đói thì không đói nhưng ít khi biết no. 3 đứa con càng lớn học càng cao nên tốn tiền lắm. Nhiều lúc phải đi vay tiền về xài. Khó lắm nhưng hai vợ chồng cũng cố cho con cái ăn học. Cũng may nhà nước nhận vào đi giữ rừng nên cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn. Tôi có 3 con, giờ 2 đứa học lớp 12, 1 đứa học lớp 10. Tôi mong chúng nó học tốt để sau này người ta nhận đi làm việc để không khổ như cha mẹ nó. Anh Điểu Ganh |
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dừng chân nghỉ giữa rừng trong quá trình tuần tra
Có cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ các anh, các chú giới thiệu đi giữ rừng. Vào cộng đồng tôi mới dám lấy vợ vì trước nghèo đâu dám cưới. Anh Điểu Chrâm |
Tương tự, anh Điểu Chrâm, thôn Bù Dốt cũng tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đã hơn 5 năm. Cha anh mất sớm, mẹ già yếu, thường xuyên bệnh. Quanh năm anh Chrâm phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ già và bản thân. Thấy hai mẹ con khó khăn, anh Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Bù Dốt đã kêu gọi anh tham gia cộng đồng. Với tính tình siêng năng, chí thú làm ăn, trừ 10 ngày trong tháng đi tuần, thời gian còn lại anh Chrâm về chăm sóc mảnh vườn của gia đình và đi làm thuê. Vào cộng đồng được hơn 2 năm, gia đình anh Chrâm đã thoát nghèo và hiện có cuộc sống ổn định, hai vợ chồng cùng đứa con 3 tuổi bên mẹ già.
Hay như trường hợp anh Điểu Khoa, thôn Bù Dốt, từ một hộ khó khăn mới tạm ổn định cuộc sống sau hơn 2 năm tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Với nguồn thu từ hơn 1 ha điều cộng với khoản lương giữ rừng, nay gia đình anh Khoa đã có cuộc sống tương đối ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học.
Tham gia cộng đồng giữ rừng, người dân còn được hưởng nhiều lợi ích khác từ rừng. Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, cộng đồng được lấy những loại rau do Ban quản lý vườn cho phép như lá nhíp, đọt mây, măng; các loại trái cây như xoài, vải, chôm chôm, trường…
Anh Điểu Ốt thuộc cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dừng chân uống nước ở một con suối trong Vườn quốc gia
Tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng được thực hiện từ năm 2013. Hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với hơn 620 người, chủ yếu là người S’tiêng, Mơ Nông (chiếm hơn 95%) ở các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nhận quản lý bảo vệ 19.000 ha rừng và 5 đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 5.000 ha rừng thuộc vườn.
|
Không chỉ các hộ nghèo tham gia cộng đồng giữ rừng rồi thoát nghèo, nhiều hộ khá giả cũng tham gia. Hầu hết họ được sinh ra từ rừng nên giờ đây họ xem việc giữ rừng như trách nhiệm đối với thiên nhiên, phá rừng là tội ác. Điển hình như gia đình anh Điểu Vi Rút là hộ giàu của xã. Anh có gần 8 ha điều, xe hơi, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi, cũng tham gia cộng đồng giữ rừng từ năm 2006. Cạnh nhà anh Điểu Vi Rút không xa, là hộ anh Điểu Vơn cũng có cuộc sống khá giả. Anh có 5 ha điều hơn 10 năm tuổi, 2 ha cao su đang cho mủ, có xe hơi, có nhà cửa rộng rãi nhưng cũng gia nhập cộng đồng.
Phá rừng, săn bắt thú giảm hẳn
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn cho biết: Vườn quốc gia được bảo vệ tốt bởi 3 lực lượng cộng đồng nhận khoán, kiểm lâm và bộ đội biên phòng trên địa bàn. Ba lực lượng này cùng hỗ trợ cho nhau và cùng kiểm soát nhau. Nếu lực lượng nào không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, để rừng bị xâm hại thì sẽ bị lực lượng còn lại báo cáo lên Ban quản lý vườn. Trên cơ sở đó, tùy tính chất, mức độ sai phạm, Ban quản lý vườn sẽ đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dừng chân nghỉ trong quá trình đi tuần tra rừng
Hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… ở Vườn đã giảm hẳn. Trước năm 2006, mỗi năm xảy ra hàng chục vụ khai thác lâm sản trái phép, hằng trăm vụ săn bắt thú rừng, nhưng năm 2018 chỉ xảy ra 9 vụ khai thác lâm sản trái phép. Số vụ khai thác này lâm tặc lợi dụng nước bạn Campuchia đang làm đường tuần tra trà trộn vào rồi xâm nhập qua vườn để khai thác lâm sản quý hiếm vận chuyển về Camuchia tiêu thụ. Trong năm cũng phát hiện và phá bỏ 25 luồng bẫy thú, phá bỏ 5 chòi lâm tặc tại khu vực giáp tỉnh Đắk Nông, 2 chòi tại khi vực giáp sông Đắk Huýt. Từ đầu năm đến nay, chỉ xảy ra hơn 10 vụ khai thác lâm sản trái phép, tuy nhiên tính chất, quy mô nhỏ, không đáng kể.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích hơn 25.600 ha. Trước năm 2002, khu vực này vốn là khu bảo tồn thiên nhiên, sau chuyển hạng thành vườn quốc gia theo Quyết định số 170/TTg ngày 27-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn hiện có 724 loài thực vật trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Vườn có nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc.
Vườn gồm nhiều kiểu rừng kín, nửa thường xanh nửa nhiệt đới và kiểu rừng nửa thường xanh ẩm nhiệt đới. Vườn cũng là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, chà vá chân đen... Do còn mang đậm nét hoang sơ của rừng nguyên sinh đặc trưng của rừng ẩm thường xanh, có rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn là nơi cư trú của nhiều loài động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám... Về động vật, vườn có 437 loài. Trong đó thú có 73 loài thì có tới 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam; chim có 168 loài, có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương đông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám...; bò sát có 30 loài, có 12 loài ghi trong sách đỏ. |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065