Góc vườn nhỏ ngoài quê trồng ổi, na, bưởi..., ba tôi lại ưu ái ươm một cây thị. Nó là giống thị cơm với trái tròn lẳn, bé xíu vừa tay trẻ con cầm. Sau đợt mưa ngâu đầu mùa, thị bắt đầu ra hoa kết trái. Hoa thị trắng muốt, li ti rụng thành thảm mỗi khi có gió thổi qua khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Tôi, cái Tũn, thằng Tồ và con Hin vô tình trở thành bộ tứ không thể rời nhau trong cái xóm độ vài chục hộ ngụ cư. Mỗi mùa thị, khi trưa đến đợi người lớn yên giấc, chúng tôi lại lò dò đi nhặt hoa. Hoa thị làm cơm, làm vương miện, thậm chí thay tiền để trao đổi hàng hóa trong những trò chơi chúng tôi tự nghĩ. Không biết bao trưa như thế lặp đi lặp lại nhưng chẳng đứa nào chán mặc dù từng có những cuộc cãi vã.
Trong ký ức của những đứa trẻ năm xưa, không ai là không biết chuyện Tấm Cám gắn liền với trái thị thần kỳ. Ngày ấy, lần đầu tiên tôi nghe bà kể chuyện Tấm Cám thì không dám chạm tay vào trái thị, sợ chẳng may cô Tấm chui ra. Và còn những nỗi sợ không tên khác được thêu dệt bằng các tích cũ truyền miệng, nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc chớm qua. Chúng tôi - những đứa trẻ vô tư lại quấn quýt bên gốc thị chơi đùa.
Trong muôn vàn hoa thơm trái ngọt mùa thu, thị bừng lên như một đốm sáng vàng rực mời gọi cùng mùi hương ngọt ngào. Chẳng thế mà dù đang ngay cạnh vườn nhà trong tay mỗi đứa cũng phải có một trái thị, nếu đi chơi xa thì giấu thị vào túi quần. Điều vui nhất là được ai đó bất ngờ khen người thơm như có thị. Những lúc ấy, tôi mỉm cười thật nhẹ, thò tay vào túi quần mân mê “bảo bối”.
Chúng tôi lớn lên thuộc từng cái sần sùi nơi gốc, thuộc từng nhành cây, phiến lá và xem thị như một người bạn đặc biệt. Nhớ ngày dỗi hờn ba mẹ, chẳng biết đi đâu tôi vô thức ra gốc thị khóc thút thít. Ngày ấy, ngôi nhà cùng mảnh vườn thân thuộc, nếu không có sự cứng rắn của ba tôi thì có lẽ nó đã thuộc về chủ mới. Tôi cũng không thể quên được những biến cố tưởng chừng như không thể vượt qua, vậy mà ba mẹ vẫn trụ nổi, bám quê, giữ lại mảnh vườn cùng cây thị già cỗi.
Bộ tứ chúng tôi năm xưa giờ đã trưởng thành, lập gia đình, con cái đủ nếp tẻ, mỗi đứa mỗi phương. Nhưng tôi biết chúng nó cũng sẽ như tôi, sẽ chẳng thể nào nhạt nhòa hương thị ngày xưa. Bởi hương thị như ở quanh đây, trong ngăn ký ức tuổi thơ, chỉ cần thu về lại gợi nhớ mùi hương cổ tích năm nào.
Mai Hoàng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065