Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh cùng đông đảo cử tri rất phấn khởi. Bởi trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh; thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình sâu bệnh đặc biệt nghiêm trọng trên một diện tích lớn trồng điều của tỉnh, nhưng 25/26 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà HĐND tỉnh đề ra từ đầu năm đã đạt và vượt kế hoạch. Và ngoạn mục nhất là chỉ tiêu thu ngân sách. Dù mất mùa điều, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân, nhưng thu ngân sách năm 2017 vẫn ước thực hiện 5.400 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán điều chỉnh của HĐND tỉnh - một con số rất ấn tượng và cao nhất trong “lịch sử” thu ngân sách từ khi tái lập tỉnh. Ấn tượng còn bởi nó đã vượt chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ (chỉ tiêu thu ngân sách đến năm 2020 đạt 4.850 tỷ đồng). Với sự bứt phá này trong khai thác nguồn thu đã tạo điều kiện rất tốt về nguồn lực để đầu tư phát triển.
Từ xưa đến nay, nói đến ngân sách là nói đến việc thu - chi. Cái lẽ thông thường là mỗi địa phương, mỗi ngành đều phấn đấu tăng thu, giảm chi để Nhà nước có điều kiện đầu tư phát triển và tăng phúc lợi xã hội. Nhưng ở nước ta, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện các vùng miền khác nhau nên nguồn thu không đồng đều, không bảo đảm cân đối, vì vậy nhiều địa phương phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cung cấp. Bởi thế, cụm từ “chiếc bánh” ngân sách được giới truyền thông sử dụng phổ biến từ đầu những năm 2000. Mỗi khi Quốc hội bàn về thu - chi ngân sách hằng năm thì nghị trường lại nóng lên. Ngân sách nhà nước giống như một chiếc bánh ngọt mà địa phương nào, ngành nào cũng muốn được chia phần càng nhiều càng tốt. Thậm chí có vị đại biểu Quốc hội còn lên tiếng đòi hỏi “công bằng” trong phân bổ ngân sách cho khu vực mình đại diện.
Thực tế là có rất nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là thuộc cấp địa phương quản lý được thực hiện chủ yếu theo chủ trương của cấp lãnh đạo, nên nặng về ý muốn chủ quan hơn là theo các tính toán dựa trên hiệu quả kinh tế. Tất nhiên, bất kỳ dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nào cũng phải làm luận chứng kinh tế kỹ thuật, nhưng trên thực tế, các nội dung này thường chỉ được xem như một loại “thủ tục hành chính” cần có để được đưa vào danh sách cấp vốn. Chính vì vậy, không ít nội dung các bản phân tích tính hiệu quả của dự án được thực hiện một cách hời hợt, với những số liệu chung chung, có khi copy nguyên văn kết quả nghiên cứu từ những dự án tương tự.
Với tỉnh nghèo và biên giới như Bình Phước, việc đạt mức thu 5.400 tỷ đồng trong năm nay là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành liên quan trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu bền vững cũng như khai thác tốt nguồn thu. Cử tri phấn khởi và kỳ vọng cơ quan chuyên môn tham mưu tốt để trên cơ sở kết quả này, HĐND tỉnh đưa ra chỉ tiêu phù hợp cho năm 2018; đồng thời phân bổ và giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065