Ðại hội lần thứ I: Diễn ra vào tháng 1-1950, tại tỉnh Thái Nguyên, với sự tham dự của 200 đại biểu đại diện cho 350 nghìn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) cả nước. Ðại hội vinh dự nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðại hội bầu đồng chí Tôn Ðức Thắng, người thành lập và lãnh đạo Công hội Ba Son (1921) làm Chủ tịch danh dự Tổng LÐLÐ Việt Nam. Mục tiêu của đại hội: "Ðộng viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi".
Ðại hội lần thứ II: Tổ chức tháng 2-1961, tại Hà Nội với sự tham gia của 752 đại biểu. Ðại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến. Ðại hội quyết định lấy thư của BCH T.Ư Ðảng và huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho phương hướng, nhiệm vụ công tác công đoàn (CÐ) Việt Nam. Ðại hội quyết định đổi tên Tổng LÐLÐ Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng thời nhất trí thông qua Ðiều lệ CÐ Việt Nam gồm 10 chương và 45 điều, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền lợi đoàn viên, nguyên tắc tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp CÐ. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của Ðại hội là: "Ðộng viên cán bộ, CNVCLÐ thi đua lao động sản xuất, xây dựng CNXH ở miền bắc, với tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà".
Ðại hội lần thứ III: Họp vào tháng 2-1974, tại Hà Nội. Dự đại hội có 600 đại biểu. Ðồng chí Tôn Ðức Thắng, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bầu làm Chủ tịch danh dự. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của đại hội là: "Ðộng viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".
Ðại hội lần thứ IV: Tổ chức tháng 5-1978, tại Hà Nội, với 926 đại biểu đại diện hơn ba triệu đoàn viên CÐ, CNVCLÐ cả nước. Ðại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị BCH T.Ư Ðảng (sau này là Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng) làm Chủ tịch. Mục tiêu của đại hội là: "Ðộng viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH trong cả nước".
Ðại hội lần thứ V: Họp tháng 11-1983, tại Hà Nội. 949 đại biểu về dự đại hội. Ðại hội nhất trí lấy ngày 28-7-1929, ngày thành lập Tổng Công hội Ðỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Ðại hội bầu đồng chí Nguyễn Ðức Thuận, Ủy viên T.Ư Ðảng làm Chủ tịch. Tháng 2-1987 đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu đại hội là: "Ðộng viên công nhân lao động thực hiện ba chương trình lớn của Ðảng. Phát triển nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu".
Ðại hội lần thứ VI: Họp vào tháng 10-1988, tại Hà Nội, với 834 đại biểu về dự. Ðây là đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, đồng thời cũng đặt ra cơ sở lý luận cho đổi mới tổ chức và hoạt động CÐ. Ðại hội đã đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng LÐLÐ Việt Nam. Ðồng chí Nguyễn Văn Tư, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Ðảng được bầu làm Chủ tịch. Ðại hội đặt ra mục tiêu: "Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng vì "việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội".
Ðại hội lần thứ VII: Tổ chức tháng 11-1993, tại Hà Nội với hơn 600 đại biểu về dự. Ðồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu lại làm Chủ tịch. Mục tiêu của đại hội là: "Ðổi mới tổ chức và hoạt động CÐ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của CNLÐ".
Ðại hội lần thứ VIII: Họp tháng 11-1998, tại Hà Nội với sự tham dự của 897 đại biểu. Ðại hội bầu đồng chí Cù Thị Hậu làm Chủ tịch. Mục tiêu của đại hội: "Vì sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức CÐ vững mạnh. Xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ CNH-HÐH, phát triển về số lượng và chất lượng, làm nòng cốt trong việc xây dựng khối liên minh vững chắc với nông dân và trí thức; ra sức phát triển đoàn viên trong các thành phần kinh tế, tiếp tục xây dựng tổ chức CÐ vững mạnh, nâng cao trình độ cán bộ CÐ; tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến CNVCLÐ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ; tích cực tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong MTTQ Việt Nam, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi, động viên CNVCLÐ phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" theo con đường xã hội chủ nghĩa".
Ðại hội lần thứ IX: Họp vào tháng 10-2003, tại Hà Nội với 900 đại biểu dự. Ðồng chí Cù Thị Hậu được bầu lại làm Chủ tịch. Tháng 12-2006, đồng chí Ðặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch. Mục tiêu của đại hội: "Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong MTTQ Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong CNVCLÐ; tham gia quản lý, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLÐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức CÐ trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và trình độ cán bộ CÐ; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức CÐ vững mạnh; tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Ðại hội lần thứ X: Diễn ra vào tháng 11-2008, tại Hà Nội. 985 đại biểu về dự đại hội. Tại đại hội, đồng chí Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng trao tặng bức trướng của BCH T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam: "Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CNVCLÐ; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước". Ðồng chí Ðặng Ngọc Tùng được bầu lại làm Chủ tịch. Mục tiêu đại hội: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CÐ các cấp; hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVCLÐ làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động CÐ vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLÐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
(Theo NDĐT)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065